Aa

Luật Đất đai 2013 sửa đâu sai đó, đề xuất làm luật mới

Thứ Bảy, 23/11/2019 - 10:30

Các chuyên gia đánh giá Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập và chồng chéo với nhiều luật khác. Việc sửa đổi, bổ sung càng sửa càng sai, do vậy nên xây dựng bộ luật đất đai mới.

Vấn đề này được các chuyên gia đề xuất tại hội thảo quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả diễn ra ngày 22/11 tại TP.HCM.

Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường, chỉ ra những bất cập hiện nay của quản lý đất đai - Ảnh: Lê Anh

Nói về bất cập của quản lý đất đai hiện nay, ông Nguyễn Văn Xa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính, cho biết hiện nay sự bất cập trong quản lý đất đai từ giá đất; việc thu hồi đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã gây ra nhiều hệ lụy như khiếu kiện kéo dài, giảm nguồn thu cho nhà nước từ đất đai...

Đặc biệt là pháp luật về đất đai hiện hành có tính hàn lâm và phức tạp, có những điều khoản khi áp dụng vào thực tế không có khả năng thực hiện. Ví dụ như điều 100 Luật Đất đai quy định các giấy tờ lập trước ngày 15/10/1993 có tên người sử dụng đất như sổ mục kê đất, giấy đăng ký thống kê ruộng đất, văn bản về việc di dân xây dựng khu kinh tế mới…

“Tôi cho rằng, không nên sửa đổi bổ sung Luật Đất đai 2013 vì sửa đâu sai đó. Để khắc phục bất cập hiện nay nên xây dựng một bộ luật đất đai mới thay thế Luật Đất đai 2013 với tiêu chí đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và thống nhất. Việc xây dựng luật nên giao cho cơ quan lập pháp xây dựng chứ không nên giao cơ quan hành pháp vì nếu cơ quan hành pháp xây dựng sẽ gây ra tình trạng làm có lợi cho mình” ông Xa đề xuất.

Đồng tình với việc làm luật đất đai mới, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần phải viết lại Luật Đất đai 2013 vì luật làm năm 2013 tiếp cận theo hướng quyền lực quản lý của nhà nước và khác hoàn toàn với Luật Đất đai 2003 tiếp cận theo hướng thị trường. Việt Nam hiện nay đang áp dụng cả văn phòng đăng ký đất đai và văn phòng công chứng nên đang chồng chéo. Cách xây dựng luật hiện nay là luật nọ mâu thuẫn luật kia. Việc này đã được đề xuất thống nhất dùng một văn phòng nhưng chưa được sửa đổi.

Ông Võ đề xuất, khi xây dựng luật đất đai mới cần bãi bỏ khung giá đất của Chính phủ và thay thế bằng cơ quan định giá đất quốc gia hoặc hội đồng thẩm định giá đất quốc gia. Đồng thời, cần có quy định chế tài xử lý mạnh đối với các địa phương quy định giá đất trên bảng giá đất thấp hơn giá đất trung bình trên thị trường.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên Môi trường) chỉ ra thực trạng hiện nay là việc lấy ý kiến của người dân về quản lý đất đai vẫn còn mang tính hình thức. Có những dự án cơ quan quản lý nhà nước quyết như mình là chủ sở hữu đất.

Theo ông Chính, trước đây khuyến khích việc thỏa thuận giữa chủ đầu tư với người dân trong việc đền bù thu hồi đất. Tuy nhiên, từ năm 2003 nguyên tắc thị trường có vẻ đang xa rời. Hiện nay, các cơ quan quản lý đang sử dụng biện pháp hành chính để thu hồi đất mà không để chủ đầu tư và người dân tự thỏa thuận điều này làm mất đi sự năng động của cơ chế cơ chế thị trường.

Khi thu hồi đất nông nghiệp chuyển sang đất làm đô thị làm sao để người dân có được lợi ích ở đây bởi vì khi thu hồi đất nông nghiệp thì giá thấp khi chuyển thành đất ở thì giá rất cao. Đã có những chuyên gia đề xuất khi thu hồi đất nông nghiệp chuyển sang đất đô thị thì người dân được hưởng 40% giá đất đô thị, chủ đầu tư và nhà nước chia nhau 60% còn lại.

Ông Chính đặt vấn đề, tại sao khiếu nại bồi thường không giảm vì giá thực tế ở thị trường với giá đền bù luôn chênh lệch lớn. Nếu đẩy giá đất lên sẽ đẩy nghĩa vụ tài chính lên. Vì thế, nếu đưa giá lên sát giá thị trường thì phải xem lại mức thuế mà doanh nghiệp phải đóng. Nếu giữ nguyên mức thuế như hiện nay thì không khuyến khích được đầu tư. Để giữ được ổn định chung thì phải xem xét giảm thuế để cân bằng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top