Trước khi Bộ Kế hoạch & Đầu tư thông qua Quốc hội Luật Quy hoạch và thậm chí từ khi dự thảo luật đã có hàng trăm ý kiến của các Bộ, ngành, các nhà khoa học, đa số là không đồng tình với việc ra đời Luật Quy hoạch vì luật này bao trùm nhiều loại quy hoạch khác nhau, hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng của cả quốc gia. Thậm chí có nhà khoa học còn viết nhiều bài báo và nhận định rằng: Nếu Luật Quy hoạch được thông qua sẽ có nguy cơ làm chậm phát triển kinh tế của đất nước một số năm. Mặc dù, dự thảo Luật Quy hoạch cũng đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu, bổ sung, song khi luật có hiệu lực và đi vào áp dụng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần phải khắc phục sớm.
Vì sao phải có Luật Quy hoạch? Đây là đề tài đã được cả xã hội tranh luận, thiết nghĩ chúng ta không cần nhắc lại. Trước luật này, Chính phủ đã có Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 (Nghị định 92) về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/1/2008 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 92. Các Nghị định này là kế thừa của những văn bản trước đây do Ban Phân vùng kinh tế Trung ương và các Bộ, ngành liên quan và Bộ Kế hoạch sau này hướng dẫn việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh những năm sau giải phóng miền Nam.
Nhiều năm đã trôi qua và hầu hết các tỉnh đều có quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh; kèm theo thuyết minh là một bản đồ tỷ lệ 1/100.000 thường treo ở các phòng lãnh đạo tỉnh. Để làm được quy hoạch tổng thể của tỉnh, ngoài sự hỗ trợ của các ngành Trung ương thì tỉnh phải huy động hầu hết các ban, ngành dưới sự chủ trì của Ban Phân vùng kinh tế tỉnh (trước đây) hoặc của Sở Kế hoạch và Đầu tư sau này. Thời gian từ khi lập cho đến khi phê duyệt cũng mất vài năm và được điều chỉnh theo từng thời kỳ.
Đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế, thực tế đã có tới 37 bộ luật ban hành phục vụ việc quy hoạch của từng ngành. Mỗi quy hoạch ngành sau khi được luật ban hành, Chính phủ tiếp tục ban hành một Nghị định hướng dẫn, Bộ trưởng ban hành Thông tư hướng dẫn và hàng loạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện một Luật Quy hoạch chuyên ngành. Mặc dù thế nhưng các quy hoạch ngành vẫn phải thường xuyên bổ sung, điều chỉnh cục bộ, để đáp ứng sự phát triển của kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Đây cũng là chuyện bình thường mà pháp luật cho phép, bởi bản chất quy hoạch là khoa học dự báo vì vậy phải luôn cập nhật thông tin và từng bước hoàn thiện. Để lập được một quy hoạch ngành, từ khi lập đến khi phê duyệt cũng mất khoảng 5 năm.
Nhiều năm qua, sự phát triển của các tỉnh, các ngành, của đất nước đã dựa trên các quy hoạch được lập và phê duyệt. Đặc biệt, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đã lập cho tới cấp huyện; quy hoạch đất đai đã lập tới cấp xã. Các tài liệu này đã giúp cho các cấp chính quyền, các Bộ ngành, Chính phủ quản lý và điều hành kinh tế đất nước.
Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 nhưng tới ngày 7/5/2019 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 37 hướng dẫn Luật Quy hoạch. Điều này có thể nói mặc dù có nhiều ý kiến góp ý, dự thảo luật cũng từng bước được sửa đổi hoàn thiện, nhưng thực tế còn quá nhiều vấn đề vướng mắc khi áp dụng.
Trong khi với Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 do Chính phủ ban hành hướng dẫn Luật Quy hoạch kèm theo Nghị định gồm vài phụ lục để hướng dẫn nội dung quy hoạch các ngành; nội dung ngành nào cũng tương tự chúng tôi cho rằng, liệu các nội dung đó có đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện xây dựng các quy hoạch ngành như yêu cầu đặt ra như trước đây?
Mặt khác sản phẩm chính của các loại quy hoạch là hệ thống bản đồ có kèm theo thuyết minh. Trong Nghị định này đã quy định các loại tỷ lệ bản đồ từ 1/10.000 đến 1/100.000, có loại từ 1/50.000 đến 1/500.000; có loại tỷ lệ từ 1/100.000 đến 1/1.000.000… với các loại tỷ lệ của bản đồ theo quy định này, rất khó thể hiện, khó sử dụng, thậm chí cũng không có giá trị trong sử dụng như đối với quy hoạch đất đai, quy hoạch nông, lâm, nghiệp người ta cần một tỷ lệ bản đồ mà có thể thể hiện đến từng lô đất vài chục m2 và thực tế đối với bản đồ đất đai thì cấp xã đã yêu cầu như vậy.
Trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, quy hoạch chung xây dựng tùy theo quy mô diện tích của từng đô thị có thể sử dụng bản đồ 1/10.000 hoặc 1/5.000. Nhưng khi quy hoạch phân khu thì tỷ lệ bản đồ là 1/2.000; khi quy hoạch chi tiết thì tỷ lệ bản đồ phải là 1/500. Mức độ tỷ lệ bản đồ khác nhau, thể hiện được mức độ chính xác trong việc thực hiện quy hoạch. Có lẽ Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cần xem xét lại khi quy định các loại tỷ lệ bản đồ để phù hợp với từng chuyên ngành.
Trở lại các loại quy hoạch được quy định trong Luật Quy hoạch. Khái niệm “quy hoạch vùng” được đặt ra như một cấp hành chính; liệu Bộ này có nhầm lẫn? Với Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, người ta phải đặt ra khái niệm “quy hoạch vùng”, bởi vùng có thể nằm trong 2 tỉnh trở lên. Nhưng khi đã có quy hoạch tổng thể quốc gia thì khái niệm vùng ở đây chỉ là những ranh giới giữa những tỉnh có những vùng đất có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp với một loại cây trồng, vật nuôi, có điều kiện liên hệ về giao thông thuận lợi… để định hướng cho việc phát triển công nghiệp mang tính chất vùng; hoặc một bệnh viện khu vực mang tính chất vùng; một khu công nghiệp mang tính chất vùng; một trường đại học mang tính chất vùng… Đương nhiên, những việc đó phải được thể hiện trong quy hoạch tổng thể quốc gia và đồng thời thể hiện trong quy hoạch tổng thể của tỉnh. Khái niệm và cách thể hiện quy hoạch vùng trong Luật Quy hoạch làm người ta dễ hiểu quy hoạch vùng như một cấp hành chính. Các cơ quan viết luật cần phải xem xét lại. Trong khi quy hoạch cấp huyện, cấp xã thì không có trong quy định của pháp luật mà những cấp này mới là những cấp thực hiện quy hoạch cụ thể, ở đây người ta cần biết quy hoạch đến từng công trình, đến vài chục m2 đất.
Ngày 15/7 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai Luật Quy hoạch. Cũng tại hội nghị này một số Bộ cho rằng: Việc điều chỉnh quy hoạch là một điều tất yếu, bởi trong quá trình dự báo chúng ta không thể dự báo đầy đủ trong các quy hoạch vì vậy việc điều chỉnh là nhằm từng bước hoàn thiện quy hoạch. Trừ những việc điều chỉnh quy hoạch mang tính lợi ích nhóm gây tiêu cực xã hội thì cần phải ngăn chặn. Trên thực tế từ khi Luật Quy hoạch ra đời, các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh đã không được điều chỉnh gây tác động tiêu cực, giảm thu hút đầu tư, chậm triển khai thực hiện các dự án đầu tư, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và đất nước nói chung.
Trong tình hình thực tại, nhiều nhà đầu tư muốn chuyển về Việt Nam đầu tư, nhưng ở tỉnh muốn điều chỉnh một khu công nghiệp hoặc một cụm công nghiệp cũng không thực hiện được và cơ hội đầu tư đã mất. Trong khi đất nước thiếu điện năng, vấn đề điện năng đang trở thành một vấn đề bức bách của đất nước, thì hàng trăm những công trình năng lượng điện gió, thủy điện nằm chờ trên bàn của Bộ Công Thương hàng hơn năm nay và không biết bao giờ được thực hiện. Bộ này cũng cho biết sắp tới, dự án hóa dầu rất lớn nhưng cũng phải chờ quy hoạch, khả năng cũng sẽ bỏ lỡ cơ hội dự án hàng tỷ USD. Chưa hết, với các tỉnh trong khi chờ Luật Quy hoạch quốc gia được phê duyệt thì hầu như tất cả các lĩnh vực bị ngừng trệ đặc biệt là kế hoạch sử dụng đất, cơ hội thu hút đầu tư, thiệt hại này là rất đáng kể.
Bao khó khăn đang dồn lên đất nước, ấy thế mà cơ quan Bộ Kế hoạch & Đầu tư đặt ra một lộ trình 2 – 3 năm sau hoàn thành được quy hoạch tổng thể quốc gia, quả tình là một câu chuyện khó tin và thiếu trách nhiệm đối với đất nước. Trong tình trạng hiện nay, chúng tôi thiết nghĩ Quốc hội nên tiếp tục cho phép quy hoạch tỉnh, quy hoạch các ngành được tiếp tục thực hiện, tiếp tục điều chỉnh bổ sung hoàn thiện song song với việc cập nhật vào quy hoạch tổng thế quốc gia. Sau khi quy hoạch tổng thể quốc gia được hoàn thành thì tiếp tục cân đối lại để điều chỉnh quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành phù hợp với tổng thể quy hoạch quốc gia để tiến hành phê duyệt. Cũng cần có quy định thêm về trách nhiệm pháp luật của người quyết định điều chỉnh quy hoạch không nên buông lỏng việc điều chỉnh quy hoạch như vừa qua để xuất hiện lợi ích nhóm, tham nhũng trong việc điều chỉnh quy hoạch nhưng không ai chịu trách nhiệm.
Cơ chế chính sách có giá trị quyết định sự phát triển hoặc cản trở sự phát triển của một ngành, lĩnh vực hoặc của toàn đất nước. Chúng ta còn nhớ trong khi đất nước ta một thời kỳ dài thiếu ăn, nhưng chỉ một văn bản hơn trăm chữ “Khoán 10” thì đất nước trở nên dư lương thực, thừa ăn và xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới trong một thời gian dài.
Luật Quy hoạch vô tình hiện đang là rào cản, làm mất đi nhiều cơ hội đầu tư của các Bộ, ngành, các tỉnh, làm chậm đi sự phát triển kinh tế đất nước trong một vài năm; thiết nghĩ cơ quan Bộ Kế hoạch & Đầu tư dám nhận ra một sự thật, chủ động đề xuất Chính phủ và Quốc hội cần sớm điều chỉnh luật, điều chỉnh cách làm để Luật Quy hoạch từng bước đi vào cuộc sống nhưng trong khi Luật Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được phê duyệt thì nền kinh tế đất nước vẫn vận hành theo các quy hoạch đã được duyệt.
Việc sửa đổi bổ sung Luật Quy hoạch kịp thời là hết sức cần thiết và cơ quan chủ trì soạn thảo luật này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và đất nước vì những tổn thất đã nêu trên.