Sau khi sử dụng lực lượng khóa tay, khống chế, “áp giải” cán bộ và ông chủ Công ty Hồng Phúc trong buổi thu giữ tài sản của doanh nghiệp này, Ngân hàng BIDV Thanh Hóa đã thực hiện việc bán đấu giá thành công tài sản của doanh nghiệp với giá trị hơn 3,5 tỷ đồng. Tất cả chỉ diễn ra trong 32 ngày, từ ngày 21/11/2019 đến ngày 23/12/2019.
Vấn đề có tính pháp lý được đặt ra trong vụ việc này là, trường hợp tại buổi thu giữ tài sản của ngân hàng, nếu bên thế chấp (doanh nghiệp) không đồng ý cho ngân hàng thu giữ tài sản mặc dù trước đó hai bên đã có cam kết (ngân hàng thu giữ tài sản thế chấp vô điều kiện và xử lý tài sản đảm bảo thu hồi các khoản nợ) thì xử lý ra sao? Hay nói cách khác, ngân hàng có được thực hiện việc thu giữ để bán đấu giá tài sản nếu bên thế chấp không bàn giao tài sản hay không?
Về việc này, phía Ngân hàng BIDV Thanh Hóa cho rằng, họ thực hiện thu giữ, bán đấu giá tài sản của Công ty Hồng Phúc theo đúng quy định của pháp luật. Trong khi một số chuyên gia về lĩnh vực luật, kinh tế thì có quan điểm ngược lại, đồng thời cho rằng, Ngân hàng BIDV có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc trong việc thu giữ và thực hiện bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp.
Nói rõ thêm về vụ việc trên, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, BIDV Thanh Hóa trong vụ việc thu giữ và bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp vừa qua dường như chưa hiểu hết vấn đề về quyền của ngân hàng, bởi việc thu giữ sẽ không thực hiện được nếu bên thế chấp không đồng ý bàn giao tài sản.
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết: "Cụ thể, có 4 trường hợp xảy ra khi ngân hàng thực hiện thu giữ tài sản. Thứ nhất là tự nguyện hoàn toàn giao tài sản. Thứ hai là tự nguyện có điều kiện kèm theo như phải thống nhất giá trị tài sản hay được miễn, giảm nợ. Thứ ba là không tự nguyện giao nhưng cũng không phản đối, không cản trở, mà để cho ngân hàng muốn làm gì thì làm, tức là miễn cưỡng đồng ý với việc thu giữ. Thứ tư là không đồng ý giao, thể hiện bằng các hành vi chống lại, phản đối, ngăn chặn, cản trở việc thu giữ.
Về nguyên tắc chung của pháp luật thì hành vi dùng lực lượng vệ sỹ khống chế chủ doanh nghiệp, thực hiện thu giữ tài sản là không được phép, bởi quyền thu giữ không kèm theo việc cưỡng ép, bắt buộc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác...
Đây là trường hợp “chống đối, cản trở” việc thu giữ tài sản bảo đảm tương tự với quy định tại Khoản 5, Điều 63, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về Giao dịch bảo đảm như sau: “5. Trong quá trình tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, nếu bên giữ tài sản bảo đảm có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì người xử lý tài sản bảo đảm có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm”.
Tinh thần của quy định trên chính là những vấn đề mang tính nguyên tắc chung của pháp luật dân sự. Theo đó, các doanh nghiệp chỉ có quyền hành động trong phạm vi thoả thuận dân sự, không có quyền dùng vũ lực, đe dọa, cưỡng ép, bắt buộc người khác phải thực hiện nghĩa vụ của họ. Việc cưỡng chế chỉ thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước trong quan hệ pháp luật hành chính hoặc hình sự như Uỷ ban nhân dân, Công an, cơ quan thi hành án".
Vị Luật sư cho rằng, vụ việc cần áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm: "Phải hiểu rằng, thu giữ là bên bị thu giữ không chống đối. Nếu bên thế chấp không bàn giao tài sản thì đồng nghĩa với việc phải giải quyết theo con đường Tòa án.
Trong trường hợp doanh nghiệp không chấp nhận giao tài sản thì ngân hàng phải khởi kiện tại Toà án để giải quyết. Việc này có thể giải quyết theo thủ tục rút gọn đã được quy định tại Điều khoản 8.1, Nghị quyết số 42: "1. Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm"".
Đồng quan điểm trên, một số chuyên gia kinh tế, tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, trong trường hợp bên thế chấp tài sản bảo đảm không đồng ý thu giữ tài sản, cụ thể là phát sinh yếu tố tranh chấp trong quá trình thực hiện thì bên nhận thế chấp tài sản bảo đảm (ngân hàng) phải thực hiện khởi kiện tại Tòa án. Hay nói cách khác, việc thu giữ tài sản đảm bảo thành công hay không phụ thuộc khá nhiều vào thiện chí của bên vay, thế chấp.
“Nghị quyết 42 là thủ tục rút gọn trong việc xử lý tài sản đảm bảo để tránh trường hợp kéo dài. Thông thường một vụ kiện sẽ kéo dài từ hai đến ba năm, thậm chí có thể hơn, chính vì vậy mới phải đưa ra Nghị quyết 42 để rút ngắn quy trình xử lý tài sản bảo đảm.
Trong trường hợp, doanh nghiệp không đồng ý việc thu giữ tài sản, bán đấu giá tài sản bảo đảm thì phải xử lý bằng con đường Tòa án, áp dụng theo phương án rút gọn Nghị quyết 42. Về nguyên tắc, giữa ngân hàng và doanh nghiệp là thỏa thuận dân sự. Theo thỏa thuận dân sự, nếu hai bên không thỏa thuận được với nhau trong xử lý tài sản đảm bảo thì phải đưa ra tòa. Nguyên đơn là ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, ngân hàng không được phép thu giữ, bán đấu giá tài sản khi doanh nghiệp không đồng ý cho thu giữ tài sản”, một chuyên gia kinh tế cho hay.
BIDV Thanh Hóa từ chối cung cấp hồ sơ vụ việc
Tại buổi làm việc giữa phóng viên với lãnh đạo Ngân hàng BIDV Thanh Hóa, phóng viên đề nghị phía đơn vị cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan tới việc thu giữ, bán đấu giá tài sản doanh nghiệp nhưng không được đồng ý với lý do thông tin có tính "bảo mật".
Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng này một mực khẳng định, việc thu giữ tài sản của Công ty Hồng Phúc là đúng quy định của pháp luật, đồng thời phủ nhận các khiếu nại của doanh nghiệp Hồng Phúc như nội dung nêu trên.
“Các biên bản làm việc cho thấy, Công ty đã đồng ý nội dung, bên thế chấp đồng ý chấp thuận vô điều kiện cho ngân hàng được toàn quyền thu giữ tài sản thế chấp để xử lý khi phát sinh trường hợp xử lý tài sản thế chấp theo quy định. Bên thế chấp đồng ý và cam kết không có khiếu nại, khiếu kiện hoặc có bất cứ hành vi cản trở, gây trở ngại, làm ảnh hưởng đến việc thu giữ của ngân hàng”, văn bản của BIDV Thanh Hóa cho hay.
BIDV Thanh Hóa cũng cho biết, ngoài hợp đồng thế chấp bất động sản được ký bởi hai bên, và các quy định pháp luật khác, việc thu giữ còn căn cứ vào biên bản làm việc giữa đại diện ngân hàng và doanh nghiệp Hồng Phúc. Tuy nhiên, một trong những hồ sơ phóng viên có được cho thấy, tại hai biên bản làm việc ngày 17/4/2017 và ngày 1/11/2017, bên thế chấp tài sản và bên nhận thế chấp có xác nhận chữ ký, nhưng không xác nhận bằng con dấu, chức danh đơn vị công tác trong biên bản làm việc. Vậy, biên bản này có đảm bảo tính chất pháp lý hoặc được xem là một trong những căn cứ để thực hiện thu giữ tài sản doanh nghiệp?
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này./.