Từ ngày tôi sinh em bé, tính khí trở nên thất thường tới độ khó chịu, nhìn cái gì cũng thấy không vừa ý, ai động vào cũng thấy chẳng bằng lòng. Bản thân tôi cũng lờ mờ nhận ra mình thay đổi bởi những cái nhăn mày khe khẽ và tiếng suỵt soạt nhỏ to của chồng sau cánh cửa gỗ với đám bạn đang ở chung nhà.
Chúng tôi ở chung cư. Nhà rộng 80m2, ba phòng ngủ, năm đứa sống cùng, trong đó có gia đình tôi. Sau những cân nhắc, đắn đo, tôi chuyển nhà. Bỏ lại căn hộ chung cư cao ngun ngút, lộng gió và view đẹp, có thể ngắm nhìn thành phố lộng lẫy ánh đèn về đêm. Chúng tôi chuyển đến khu ở mới, nhà bé xíu xiu, hai tầng, ẩm thấp và bí nóng.
Có thể coi đó là một bước thụt lùi trong đời sống của một con người. Và sự thụt lùi ấy hiện lên rõ rệt hơn với ánh mắt tò mò, ái ngại của những người xung quanh khi thấy một con mẹ xồ xề, một tay xách bộ lau nhà, tay còn lại đẩy xe đẩy có thằng con bé tí xíu, đỏ hon hỏn tới dọn dẹp. Tôi mặt mày đỏ gay gắt và mồ hôi ròng rã ướt nhèm nhẹp vì rực sữa, và vì cái nắng nóng giữa tháng sáu đổ lửa.
Tôi đã sống ở đây được hai năm. Ngày mới chuyển tới, tôi vẫn hay than phiền về căn nhà có khi xuất hiện một hai con chuột, có gián và có lúc thì cái máy bơm nước dở chứng chẳng hoạt động, phải hì hục xách từng xô nước ngoài cái giếng con con ở phía trước nhà về dùng. Thỉnh thoảng, tôi lại chẹp miệng ngẩn ngơ về một nơi dân trí cao, cái xe để tầng hầm không lo mất trộm như bên khu mới đến. Ở đây toàn những dân tứ xứ, chân tay lao động lấm lem, người sực mùi mồ hôi chua chát và dầu mỡ. Ấn tượng có thế, và in sâu như thế gần một tháng. Đến khi tôi ló mặt ra ngoài và làm quen, tôi nhận ra một thế giới khác, khác hoàn toàn những thành kiến tôi xây lên về con người lao động, về cái xóm nghèo mà quá đỗi “giàu có” tình yêu thương này.
Tôi sẽ kể về quanh cảnh phía trước mặt nhà tôi. Đó là khoảnh sân con con, một mảnh vườn nho nhỏ với đủ loại rau dưa, mướp bí, những khóm hoa hồng, hay đủ loại hoa thập cẩm… được du nhập từ những hộ gia đình trong cái xóm tí hon của nhà tôi. Bất kể ai, bất kể những người chân tay dầu mỡ hay áo lấm lem sơn cũng có thể đem về một khóm hoa thật xinh cắm xuống nền đất chẳng màu mỡ nhưng ắp đầy yêu thương ấy, và đợi chờ một ngày mai nó sẽ nở hoa.
Tôi dần quên đi căn nhà cao tầng mình từng ở mà mở lòng và rung động với một nắm rau non mơn mởn các bà hàng xóm đưa vào cửa nhà, nhắc “mẹ nó nấu cháo cho thằng bé con ăn, rau sạch đấy”.
Tôi quên đi hành lang chung cư sạch bóng và im ắng, thay vào đó là tiếng những đứa trẻ rộn ràng nô đùa, chạy nhảy, những đứa bé con có thể đèo nhau trên chiếc xe đạp ba bánh và chí chóe đôi ba câu, hay thỉnh thoảng chạy đến nựng vào má con trai tôi để cậu bé cười khoái chí.
Tôi quên đi cái view đẹp đẽ chỉ có thể ngắm nhìn đèn đường, mà lấp vào đó bằng khoảnh sân con đám trẻ có thể ngửa đầu thấy trăng, thấy sao, thấy cả những chiếc máy bay ầm ì lượn qua khoảng không mây lãng đãng. Và đám con trẻ xếp bằng phá cỗ trông trăng như hồi còn ở quê nhà tôi gắn bó thuở ấu thơ.
Con tôi thuộc được cây na, cây tía tô hay cây bầu bí các bà ngày ngày chăm sóc. Cậu bé con của tôi hằng ngày vẫn thấy những con chim bé nhỏ trên cành, những con bướm bay vòng vòng trêm bụm cải đầy hoa… Những thứ ấy, chắc chắn một chung cư cao tầng không hề có.
Chuyển đến khu ở này, tất cả những đứa trẻ không được dán mắt vào tivi, ipad hay những thiết bị điện tử. Một xóm gần như “chậm tiến” so với thời đại mới, bù lại, những đứa trẻ ấy không đeo kính, không chậm chạm, rất yêu sách, sống hòa đồng và lễ phép, dạn dĩ với tất cả mọi người. Chúng ngoan và nhanh nhẹn tới mức tôi phải thốt lên trước sự giáo dục tuyệt vời của những người làm cha mẹ ở xóm bé nhỏ ẩm thấp và có chút nghèo về vật chất nhưng ắp đầy tình thương yêu.
Tôi bỗng yêu thêm biết bao nơi đây. Yêu những người dân lao động chân tay lấm lem và mồ hôi chua chát, nhưng chẳng ngại tối mò mẫm nối đường dây điện lằng nhằng cho gia đình vừa mới chuyển đến, cả những lần sốt sắng hỏi han nhau nếu có lỡ đứa trẻ con nào sốt quấy, viêm họng, viêm tai.
Cuối cùng, tôi nhận ra trong tâm trí của chính tôi, bản thân mình cần một điều giản dị như thế, một nơi những con người sống với nhau bằng tình cảm, bằng niềm vui và tiếng cười. Nơi dù nghèo khó nhưng họ sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ và xót xa cho nhau mọi nỗi buồn, chung vui mọi niềm vui dù là nhỏ bé. Đi khắp mọi nơi, ở khắp mọi miền, tôi đã khao khát và may mắn tìm thấy tình cảm quê nhà ngay trong lòng Hà Nội ồn ào mình đang sống.
Chúng tôi chỉ mong ước một điều rằng, không gian sống dù bé nhỏ, nhưng sạch đẹp, gọn gàng và chứa chan tình cảm như xóm của chúng tôi sẽ được nhân rộng tới mọi nơi. Những em bé sẽ luôn được sống trong môi trường ngập đầy những hạnh phúc, yêu thương, bằng lòng nhân ái và sự đoàn kết đang được bồi đắp lên mỗi ngày.
Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người… Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống. Gửi bài dự thi kèm thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân. Email: noitoisong2018@gmail.com Điện thoại: 0986 321 888; 024 6666 0899 Fanpage: https://www.facebook.com/NoiToiSongPage/ Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại đây. |