Aa

Long An tìm hướng phát triển đô thị đến năm 2030

Thứ Năm, 12/09/2019 - 16:33

Để đạt mục tiêu tới năm 2030, tỉnh có 29 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, Long An dự kiến chi hàng chục nghìn tỷ đồng để phát triển hạ tầng kỹ thuật khung. Tuy nhiên, trước mắt cần giải quyết dứt điểm các dự án treo.

Chi hàng chục nghìn tỷ đồng phát triển đô thị

UBND tỉnh Long An vừa có quyết định “Phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Long An đến năm 2030” với mục tiêu xây dựng danh mục, lộ trình nâng loại đô thị toàn tỉnh giai đoạn 5 năm, phù hợp chương trình phát triển đô thị quốc gia và quy hoạch vùng tỉnh đã được phê duyệt.

Long An hiện đang có nhiều dự án bị chậm tiến độ, ảnh hưởng tới chương trình phát triển đô thị chung của tỉnh

Cụ thể, xây dựng danh mục ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật kết nối hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các giải pháp về cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn, phân bổ nguồn lực, sự tham gia phối hợp, hỗ trợ trong nước và quốc tế.

Xây dựng, phát triển hệ thống đô thị tỉnh Long An đến năm 2030, theo từng giai đoạn: 2018 - 2020; 2021 - 2025; 2026 - 2030 và đảm bảo các chỉ tiêu về phân loại đô thị. Trong đó, quy mô dân số đến năm 2020 khoảng 1.667.000 người và định hướng đến năm 2030 khoảng 1.879.000 người.

Đặc biệt, Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (phê duyệt theo Quyết định số 4666/QĐ-UBND ngày 30/12/2013) xác định, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh Long An đến năm 2020 là 36 - 40% (trung bình tăng gần 4%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020, so với mức tăng 0,9 - 1% của cả nước) và 55 - 60% trong giai đoạn đến năm 2030.

Quy hoạch được xây dựng 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2018 - 2020 có mục tiêu tổng số đô thị toàn tỉnh là 22 đô thị: Thành lập mới 5 đô thị và nâng cấp 12 đô thị, gồm có 1 đô thị loại II (Tân An), 3 đô thị loại III (Kiến Tường, Bến Lức, Hậu Nghĩa), 10 đô thị loại IV (Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tầm Vu, Tân Trụ) và 8 đô thị loại V (Hưng Điền B, Bình Phong Thạnh, Đông Thành, Hiệp Hòa, Gò Đen, Rạch Kiến, Đông Hòa, Long Đức Đông).

Giai đoạn 2021 - 2025, tổng số đô thị toàn tỉnh là 25 đô thị. Trong đó, thành lập mới 3 đô thị và nâng cấp các đô thị còn lại, gồm có 1 đô thị loại II (Tân An), 4 đô thị loại III (Kiến Tường, Bến Lức, Hậu Nghĩa, Cần Giuộc), 11 đô thị loại IV (Đức Hòa, Cần Đước, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tầm Vu, Tân Trụ, Đông Hòa, Đông Thành) và 9 đô thị loại V (Hưng Điền B, Bình Phong Thạnh, Hiệp Hòa, Gò Đen, Rạch Kiến, Long Đức Đông, Khánh Hưng, Thái Bình Trung, Mỹ Quý Tây).

Giai đoạn 2026 - 2030, tổng số đô thị toàn tỉnh là 29 đô thị, thành lập mới 4 đô thị và nâng cấp các đô thị còn lại, gồm có 1 đô thị loại I (Tân An), 2 đô thị loại II (Bến Lức, Kiến Tường), 2 đô thị loại III (Cần Giuộc, Hậu Nghĩa), 11 đô thị loại IV (Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Hòa, Thủ Thừa, Tân Trụ, Cần Đước, Đông Hòa, Tầm Vu, Đông Thành) và 13 loại V (Hưng Điền B, Khánh Hưng, Thái Bình Trung, Bình Phong Thạnh, Hậu Thạnh Đông, Mỹ Quý Tây, Hiệp Hòa, Mỹ Hạnh, Gò Đen, Lương Hòa, Rạch Kiến, Long Đức Đông, Lạc Tấn).

Để thực hiện được quy hoạch đô thị thành công, tỉnh Long An quyết xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, công trình đầu mối để kết nối các đô thị trên địa bàn tỉnh theo các giai đoạn và nguồn lực thực hiện.

Tỉnh Long An cũng xem xét những chỉ tiêu đánh giá còn thấp, chưa đạt so với quy định phân loại đô thị, kết hợp kế hoạch vốn trung hạn của tỉnh. Mặt khác, nhiều dự án hạ tầng khung có tính kết nối cần vốn đầu tư lớn và thơi gian đầu tư kéo dài, nên tư vấn đề xuất phân kỳ đầu tư từng giai đoạn, để tận dụng tối ưu nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu nâng loại đô thị theo từng giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh chi khoảng 16.416 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nâng cấp phát triển đô thị khoảng 11.072 tỷ đồng, vốn đầu tư hạ tầng khung đô thị khoảng 5.344 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025 chi khoảng 21.416 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nâng cấp phát triển đô thị khoảng 11.013 tỷ đồng, vốn đầu tư hạ tầng khung đô thị khoảng 10.403 tỷ đồng. Giai đoạn 2026 - 2030 chi khoảng 11.738 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nâng cấp phát triển đô thị khoảng 4.491 tỷ đồng, vốn đầu tư hạ tầng khung đô thị khoảng 7.247 tỷ đồng.

Cần giải quyết dứt điểm dự án treo

Việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Long An đến năm 2030 của UBND tỉnh Long An được kỳ vọng sẽ tạo ra không gian phát triển mạnh mẽ cho tỉnh. Tuy nhiên, điều nhiều người dân và nhà đầu tư quan tâm chính là việc triển khai thực hiện, bởi theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An, hiện trên địa bàn tỉnh còn một số dự án phát triển đô thị bị treo.

Theo ông Nguyễn Văn Tiều, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An, các dự án này đã có chủ trương đầu tư từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện. Điều đáng nói, hầu hết các dự án này được gia hạn nhiều lần.

Chẳng hạn, Dự án Khu đô thị Năm Sao, tổng diện tích khoảng 200ha (gồm 103ha tại xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc và 97ha tại xã Long Trạch, Long Khê, huyện Cần Đước) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Quốc tế Năm Sao làm chủ đầu tư.

Nguyên nhân dự án này triển khai chậm là do gần 47% số hộ dân trong vùng dự án (thuộc huyện Cần Đước) không đồng ý kê biên; chủ đầu tư lập quy hoạch xây dựng (chi tiết tỷ lệ 1/2.000) đối với toàn bộ diện tích khu đô thị là 200ha, nếu thu hồi phần diện tích 97ha tại huyện Cần Đước, thì sẽ phá vỡ toàn bộ quy hoạch này.

Ông Tiều cho biết, tỉnh đã cho chủ đầu tư gia hạn bồi thường đến quý I/2016, nhưng đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sắp tới, Sở sẽ làm việc một lần nữa với nhà đầu tư để báo cáo đề xuất UBND tỉnh thu hồi dự án.

Ngoài ra, còn phải kể đến quần thể dự án 1.900ha (huyện Cần Giuộc), gồm 4 dự án là cảng (147ha), khu công nghiệp (396ha), khu dịch vụ công nghiệp (239ha), khu đô thị mới (1.145ha). Dự án này trước đây do Công ty TNHH Thương mại Xây dựng ACM làm chủ đầu tư, sau đó chuyển toàn bộ quyền liên quan đến dự án cho Công ty VinaCapital Group. Tiếp đó, VinaCapital Group chuyển toàn bộ dự án cho Công ty Cổ phần Đồng Tâm quản lý; trong đó, dự án cảng và khu công nghiệp hoàn thành thủ tục pháp lý chuyển nhượng, còn dự án khu dịch vụ công nghiệp và khu đô thị mới vẫn chưa giải quyết xong.

Theo ông Tiều, việc chậm trễ thực hiện quần thể trên nguyên nhân là còn 45ha người dân chưa chịu nhận tiền bồi thường và UBND tỉnh chỉ cho triển khai giai đoạn 1 là 415ha, khi bồi thường xong mới cho triển khai giai đoạn 2 với phần diện tích còn lại là 1.500ha.

Bên cạnh đó, việc dự án chậm triển khai còn do UBND huyện chưa thật sự quyết liệt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Giải pháp sắp tới, đối với phần diện tích dự án thuộc giai đoạn 1 chưa bồi thường, Sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo huyện Cần Giuộc chủ trì phối hợp các ngành chức năng tập trung giải quyết để triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng. Khi thực hiện hoàn thành bồi thường giai đoạn 1, Sở sẽ đề xuất UBND tỉnh việc triển khai giai đoạn 2.

Một dự án lớn nữa chậm triển khai là 9 khu công nghiệp thành phần trong Khu công nghiệp Đức Hòa gồm: Minh Ngân, Đức Lợi, AMIC, SLICO, RESCO, Long Việt, Long Đức, Liên Thành và Mười Đây.

Sau thời gian tích cực tháo gỡ khó khăn, đến nay, có 2 khu công nghiệp triển khai thực hiện là Khu công nghiệp Minh Ngân do Công ty Địa ốc Minh Ngân làm chủ đầu tư (147ha) và Khu công nghiệp Đức Lợi do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đức Lợi làm chủ đầu tư (110ha).

Ông Tiều cho biết, việc chậm triển khai trước hết là do nhà đầu tư chưa tích cực trong việc triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật; đồng thời, cũng có trách nhiệm quản lý nhà nước của Ban Quản lý Khu kinh tế, chưa tập trung đôn đốc, xử lý việc chậm trễ này.

Đến hết tháng 12/2019, nếu nhà đầu tư vẫn không lập thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thì Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất đã cho thuê đối với 7 khu công nghiệp chậm triển khai theo đúng quy định tại Điều 64, Luật Đất đai hiện hành.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top