Lướt phố cùng người cao nguyên

Lướt phố cùng người cao nguyên

Chủ Nhật, 02/02/2025 - 06:30

Lên Đà Lạt lần đầu tiên năm 1983, tôi choáng ngợp với những con hẻm và dốc. Hồi ấy đời sống còn rất đơn sơ, tôi từ Pleiku sang, cũng một nơi đầy dốc và thiếu nước kinh khủng, nên khi leo lên một cái hẻm ngoằn ngoèo dốc tới... mỏi gối, thì tới nhà anh bạn. Một ngôi nhà rất đẹp với căn gác gỗ, xung quanh đầy hoa. Lạnh tới cắt ruột, bạn "phân phối" cho một ấm nước nóng và một chậu nhôm nước lấy từ cái thùng phuy trong xó bếp, tiêu chuẩn tắm của tôi đấy.

Rồi tôi quen với hai nhân vật Đà Lạt rất Đà Lạt là nhà nhiếp ảnh MPK và nhà thơ Trần Ngọc Trác. Trước khi là nhà thơ, Trác cũng là nhà nhiếp ảnh, chuyên chụp ảnh, quay phim đám cưới. Chụp ảnh cưới là một nghề sang trọng ấm no thời ấy, và cả bây giờ. Và đa phần các nghệ sĩ nhiếp ảnh đều xuất thân chụp ảnh dạo và ảnh cưới, rồi "tiện thể" bấm chơi vài tấm phong cảnh, ban đầu là thế, rồi dần dần trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp, chụp ảnh nghệ thuật.

Và qua hai nhân vật này, tôi hiểu thêm rất nhiều về Đà Lạt, một thành phố cao nguyên đặc trưng.

Người gốc Đà Lạt là người Lạch, người Mạ, còn người Kinh thì đều là từ nơi khác mà đến, sau khi Yersin phát hiện ra cái cao nguyên mờ sương xa ngái này, và ông đã dấn thân lặn lội bằng một tình yêu và sức lực phi thường ngày ấy để bây giờ ta có một Đà Lạt thiên đường của du lịch, thiên đường của tình yêu và thiên đường của hoa.

Hai nhân vật tôi nhắc trên, lạ thay, họ đều quê ở Huế. Chỉ khác, MPK sinh ở Đà Lạt, nói giọng Đà Lạt, còn Trần Ngọc Trác sinh ở Huế, nói giọng Huế. MPK chính là chàng nghệ sĩ nhiếp ảnh lãng tử xứ Đà Lạt Phước Khùng, M là viết tắt của Michel (tên thánh), còn PK nghĩa là Phước "khùng", mà hầu như ai là con dân ở Đà Lạt đều biết anh, ai trong nghề ảnh và yêu ảnh nghệ thuật đều biết anh, dẫu đời anh hầu như chỉ chuyên chụp về Đà Lạt, đặc biệt là thiên nhiên. Còn Trần Ngọc Trác cũng đã có tới hơn ba mươi đầu sách, cũng đa phần viết về, viết ở Đà Lạt. Anh là một chuyên gia về Đà Lạt với rất nhiều tác phẩm văn chương và giới thiệu sách khảo cứu, phim truyền hình về Đà Lạt (với tư cách viết kịch bản và cố vấn chương trình). Cái chất lãng đãng của Đà Lạt như ngấm rất đậm vào thơ anh. Nếu quan niệm từng vùng đất sẽ in đậm vào phong cách tác giả nặng nợ với vùng đất ấy thì có lẽ với Trần Ngọc Trác là phù hợp nhất.

Lướt phố cùng người cao nguyên- Ảnh 1.
Lướt phố cùng người cao nguyên- Ảnh 2.
Lướt phố cùng người cao nguyên- Ảnh 3.
Lướt phố cùng người cao nguyên- Ảnh 4.

Khung cảnh Đà Lạt đậm chất "thơ". (Ảnh: Sưu tầm)

Thực ra bảo cắt nghĩa một cách thấu đáo thế nào là người Đà Lạt thì sẽ rất khó và hoàn toàn mù mờ cảm tính. Nó chỉ là một cảm nhận vừa mơ hồ vừa chắc chắn, nhưng bao quát ra, nó mang một dấu ấn Đà Lạt rất rõ. Ngay cái tình yêu hoa ở xứ này cũng khó nơi nào bì kịp. Từ một nghề kiếm sống, những người trồng hoa là những nông dân thứ thiệt, đến giờ người trồng hoa Đà Lạt là những nghệ sĩ, họ trồng hoa tài tử và chơi hoa bằng sự lãng mạn thăng hoa, bằng tình yêu cái đẹp, sáng tạo ra hoa, nâng niu hoa, thổi hồn mình vào hoa, bảo vệ hoa như bảo vệ một giá trị văn hóa mỏng manh dễ vỡ. Thử hỏi cả nước mình có nơi nào mà nhà nhà trồng hoa, người người chơi hoa như Đà Lạt. Khi làm nhà thì việc đầu tiên là chừa chỗ để trồng hoa. Nhà mặt phố, đất đắt hơn vàng, nhưng vẫn có những ô, những chậu, những rãnh... để trồng hoa. Hoa mặt đất, hoa lủng lẳng trên không trung, hoa nhô ra ban công, hoa e ấp ở cửa sổ, hoa tưng bừng trên tầng thượng... tạo nên một thành phố hoa, người lẫn vào hoa, hoa quấn quýt người, nâng đỡ nhau, tôn vinh nhau, làm đẹp cho nhau. Hoa làm dáng một cách khiêm nhường chứ không cố phô ra, chường ra kiểu trọc phú. Hoa ở Đà Lạt, như người, giản dị như nó phải thế, đương nhiên thế và hẳn nhiên thế.

So với Hà Nội, Huế, Đà Nẵng... rõ ràng Đà Lạt trẻ hơn, cư dân Đà Lạt mới hơn, nhưng lạ một điều là Đà Lạt đã làm được một việc mà các thành phố khác không làm được, ấy là đồng nhất văn hóa, là biến người khác thành mình. Theo tôi biết, người Hà Nội ở Đà Lạt rất nhiều, nguyên cái huyện Lâm Hà là người Hà Nội vào thành lập, và ông Phan Hữu Giản, em nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, quê ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội, dẫn người Hà Nội vào lập huyện và là bí thư đầu tiên của huyện này. Sau này ông là Bí thư Thành ủy Đà Lạt, rồi Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh Lâm Đồng. Ông cũng làm thơ như chị gái, và bây giờ những cốt cách Hà Nội ấy đều đã biến thành Đà Lạt. Huế cũng thế, cũng có rất nhiều người trở thành cư dân Đà Lạt một cách tự nhiên tự nguyện, dù có thể nói, người Huế là người giữ cái chất quê hương bản quán bậc nhất ở Việt Nam hiện nay, đi đâu thì đi, hằng năm vẫn tìm cách về với Huế, cúng làng cúng xóm cúng từ đường...

Những chiều sương mù giăng kín, tôi thèm lững thững trên con đường ven hồ Xuân Hương mà xuýt xoa, mà thu lu tay trong túi và mở hết các giác quan cảm nhận một Đà Lạt nửa xa vắng nửa gần gụi. Hay những đêm khuya, ra ngồi chợ đêm, cảm nhận một Đà Lạt khác, một Đà Lạt sinh sôi và náo nhiệt, nửa như ngái ngủ nửa như đầu đời. Ấy là cái quán bốc khói giữa sương, là những lưng trần bốc vác chất hoa, trái cây, rau lên các xe tải về xuôi.

Theo tôi, trong 5 thành phố thủ phủ các tỉnh Tây Nguyên hiện tại, Đà Lạt giữ nguyên được bản sắc cao nguyên nhất.

Kon Tum có một ông nhà thơ rất nổi tiếng, từng được gọi là "nhà thơ xe ôm", là ông Tạ Văn Sĩ. Thì cũng gốc từ Bình Định, dạt lên Kon Tum rồi thành người Kon Tum. Nhưng khác nhiều "người Kon Tum" khác, ông này là một pho sử về cái thành phố rất lãng mạn này.

Tôi nhớ hồi đang còn chung tỉnh Gia Lai Kon Tum ấy, mỗi lần từ Pleiku lên Kon Tum công tác là cái lũ mơ mộng chữ nghĩa chúng tôi lại thích thú thơ thẩn đi dạo lòng vòng dưới những con đường đầy phượng, nơi có những ngôi nhà lợp ngói mũi cổ kính, những con ngõ xinh xinh với kiến trúc chiều dài càng vào càng bí ẩn và luôn luôn chứa đựng những bất ngờ ở những khúc ngoặt không biết trước. Thị xã nằm bên bờ sông nên có những cây cầu rất đẹp, những bến tắm rất nên thơ. Hồi ấy chưa hiện đại như bây giờ có nhà tắm hồ bơi, nên chiều chiều, bến sông đặc người tắm giặt. Và những kẻ độc thân xa nhà chúng tôi cứ nao nao ngồi bên sông, khi thì trước ly cà phê, lúc thì chai rượu gạo, lâng lâng đọc cho nhau những ký ức làng quê, nhấm nháp câu thơ Bế Kiến Quốc: Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng/ tất cả trả lời bên một dòng sông.

Lướt phố cùng người cao nguyên- Ảnh 5.

Nhà thơ Nguyễn Duy (phải), GS. Đào Tuấn Ảnh (giữa) và Nhà văn Văn Công Hùng (trái) ở tòa giám mục Kon Tum.

Phố ấy, khung cảnh ấy, không khí ấy… nó sinh ra những con người Kon Tum cũng lạ hơn Pleiku dù hai đô thị cách nhau chỉ 45 cây số, cùng có nguồn gốc là người chủ yếu từ duyên hải miền Trung lên từ khá lâu, và sau này thì cùng là người tứ xứ đổ về lập nghiệp. Cùng li loạn, cùng ngược núi để tránh binh đao, nhưng những người chọn Kon Tum để sống và lập nghiệp phần lớn là theo đạo Thiên chúa. Ở Kon Tum hiện nay có mấy địa chỉ tham quan liên quan đến Thiên chúa giáo là Nhà thờ gỗ, là tòa giám mục, là tiểu chủng viện… Vậy nên cái tính cách nó cũng khác. Có gì đấy nền nã đằm sâu, lặng lẽ mà bền chặt. Họ sống căn cơ với ý thức lâu dài. Người ở Pleiku ngược lại, cùng lên thời ông Diệm lập dinh điền nhưng cái cách sống có phần tạm bợ. Đặc biệt sau này, khi chiến tranh lan rộng, Pleiku thành tiền đồn với dày đặc sắc lính thì vợ con gia đình lính lên sống cùng chồng cũng mang theo một lối sống nhanh, gấp, tiêu pha và kém gìn giữ…

Tôi bị kiến trúc Kon Tum thời ấy quyến rũ, dù vẫn còn rất đơn sơ. Cùng xuất phát điểm là bước ra từ chiến tranh, nếu ở Pleiku là các dãy gia binh với tôn, táp lô, những hàng rào kẽm gai… vân vân, thì Kon Tum vẫn duyên dáng với những dãy nhà cổ, có hiên, ngói vẩy, có vườn với những con đường nhỏ, cứ như hun hút dẫn du khách lạc vào đâu đó đầy những bất ngờ. Con gái Kon Tum cũng rất đẹp. Hồi ấy tôi độc thân nên có lẽ nhận xét này là khá chính xác. Những đôi mắt con gái đượm buồn ám ảnh tôi suốt buổi chiều bên sông Đăk Bla, dù hồi ấy nó mới chỉ là... sông chứ chưa như bây giờ, sông trở thành một phần của Kon Tum, thở hơi thở Kon Tum, hát tiếng hát Kon Tum, hiển hiện một gương mặt Kon Tum mới với tất cả chiều sâu, bề rộng và là tấm gương phản chiếu những gì Kon Tum đang có, để, mai sau, trong ký ức của mình, bất cứ ai đã từng qua đây, dù nhanh dù lâu, đều có thể soi mình vào đấy, gặp lại mình, gặp lại một thời, gặp lại dư ba của quá khứ dội không ngừng vào thời gian, như một vết khắc, một dấu ấn không phai mờ trong dĩ vãng và cả hiện tại. Sau mới phát hiện ra, con gái theo đạo thường có đôi mắt đẹp và buồn như thế. Đã thế lại da trắng, lại tóc dài, lại dáng đi rất thư thả với lanh canh tiếng guốc giữa thời thóc cao gạo kém, đói dài đói rạc... Tôi nhớ có lần mình đã ngồi lặng nghe một cô gái chơi đàn Piano ngay ở một ngôi nhà đầy hoa, thứ rất hiếm ở Gia Lai Kon Tum hồi ấy, nhất lại là một người con gái. Cái buổi chiều Piano ấy ám ảnh tôi tới tận bây giờ. Những âm thanh thánh thót, buồn mà vang. Nắng mang mang và ngôi nhà thờ trầm mặc...

Kon Tum vốn dĩ có trước Pleiku đến mấy chục năm, và do người Pháp lập nên nên nó mang đậm phong cách Pháp. Nhưng, có những bước thăng trầm của lịch sử đã tác động, làm chậm sự phát triển của Kon Tum đến hàng mấy chục năm. Một thời gian dài, Kon Tum là một vệ tinh của Pleiku, nó nhỏ bé cũ kỹ và chậm phát triển, nhưng có điều nhờ đấy mà nó lại giữ được nét kiến trúc Pháp của thành phố...

Tôi cứ hình dung, dẫu cũng là người tứ chiếng tụ đến, nhưng thành phố Kon Tum luôn có một sức mạnh riêng, có một thứ bí ẩn tâm thế riêng, của truyền thống, của những thứ rất cá biệt, rất Kon Tum, không dễ lý giải, như một mặc định, như ma lực, để dẫu ai đến đây, dù hơn trăm năm hay mới vài ba tháng, cũng đều phải tuân theo, một cách tự nguyện, cái phong cách Kon Tum, văn hóa Kon Tum, nền nếp Kon Tum.

Lướt phố cùng người cao nguyên- Ảnh 6.
Lướt phố cùng người cao nguyên- Ảnh 7.
Lướt phố cùng người cao nguyên- Ảnh 8.

Công trình kiến trúc ấn tượng tại Kon Tum. (Ảnh: sgtiepthi.vn)

Tôi sống ở Pleiku từ năm 1981, ngay khi vừa tốt nghiệp đại học, tới giờ. Thời chúng tôi, tốt nghiệp khóa 1 Đại học Tổng hợp Huế, trường đại học khoa học đầu tiên của miền Trung Tây Nguyên, lại khóa đầu tiên, muốn đi đâu thì đi, đăng ký với trường là được "phân công công tác" chứ không phải tự xin việc như bây giờ. Và, dẫu cả gia đình ba mẹ đang ở Huế, tôi đã đăng ký, chính xác là xung phong, lên Pleiku, chỉ bởi cái giai điệu chết người của bài hát "Còn chút gì để nhớ" và cái hình ảnh mê hoặc của "Em Pleiku má đỏ môi hồng".

Nhưng tôi muốn nhắc tới 2 người, một trẻ một già, đang âm thầm níu giữ những ký ức của Pleiku.

Một là Đào Phúc Quang Vũ, một người rất trẻ, đã làm một việc mà ít người dám làm: Vác tiền nhà đi làm phim về Pleiku, và đã có 2 bộ phim phát hành, có phim được trình chiếu tại Liên hoan phim trực tuyến dành cho phim ngắn và phim độc lập tại Anh. Tôi mặc dù không phải người Pleiku nhưng đã có gần 50 năm sinh sống ở mảnh đất này. Tôi cũng mang một tình yêu như Vũ trong những trang viết, tác phẩm của mình đối với Pleiku. Vì vậy, tôi rất quý trọng những người dành tình yêu cho vùng đất này. Pleiku vốn dĩ là vùng đất rất giàu truyền thống văn hóa, từng là nơi quy tụ rất nhiều văn nhân, nghệ sĩ nổi tiếng tạo nên đời sống văn hóa sôi động, phong phú. Nhưng có cảm giác nó có nguy cơ mai một, lụi đi, vì vậy tôi rất hy vọng lớp trẻ hiện nay có thể làm điều gì đó cho thành phố cao nguyên này... Thú thực, tôi không nghĩ tại Pleiku lại có người đứng ra làm phim. Việc một bạn trẻ bỏ công sức, tiền của để làm một bộ phim về nơi mình sinh sống khiến tôi bất ngờ nhưng cũng đầy hy vọng. Nó hay dở thế nào chưa nói, nhưng tôi đánh giá rất cao tình yêu lẫn sự liều lĩnh ấy.

Lướt phố cùng người cao nguyên- Ảnh 9.
Lướt phố cùng người cao nguyên- Ảnh 10.

Những con đường ở Pleiku. (Ảnh: VCH)

Người thứ hai là ông Nguyễn Quang Hiền, nguyên sinh viên Khoa Điện, Đại học Phú Thọ, một đại học lừng danh trước 1975, sau này là Đại học Bách Khoa TP.HCM. Ngoài chuyện là người có công rất lớn để cái thời bao cấp ấy, mấy cái máy phát điện cũ tiếp quản từ chế độ cũ, ông góp phần cố gắng cùng đồng nghiệp cũng phập phù cho Pleiku có điện, nên hồi ấy dẫu không phải đảng viên, ông vẫn là Phó giám đốc Điện lực Gia Lai, ngành quan trọng và chiến lược khi ấy mà về nguyên tắc, phải đảng viên mới được bổ nhiệm. Nhưng đóng góp lớn nhất cho Pleiku hiện nay là, dù tay ngang, giờ ông là một trong những người có nhiều tư liệu nhất về Pleiku thời "xưa". Nguyên việc ông kỳ cạch sưu tầm rồi lưu theo hệ thống một cách rất khoa học, bài bản, và rồi cung cấp cho những người cần tư liệu về Pleiku một thuở đã là rất đáng nể. Nếu Vinh có ông Phạm Xuân Cần, người thành lập nhóm "Vinh xưa", lưu giữ bao tư liệu về Vinh, và vừa rồi cuốn sách của ông Cần về Vinh được giải sách hay, thì ở Pleiku, ông Hiền cũng đang làm những công việc như thế.

Lướt phố cùng người cao nguyên- Ảnh 11.

Một com hẻm ngoại ô Pleiku. (Ảnh: Nguyễn Thị Diễm)

Có một sự thật chung cho các đô thị Tây Nguyên hiện nay là nó đang được... hiện đại lên, một tất yếu không thể cưỡng, dù muốn hay không. Vấn đề là phát triển như thế nào, hiện đại như thế nào để nó vẫn là nó, nói tên lên một cái là mọi người hình dung ngay ra nó. Ngay Đà Lạt bây giờ, một thời các nhà màng (nhà kính) được ca ngợi, có người đầu tư tới cả 600 tỷ đồng để làm nhà kính trồng rau sạch. Nhưng giờ, người ta phát hiện nó lại là "vòng kim cô" bóp nghẹt Đà Lạt, làm ô nhiễm, sinh ngập lụt, tăng nhiệt độ… vân vân, và tỉnh Lâm Đồng đang cố gắng để hết năm 2025 giảm được 20% nhà kính hiện có, tiến tới năm 2030 không còn nhà kính.

Cũng như thế, Pleiku từng là thành phố của thông, nhưng giờ đi đếm những cây thông cổ thụ trong phố cũng chỉ khoảng 2 bàn tay. Từng "ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông", giờ tận 18 giờ chiều vẫn còn nắng, những con phố trơ trụi, và mưa nắng thì thất thường chứ chả còn "định kỳ" như thuở nào.

Và cái chung cho cả mấy đô thị ấy là... ngập. Cứ mưa là ngập. Tới mức giờ nghe nói thành phố Tây Nguyên ngập không ai ngạc nhiên nữa. Nó có rất nhiều lý do, nhưng tất cả các lý do ấy đều có một điểm xuất phát chung: Con người./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top