Aa

Lời tự tình của một “công dân” nhà công vụ

Thứ Sáu, 15/06/2018 - 06:00

Tôi chỉ còn thiếu mỗi việc “làm nhà” là cơ bản có thể vỗ ngực tự hào với ông và cha rằng con từ nay đã thành đàn ông đích thực! Nhưng mọi chuyện không dễ như tôi nghĩ, khi nơi tôi sống và làm việc là Sài Gòn, một vùng đất mà nhắc đến chữ “nhà” có khi nằm mơ cũng chẳng dám…

Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà

Xong ba việc đó mới là đàn ông

Ngày xưa, khi tôi còn nhỏ, rất nhỏ đã nghe ông nội và cha tôi ngâm nga câu lục bát đó. Đơn giản và dễ hiểu, ông nội và cha không cần giải thích tôi cũng biết với một đứa con trai thì ba việc ở trên là “điều kiện cần” để được công nhận rằng mình đã trưởng thành và là “đàn ông đích thực”. Cũng những năm tháng chưa vào đời ấy, tôi luôn nghĩ ba việc này “dễ ợt”. Nhưng rồi khi học xong đại học, bắt đầu đi làm, tôi nhận ra mọi chuyện không giản đơn như mình vẫn tưởng.

Ảnh minh họa - nguồn Internet.

Ảnh minh họa - nguồn Internet.

Đầu tiên là chuyện “tậu trâu”, với thế hệ 9X của chúng tôi thì có thể chuyển thành “tậu xe”. Ngày xưa, thời ông cha tôi làm nông thì con trâu là đầu cơ nghiệp, nhưng đến thế hệ chúng tôi, ra thành phố thì “con xe” mới là đầu cơ nghiệp. Việc sở hữu một chiếc xe cũng không hẳn là khó khăn lắm, nhất là bây giờ dịch vụ trả góp nhiều vô kể, tôi đã hoàn thành việc đầu tiên của đàn ông bằng cách vay và trả từ từ trong vòng một năm vừa rồi.

Xong chuyện tậu xe là chuyện cưới vợ. Người ta nói chuyện vợ chồng là duyên số, vậy thì duyên số của tôi tới rất sớm, hai năm sau ngày tốt nghiệp đại học tôi đã tính đến chuyện cưới vợ. Và mọi chuyện êm xuôi, nhà nàng ở cạnh nhà tôi, hai gia đình đều quen biết, chúng tôi tìm hiểu đã lâu nên ngày vui được định sẵn.

Thế là xem như tôi đã thực hiện xong hai phần ba hành trình thành “đàn ông”. Tôi chỉ còn thiếu mỗi việc “làm nhà” là cơ bản có thể vỗ ngực tự hào với ông và cha rằng con từ nay đã thành đàn ông đích thực!

Nhưng mọi chuyện không dễ như tôi nghĩ, khi nơi tôi sống và làm việc là Sài Gòn, một vùng đất mà nhắc đến chữ “nhà” có khi nằm mơ cũng chẳng dám. Hơn nữa, tôi phải nói điều này, tôi lại là một viên chức, làm công ăn lương nhà nước, và lương như thế nào thì mọi người đều biết rồi. Vậy thì lấy đâu ra tiền để làm nhà? Để hoàn thành nốt đoạn đường cuối cùng thành “đàn ông”? Tôi chịu.

Vợ tôi làm kế toán ở công ty tư nhân, lương cao hơn tôi, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc hai đứa gom góp có thể mua nhà ở Sài Gòn. Có hôm vợ tôi đưa về một tờ rơi, trong đó có quảng cáo thế này: “Sở hữu ngay căn hộ ở Thủ Đức với giá chỉ từ 1 tỷ 200 triệu đồng”. Rồi vợ tôi nhẩm tính nếu cả hai vợ chồng trả trước… 200 triệu (tiền cưới và toàn bộ số tiền gom góp mấy năm đến nay) và trả góp… 1 tỷ đồng, nếu mỗi tháng trả 10 triệu cho ngân hàng thì chúng tôi sẽ phải trả ròng rã suốt 8 năm 4 tháng chẵn. Tức kể từ bây giờ cho đến năm tôi 37 tuổi!

Một con số khủng khiếp, không đơn giản và ngon lành như cụm từ “giá chỉ từ” như trong tờ rơi quảng cáo!

Ảnh minh họa - nguồn Internet.

Ảnh minh họa - nguồn Internet.

Tất nhiên sau cuộc nhẩm tính đó vợ chồng tôi bỏ luôn khát vọng mua nhà trả góp, bởi có dành cả thanh xuân như người ta nói thì chúng tôi cũng không trả hết được. Nhưng vấn đề là chúng tôi rồi sẽ có con, và khi đó không thể sống trong phòng trọ chật hẹp 12 mét vuông với họ hàng nhà gián cùng chuột nhiều vô kể.

Tôi dường như bế tắc hoàn toàn và nhận ra rằng để trở thành “đàn ông” như cha ông đã nói không hề dễ chút nào. Tôi cũng hiểu vì sao chuyện “làm nhà” lại được đặt ở vị trí cuối, sau cả việc cưới vợ! Vợ chồng tôi hầu như bỏ luôn ý định mua nhà ở Sài Gòn, và cả chuyện “thuê nhà” nữa, vì tiền thuê một căn hộ nhỏ mỗi tháng coi như đi đứt khoản lương viên chức của tôi.

Nhưng khao khát về một nơi sống tốt hơn thì vẫn luôn ấp ủ trong lòng hai vợ chồng tôi. Cho đến một ngày đầu tháng 6 năm nay, tôi nhận được một cuộc gọi từ tổ công đoàn nơi tôi làm việc với thông báo tôi được xét vào ở nhà công vụ. Khỏi phải nói, tin tức đó làm tôi và vợ mừng đến mức nào, cuối cùng chúng tôi cũng có được một nơi sống tốt hơn như bao năm mơ ước!

Nhà công vụ nơi tôi sống nằm ở phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đây vốn là nơi dành cho cán bộ, viên chức trẻ đang công tác tại cơ quan Đại học Quốc gia TP.HCM, các trường thành viên và trung tâm trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.

Đây là một tòa nhà cao 12 tầng. Tầng 1 là không gian sinh hoạt chung và các dịch vụ tiện ích. Từ tầng 2 đến tầng 12 là hệ thống phòng ở. Đứng ở sân thượng có thể nhìn toàn cảnh hồ đá xanh biếc và hầu hết công trình trong Khu Đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM, xa xa là núi Châu Thới với ngôi chùa cùng tên, thuộc địa phận tỉnh Bình Dương.

Tôi được bố trí ở tầng 8, với căn hộ 52 mét vuông, có hai phòng ngủ và một phòng khách. Bên cạnh đó, trong từng phòng đều có tủ âm tường, rèm cửa, phòng vệ sinh có thêm máy nước nóng. Với những người hơn 10 năm sống ở phòng trọ Sài Gòn như vợ chồng tôi thì đó là một điều “trên cả tuyệt vời”.

Nhà công vụ nơi tôi sống, phía dưới sân còn có hệ thống máy tập thể dục cùng với đường chạy bộ hình elip với vô số cây xanh như một công viên thu nhỏ. Đây chính là điều mà tôi thích thú nhất, bởi khát khao giản dị của tôi từ trước đến nay là được chạy bộ mỗi buổi chiều. Điều đơn giản đó tưởng chừng dễ mà không dễ, nhất là khoảng thời gian tôi ở trọ, đường chạy bộ hầu như không hề có, nếu muốn tôi chỉ có thể chạy ra… xa lộ.

Với riêng vợ tôi, nhà công vụ giải quyết được khát khao không gian sống khác, ít nhất là hệ thống cửa hàng tiện lợi với nhu yếu phẩm đầy đủ ở tầng 1. Bên cạnh đó là quán café cùng với những thảm cỏ xanh mướt có đặt những dãy ghế đá mát rượi, mà như vợ tôi nói “chỉ cần ngồi hít thở thôi cũng đủ sướng rồi”.

Vì nhà công vụ chỉ dành riêng cho những cán bộ, viên chức trẻ dưới 35 tuổi nên không khí ở đây luôn vui vẻ theo đúng nghĩa “thanh xuân là trên hết”. Dù mới chuyển vào nhưng tôi cảm nhận được sức sống và sự gần gũi của khu dân cư nhỏ này, nó khác hẳn với cuộc sống nhà trọ của tôi ngày trước, chỉ sáng đi tối về đóng cửa im lìm, muốn ra ngoài hít thở hay chuyện trò cũng khó.

Tất nhiên, nhà công vụ ở đây không “free”, nhưng nếu so với giá bên ngoài thì rất “bèo”. Mỗi tháng, tôi chỉ cần trích một phần ba lương viên chức là đủ cho tiền trang trải hai vợ chồng, đổi lại chúng tôi có một không gian sống hơn cả mong đợi.

Hôm trước, gia đình ở quê gọi điện vào, trong đó bố vợ tôi bàn tính rằng sẽ bán một mảnh đất ở nhà để cho chúng tôi tiền… mua nhà Sài Gòn. Tôi thưa với bố rằng bây giờ chúng tôi đã có nhà công vụ rồi, bố cứ để dành tiền mà… dưỡng già. Vì nếu có bán một mảnh đất ở quê bù vào số tiền chúng tôi đang có, thì gắng lắm cũng phải trả góp, mà như tôi đã làm bài toán ở trên, việc giảm thời gian trả góp từ 8 năm xuống 4 hay 5 năm vẫn mất cả thanh xuân rồi. Đó là chưa kể mỗi tháng trả “một cục” khiến đầu óc hai vợ chồng luôn nặng trĩu…

Khi tôi viết bài dự thi này, vợ tôi đang ngồi bên cạnh. Thực ra ý tưởng của bài viết cũng đến từ vợ tôi, chính vợ tôi bảo rằng “anh hãy viết gì về nhà công vụ này”, như một lời cảm ơn đến những người đã giúp hai vợ chồng tôi có một nơi an cư và thôi vướng bận đến chuyện “mua nhà” luôn làm đau đầu những người trẻ!

Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người… Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống.

Gửi bài dự thi kèm thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân.

Email: noitoisong2018@gmail.com

Điện thoại: 0986 321 888; 024 6666 0899

Fanpage: https://www.facebook.com/NoiToiSongPage/

Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại đây.

Lễ phát động cuộc thi

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top