Long An: Xây dựng đô thị đồng bộ, hiện đại và bền vững

Long An: Xây dựng đô thị đồng bộ, hiện đại và bền vững

Thứ Bảy, 28/01/2023 - 06:09

Nằm giáp ranh TP.HCM, Long An được xem là dấu gạch nối giữa hai vùng kinh tế trọng điểm Đông và Tây Nam Bộ. Trong những năm qua, Long An nhanh chóng bứt phá trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Với sự chú trọng đầu tư về hạ tầng, Long An đang trở thành đầu mối vận chuyển và trung tâm kho vận lưu thông hàng hóa giữa miền Tây Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sự hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp cũng đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tập trung dân cư; đồng thời tạo lập thêm nhiều điểm dân cư đô thị mới trên địa bàn Long An. Điều này giúp thị trường bất động sản Long An đón nhận sự quan tâm đặc biệt từ giới đầu tư, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế của cả khu vực.

Khép lại một năm 2022 với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng không ít cơ hội mở ra với tỉnh nhà, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An - ông Nguyễn Văn Hùng đã chia sẻ với Reatimes về một số quyết sách, định hướng phát triển của tỉnh và giải pháp khơi thông những điểm nghẽn để phát triển thị trường bất động sản.

DIỆN MẠO ĐÔ THỊ THAY ĐỔI RÕ NÉT

PV: Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ban hành đầu năm 2022 được đánh giá là sự “chắp cánh” để các địa phương phát triển các đô thị động lực, đẩy mạnh quá trình đô thị hóa. Ông có thể chia sẻ về những mục tiêu và chiến lược phát triển đô thị của Long An trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Văn Hùng: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác quy hoạch và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Long An đã có bước phát triển rõ rệt. Năm 2022 có rất nhiều khó khăn, nhưng ngành xây dựng vẫn quyết thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao như: Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, trình phê duyệt chương trình phát triển đô thị các huyện, phối hợp với TP. Tân An triển khai thí điểm đề án đô thị thông minh…

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch xây dựng trọng điểm gồm: Quy hoạch trục động lực kết nối Tiền Giang - Long An - TP.HCM; quy hoạch phân khu xây dựng dọc hai bờ sông Vàm Cỏ Tây; quy hoạch chi tiết xây dựng khu liên hợp văn hóa thể dục thể thao tỉnh, quy hoạch điều chỉnh cấp nước vùng tỉnh Long An đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050…

Điều đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực mới, từng bước định hướng để địa phương triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành các tiêu chí, tiêu chuẩn, nâng loại các đô thị hiện có và hình thành phát triển các đô thị mới.

Về định hướng phát triển, Long An lấy TP. Tân An là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, đầu mối giao thông của tỉnh; thị xã Kiến Tường là đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh; các đô thị Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc là đô thị thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và trong vùng giáp ranh với TP.HCM.

Diện mạo đô thị Long An đang có sự thay đổi rõ nét.

Đến nay, có thể nói diện mạo các đô thị trên địa bàn tỉnh Long An có sự thay đổi rõ nét. Nhiều công trình được đầu tư, xây dựng, tạo ra cảnh quan mới khang trang, sạch, đẹp, diện mạo đô thị khởi sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn.

Từ nay đến năm 2030 các đô thị trên địa bàn tỉnh Long An phát triển bền vững theo mục tiêu: Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực, toàn quốc và thế giới. 

Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Song song đó là phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.

PV: Hạ tầng đi trước một bước, đó là phương châm đang được nhiều tỉnh thành áp dụng. Với Long An, yếu tố hạ tầng làm đòn bẩy cho sự phát triển đô thị đang được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hùng: Phát triển hạ tầng đô thị là nhiệm vụ đã và đang được cả hệ thống chính trị tỉnh Long An đặc biệt quan tâm thực hiện nhằm từng bước hoàn chỉnh các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các đô thị.

Để phát triển hạ tầng đô thị theo hướng nhanh và bền vững, hướng đến đô thị thông minh, chính quyền các cấp đã tập trung giải quyết những khó khăn, bất cập. Tỉnh huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm; đồng bộ trong công tác quản lý, tạo cơ chế thu hút đầu tư hiệu quả.  

Sở Xây dựng đã và sẽ tập trung rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh trong lĩnh vực này theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư để huy động nhiều hơn nữa các nguồn lực dành cho hạ tầng đô thị.

PV: Về công tác quy hoạch thì sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hùng: Công tác quy hoạch cũng được coi là một trong những giải pháp đột phá làm cơ sở để địa phương xây dựng và triển khai các kế hoạch đầu tư. Thời gian qua, tỉnh đã tích cực, chủ động trong việc lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đảm bảo chất lượng, là cơ sở cho việc phát triển, mở rộng và nâng cấp đô thị; đồng thời thu hút đầu tư, cấp giấy phép và quản lý xây dựng dựa trên quy hoạch.    

Theo đó, quy hoạch đô thị phải bảo đảm chất lượng, tầm nhìn và đi trước một bước theo hướng đô thị bền vững như đô thị xanh, đô thị sinh thái hướng đến đô thị thông minh. Sau bước quy hoạch, chính quyền các cấp lập kế hoạch đầu tư trong từng giai đoạn để thực hiện các công trình hạ tầng xã hội tại các dự án khu đô thị, khu dân cư mới đã được chấp thuận nhằm hình thành các khu đô thị đồng bộ về hạ tầng đảm bảo phù hợp quy hoạch chung. 

  TĂNG CƯỜNG THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO
DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN

PV: Thưa ông, hiện thị trường bất động sản nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Vậy UBND tỉnh Long An có giải pháp nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư, thúc đẩy thị trường bất động sản địa phương phục hồi và tăng trưởng, phát huy được những lợi thế, tiềm năng sẵn có?

Ông Nguyễn Văn Hùng: Công tác quản lý bất động sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được kiểm soát tốt và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, sự phát triển của lĩnh vực bất động sản Long An thời gian qua vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất cập. Đơn cử như: Cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa hợp lý (đa phần là đất nền), giá sản phẩm bất động sản còn khá cao so với thu nhập của người dân, cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường bất động sản chưa đồng bộ, đầy đủ, thiếu thông tin, chưa thật sự minh bạch...

Đặc biệt, việc huy động vốn theo hình thức “đặt cọc, giữ chỗ” đã làm nảy sinh các vụ việc lừa đảo khách hàng, trong khi đó công tác quản lý thông tin về thị trường bất động sản chưa kịp thời, chưa đáp ứng tốt yêu cầu quản lý... Chính vì thế, việc khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời thu hút đầu tư, thúc đẩy thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh phát triển trong bối cảnh hiện nay là vấn đề quan trọng và cấp thiết

Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững trong thời gian tới, UBND tỉnh Long An đã ban hành văn bản số 10663/UBND-KTTC ngày 14/11/2022; trong đó, tỉnh có định hướng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai các dự án bất động sản nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Sở Xây dựng được giao hướng dẫn, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị và các quy định khác của pháp luật có liên quan; đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn.

Sở Xây dựng cũng sẽ đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, thực hiện công khai, minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính trên địa bàn quản lý, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh từ nay đến năm 2025 và 2030, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hằng năm theo quy định của Luật Nhà ở, trong đó xác định danh mục các dự án nhà ở để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, rà soát đối tượng, điều kiện, trên cơ sở đó lập và công bố danh mục các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại theo quy định của Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Cùng với đó, phối hợp với các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố tháo gỡ khó khăn, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng tiến độ được phê duyệt; hỗ trợ, hướng dẫn chủ đầu tư sớm hoàn chỉnh các thủ tục để mở bán nhà ở xã hội đối với các dự án đủ điều kiện. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh tỉnh Long An triển khai cho vay kịp thời, hiệu quả chương trình cho vay nhà ở xã hội.

Phối hợp với các cơ quan có liên quan sớm lập, trình cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ theo quy định tại Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ.

Theo dõi chặt chẽ, kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và “bong bóng” bất động sản trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.

NHỮNG TÍN HIỆU KHẢ QUAN

PV: Những giải pháp đồng bộ nói trên được xem là tiền đề để thị trường bất động sản Long An tiệm cận dần với sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững. Nhận định về bức tranh năm 2023, theo ông, đâu là những động lực để thị trường bất động sản tỉnh có thể phục hồi và mở ra cơ hội đầu tư mới?

Ông Nguyễn Văn Hùng: Những năm qua, thị trường bất động sản Long An đã có nhiều bước tiến quan trọng. Nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới, công trình sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ được hình thành, đáp ứng nhu cầu về nhà ở. Trong đó có dự án của một số nhà phát triển bất động sản lớn như: Tập đoàn Nam Long, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quốc tế Năm Sao, Tập đoàn Tân Tạo, Công ty Cổ phần Thái Sơn Long An, Công ty Cổ phần Đồng Tâm Long An...

Hiện nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát lập quy hoạch 140 dự án, với tổng diện tích là 100.050ha. Trong đó, huyện Bến Lức có 32 dự án với tổng diện tích 17.812ha; huyện Đức Hòa có 33 dự án với tổng diện tích 22.115ha; huyện Cần Đước có 10 dự án với tổng diện tích 9.562ha; huyện Cần Giuộc có 25 dự án với tổng diện tích 8.712ha; huyện Thủ Thừa có 9 dự án với tổng diện tích 16.167ha; TP. Tân An có 20 dự án với tổng diện tích 5.027ha; huyện Đức Huệ có 5 dự án với tổng diện tích 10.461ha; thị xã Kiến Tường có 1 dự án với tổng diện tích 23ha; huyện Châu Thành có 1 dự án với tổng diện tích 3.143ha; huyện Tân Trụ có 2 dự án với tổng diện tích 3.821ha; huyện Thạnh Hóa có 2 dự án với tổng diện tích 3.207ha.

Với sự chú trọng đầu tư về hạ tầng, Long An đang trở thành đầu mối vận chuyển và trung tâm kho vận lưu thông hàng hóa giữa miền Tây Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. (Ảnh: Internet)

Theo chương trình phát triển nhà ở tỉnh Long An giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến 2030, tỉnh phấn đấu đầu tư xây dựng khoảng 26,3 triệu mét vuông sàn nhà ở thương mại, khu đô thị, tương đương khoảng 100.565 căn nhà xây dựng mới. Giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu đầu tư xây dựng khoảng 42,7 triệu mét vuông sàn nhà ở thương mại, khu đô thị, tương đương khoảng 161.113 căn nhà xây dựng mới.

Về chỉ tiêu nhà ở xã hội cho công nhân, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh phấn đấu đầu tư xây dựng khoảng 6,39 triệu mét vuông sàn, tương ứng với 159.750 căn; giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu đầu tư xây dựng 9,43 triệu m2 sàn, tương ứng với 235.750 căn (mỗi căn khoảng 40m2).

Đồng thời, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang thực hiện hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 theo chỉ tiêu đã được UBND tỉnh phân bổ tại Quyết định số 9253/QĐ-UBND ngày 5/10/2022, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 của các huyện, thị xã, thành phố được UBND tỉnh phê duyệt, nhà đầu tư có thể tìm kiếm các vị trí phù hợp với định hướng của địa phương và phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư để đầu tư dự án.

Đây được xem là tín hiệu khả quan để thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường bất động sản Long An trong năm 2023 và định hướng đến năm 2030.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top