Trong báo cáo mới nhất về dự báo lợi nhuận doanh nghiệp năm 2020 và triển vọng ngành vừa công bố, Fiin Group đưa ra nhận định, ngành bất động sản sẽ dẫn dắt sự hồi phục trong quý IV này với mức tăng trưởng dự kiến là 22,4% do quý cuối năm thường là cao điểm bán hàng và bàn giao dự án.
Mặc dù vậy, theo đơn vị này, dự báo lợi nhuận sau thuế của ngành bất động sản sẽ giảm 21,4% trong quý IV/2020 bất chấp doanh thu dự kiến tăng trưởng 22,4%.
Lý do dẫn đến sự chênh lệch này được lý giải do nền lợi nhuận quý IV/2019 của nhóm bất động sản ở mức cao nhờ thu nhập tài chính và dư địa cho tăng trưởng lợi nhuận ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi không còn nhiều do các doanh nghiệp nhóm này đã đẩy mạnh ghi nhận thu nhập tài chính trong 9 tháng đầu năm.
Đề cập đến triển vọng năm 2021, báo cáo của Fiin Group cho biết, đối với ngành bất động sản, yếu tố tích cực cơ bản nhận thấy là lượng tiền người mua nhà trả trước của khách hàng tại cuối quý III/2020 ở nhiều doanh nghiệp tăng cao ở mức kỷ lục 5 năm qua. Điều này cho thấy những doanh nghiệp này có cơ sở ghi nhận doanh thu cao trong năm 2021.
Ngoài ra, Nghị quyết 164/NQ-CP được kỳ vọng tháo gỡ “nút thắt” pháp lý liên quan đến thủ tục chấp thuận đầu tư dự án bất động sản, giúp tái khởi động nhiều dự án bị tạm dừng trong thời gian vừa qua. Trong khi đó, bất động sản khu công nghiệp tiếp tục hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp không ngừng tăng trưởng vào Việt Nam.
“Trong năm 2021, Vinhome (VHM) sẽ đóng góp 28,4% doanh thu và 66,5% lợi nhuận của nhóm bất động sản nhà ở. Động lực tăng trưởng 2021 của VHM sẽ đến từ việc tiếp tục bàn giao tại 3 đại dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand.
Riêng các doanh nghiệp bất động sản niêm yết thuộc phân khúc trung cấp (bao gồm KDH, DXG, NLG, PDR và DIG) có doanh số bán hàng tăng mạnh, tạo cơ sở ghi nhận doanh thu cao trong năm 2021 nếu tiến độ bàn giao đúng kế hoạch”, Fiin Group dự báo.
Đối với bất động sản công nghiệp, Fiin Group cho biết, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước ASEAN; trong đó có Việt Nam, là động lực tăng trưởng chính đối với những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đang niêm yết hiện vẫn còn quỹ đất cho thuê hoặc có kế hoạch mở rộng quỹ đất khả dụng với hạ tầng giao thông thuận tiện, bao gồm SZC, KBC, IDV và SIP.
Ngoài ra, SZC, VRG và KBC cũng hưởng lợi từ xu hướng tìm kiếm những khu vực lân cận có quỹ đất lớn, giá thuê cạnh tranh và hạ tầng giao thông thuận tiện trong bối cảnh diện tích đất khu công nghiệp khả dụng tại Bắc Ninh và Hưng Yên (ở phía Bắc) và Bình Dương và Đồng Nai (ở phía Nam) đang trở nên khan hiếm…