Sáng sớm Hà Nội tiết trời tháng 10 hanh hao, se lạnh, quán trà chén bên đường vẫn còn có người ngồi so vai vì gió mạnh. Một người mẹ giục con uống nhanh bịch sữa rồi ngồi lên xe, chị nói với người bán trà chén: “Bà mua giúp con mớ rau muống, xế chiều con về xin bà. Con đi gửi quần áo trẻ con giúp miền Trung”. Chỉ thấy bà chủ quán trà gật đầu vui vẻ. Xe phóng đi, bà chủ quán bảo: “Giờ mới thấy Hà Nội mình bình yên, còn sướng lắm, chứ nhìn vào miền Trung chỉ thấy trâu bò lợn gà mất trắng mà tôi xót hết cả ruột”.
Một ông giáo già ngồi hút điếu thuốc lào cũng góp chuyện: “Ngày tháng 10 chưa cười đã tối, nắng có lên thì thóc lúa mọc mầm, có muốn đổ cho lợn cũng không còn lợn mà nuôi. Tôi sống hơn 70 năm, chưa có năm nào lũ lớn ngập tới tận nóc nhà”.
Bà bán trà chén nói: “Tôi cũng mất ngủ mấy đêm, uống thuốc cũng không ngủ được, đầu óc ám ảnh cái việc họ dỡ nóc nhà để đưa người mẹ lên mái đem chôn cất rồi không rõ sẽ đặt nơi đâu trong biển nước kia? Rồi lại nhớ hình ảnh mấy ngón tay bấu víu tuyệt vọng vào cửa xe ô tô đang chở chồng mình, vợ lính khóc khan, thương lắm!”. Ông giáo già cùng phố Hàng Muối rít sâu hơi thuốc: “Trời ơi, sau mưa lũ tan hoang, nhà vắng ngắt”.
Sau nước rút mà nỗi buồn vẫn không rút được!
Sau nước rút là dọn dẹp nhà cửa, là oằn người mưu sinh, là nỗi lo nguồn nước và dịch bệnh có thể xảy ra. Người bạn tôi ở Huế viết thư, tả lại cảnh mất cả vườn cây sau trận lũ mà gia đình mất nhiều năm gây dựng và giờ đây phải làm lại từ đầu. Sau lũ mùa thu ở Huế, nỗi buồn như chồng chất khi có cảnh gia đình mất vợ và con thơ, mong sao cho chuyến hàng cứu trợ nhanh đến để họ bớt cơ khổ. Nhưng dù có được bù đắp về vật chất, vẫn không sao lấp đầy nỗi đau trống vắng của người chồng mất vợ, mất con ở Phong Điền.
Vẫn biết máu chảy ruột mềm, bà con ở La Khê, La Cả, người góp gạo thịt, lá dong, người góp lạt mềm rồi cùng nhau ngồi gói, luộc bánh gửi đi khắp miền Trung và kèm theo đó là cả cơm nắm muối vừng. Mới hay trong lúc tắt lửa tối đèn cả nước Việt, dân Việt thương nhau là vậy. Không chỉ một người mà nhiều người am hiểu đạo Phật, họ lặng lẽ làm việc thiện trong im lặng. Chỉ mong sao trong lúc gieo neo nhất vẫn có bàn tay chia sẻ đưa ra nâng đỡ phận người lúc đuối sức, đuối lòng.
Mấy hôm trước, tôi đến nhà máy xử lý và chế biến trứng công nghệ cao của “nữ hoàng trứng” có tên Ba Huân, tôi được biết chị Phạm Thị Sơn - em gái chị Ba Huân cũng đang chung tay với công ty để giúp đỡ cho đồng bào miền Trung vượt lũ. Thật cảm động và ấm lòng vì những hy sinh của đồng bào người Việt.
Tôi cũng đến đền thờ Hai Bà Trưng ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội, thấy ông cụ từng trông nom ngôi đền ở Hát Môn đang thỉnh chuông dâng hương, ông cầu nguyện Hai Bà độ cho con cháu vùng lũ tai qua nạn ngớt.
Hình như mỗi người đều chung tay đóng góp một việc thiện và những điều đó mang những ý nghĩa khác nhau ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Có đứa em thơ dành tiền quà sáng, nhắc mẹ lấy bộ quần áo đẹp của mình gửi cho các bạn nhỏ miền lũ lụt. Vậy mới thấy tấm lòng người Việt bao dung và đùm bọc lẫn nhau, họ khác hẳn với nhóm người vì lợi ich cá nhân làm giàu trên xương máu của nhân dân.
Từ đây sẽ còn nhiều những đoàn xe cứu trợ, hàng hóa, thuốc men và sách vở, sẽ còn nhiều người Việt ở châu Âu, châu Á, họ ăn tắt để dành gửi tiền về giúp quê hương qua nạn dịch, nạn lũ. Nhiều người Việt cũng phơi mình trong tuyết kiếm ăn, dành dụm từng đồng gửi về xây dựng quê hương, làng mạc. Chỉ trong có gần một năm, nước nhà đối mặt với dịch Covid-19, đối mặt với lũ cuốn miền Trung.
Người Việt cũng cho thế giới nhìn nhận cái cách cho đi, cách đùm bọc của người Việt trong đối nhân xử thế với cuộc đời này và còn rất nhiều điều tốt đẹp khác của người Việt, của ngành Y Việt Nam, đáng để chúng ta cúi xuống và suy nghĩ. Những con người bình dị nhất, sống vì người nhiều hơn vì mình. Họ luôn ẩn khuất và luôn chìa tay ra cưu mang người hoạn nạn, họ khiến ta biết ơn và lạc quan hơn để sống.
Ở một ngôi làng cát trắng tại Quảng Bình, có cán bộ xã, bỏ nhà cửa của mình để lo cho dân, vợ con ở nhà tự lo liệu hết và cũng đã có không ít những cán bộ xã, trưởng thôn của làng quê vẫn vì nhân dân quên mình. Những ánh lửa nhỏ vẫn sáng ở làng quê heo hút. Không chỉ Quảng Bình, Quảng Trị, Huế… mà vẫn còn rất nhiều bàn tay giúp đỡ của nghệ sỹ, của cầu thủ đá bóng và của nhiều người dân bình dị sẵn lòng nhường cơm sẻ áo cho người. Những ngôi nhà phao là dự án của một bạn trẻ và có cả nữ ca sỹ Thủy Tiên, một số người thiện nguyện sẽ đem đến niềm hy vọng cho người dân vùng rốn lũ.
Được biết ở Tân Hóa, Ninh Hóa, Quảng Bình đã có tới 760 căn nhà phao, mỗi căn nhà phao có diện tích 20 mét vuông, chỉ với giá 30 đến 35 triệu đồng để chống lũ, với giá tiền này thì nước nổi nhà nổi, bà con sẽ đỡ khổ hơn khi phải chạy lũ và nhà phao sẽ mang lại niềm hy vọng niềm vui cho rất nhiều gia đình nơi đây.
Nước rút mà bà con nhiều vùng còn chưa có điện, họ nhắc nhau hãy gửi tặng đèn bão, máy lửa, diêm và bếp dầu bếp ga. Hãy gửi cho họ chăn chiếu, hạt giống và con giống. Những vật dụng thiết yếu sẽ có ích khi trong nhà họ đang không còn gì. Gian bếp không chỉ cần gạo, mà nồi niêu, xoong chảo cũng cần…
Làm sao để việc thiện thiết thực cho đời sống cũng là điều cần nghĩ rộng hơn, đa diện hơn. Và còn một phép tính nữa, làm sao để không thể bỏ qua, bỏ sót những gia đình ở nơi khuất hẻo sau lũ. Kinh nghiệm vượt lũ của người dân miền Trung còn mỏng, những chiếc áo phao cứu sinh cho gia đình lại không được chuẩn bị kĩ càng. Ở Huế bà con ta còn ngơ ngác với lũ. Những người nông dân hiền lành thuần hậu như nai, họ chưa hiểu thấu: Lũ tàn phá cũng dữ dội như bom đạn chiến tranh.
Rồi mai đây, người dân vùng lũ sẽ phải đối mặt với những khó khăn thiếu thốn như nước sạch và gieo lại mùa màng. Nhưng tình người Việt ở khắp muôn nơi, họ vẫn đang chung tay góp những ánh lửa nhỏ để sưởi ấm lẫn nhau. Tình nghĩa của người Việt đang được bồi đắp và dâng cao hơn lũ. Dù nước rút nhưng nhiều gia đình có người thân đi vắng, mãi mãi không về và nỗi buồn của họ làm sao rút nhanh cho được! Dù vậy, cuộc sống vẫn tiếp diễn, chúng ta vẫn phải hy vọng, rồi thời gian sẽ an ủi họ, sẽ se lành vết thương và dịu lắng hơi thở dài. Người Việt thiện lương chỉ mong yên ả sống.