Chuyện cậu bé con ở huyện Vân Hồ, Sơn La, cứ thế đạp xe về Hà Nội để thăm đứa em bé bỏng của mình phải đi viện cấp cứu, đã tạo nên những trao đổi trên mạng. Nhiều người phản đối chuyện này, vì lo lắng và sợ nguy hiểm. Đúng vậy! Nhưng nhìn từ góc độ của trẻ con, của nhân vật trong câu chuyện, là rất đáng suy ngẫm, như cách chia sẻ của Nhà báo Trần Đăng Tuấn dưới đây...
Cậu bé 13 tuổi, ở Chiềng Yên, một xã của huyện miền núi Vân Hồ, trưa ngày 25/3 vừa rồi đi học về thì biết bố mẹ đã đưa đứa em bé tý của cậu bé về Hà Nội cấp cứu. Cậu bé không nói cho ai biết, lấy chiếc xe đạp trẻ em lên đường đạp về Hà Nội. Trước đó cậu chưa bao giờ ra khỏi xã Chiềng Yên của cậu. Cứ ra đường to, vừa đi vừa hỏi đường. Con đường từ Vân Hồ về đến thành phố Hòa Bình thì tôi thường xuyên đi. Đèo dốc lắm. Không biết cậu đã đạp xe bao nhiêu cây số. Đến khi mệt rồi, trời tối hẳn, cậu được một nhóm thanh niên đi ô tô để ý thấy, dừng xe hỏi han. Căn cứ câu nói của một người trong số họ: "Đưa về Cao Phong gửi vào đồn công an”, thì có thể biết chỗ họ thấy cậu bé là điểm trước thị trấn Cao Phong. Như vậy cậu đã đi ít nhất là 50 - 60km, trong đó có đèo Thung Khe, đèo Đá Trắng, rất dốc. Nếu đã gần Cao Phong, thì có thể tới 70km. Xe hỏng phanh, cậu dùng dép tỳ vào bánh xe hãm xe khi xuống dốc. Mòn vẹt cả dép, chân bị đau, mà vẫn đi.
Mọi người thương, nhưng cũng phản đối vì như thế là dại dột. Có nhiều người nói không nên khen cậu, như thế là khuyến khích làm chuyện nguy hiểm. Họ nói đúng. Nhưng vẫn phải nói rằng đó là cái đúng của chúng ta, vì lo lắng cho cậu bé nên thấy thế. Còn cậu bé, cậu có cái lý của cậu. Cậu không biết Hà Nội xa đến đâu. Cậu không biết chiếc xe nhỏ kia đâu phải là phương tiện để đi hàng trăm cây số đường có nhiều đèo dốc. Cậu nhất định muốn nhìn thấy đứa em đang nguy hiểm. Cậu tin là có đường, có chiếc xe, đi là đến. Đi là gặp đứa em. Cậu bé không thể ngồi nhà được. Cậu không thể không đi. Cái lý của tình thương là như thế.
Cũng vừa mới đây thôi, báo chí nói về cô bé mười tuổi ở Trung Quốc, có đứa em ba tuổi leo nghịch ở ban công, rớt ra ngoài, may mà lại bám được vào lan can. Có cái gờ rất hẹp bé để chân vào, nhưng tư thế đó bé sẽ chẳng lâu sẽ buông tay rơi xuống từ tầng cao. Bé chị nắm lấy tay em, vừa la khóc vừa giữ. Suốt gần nửa giờ nắm tay em, khóc kêu "Cháu mỏi lắm rồi, cứu cháu!”. Người ta đã phá cửa vào cứu. Và người ta kinh ngạc: làm sao đứa trẻ mười tuổi có thể giữ được đứa em như thế bằng ấy thời gian. Sức lực ấy bình thường không có được. Nhưng tình thương yêu, máu mủ ruột rà cho người ta sức mạnh đó, những lúc chẳng có gì ngoài tình thương là vũ khí.
Tôi nhớ lại câu chuyện người xưa kể: Một người vào rừng đào củ. Vô tình anh ta đào đúng chỗ giấu vàng. Một chum đầy. Anh ta sung sướng phát cuồng. Vét vàng nhét vào bao tải. Hết cả số vàng trong chum. Những thỏi vàng đó dĩ nhiên là rất nặng. Anh ta vác vàng đi. Lúc đầu anh ta thấy nặng nhưng hả hê. Vì nặng nghĩ là nhiều vàng. Nhưng rồi càng đi càng thấy quá nặng. Đến con dốc thì nặng thêm gấp bội. Anh ta hì hục leo, kiệt sức. Lên đến đỉnh dốc thì anh ta kiệt sức. Dù đó là vàng, anh ta đã nghĩ đến phải bỏ bớt ra mới đi được. Ham thì ham lắm đấy, nhưng lực bất tòng tâm. Đúng lúc đó, có tiếng cười lanh lảnh của trẻ con. Anh ta thấy một bé gái nhỏ cõng đứa em bụ bẫm chạy lên từ chân dốc. Người vác vàng thấy, bé gái còn nhỏ lắm, đứa em nặng thế kia nếu xét về tương quan cân nặng thì cũng như anh ta với số vàng. Vậy mà sao bé gái vẫn cõng em một mạch lên đỉnh dốc, hai chị em còn ríu rít nói cười nữa. Người đàn ông vác vàng hỏi bé gái: "Sao cháu cõng được em nặng thế lên dốc mà không mệt?”. Bé gái ngạc nhiên trả lời: "Đây là em cháu mà!”.
Vậy đó. Vì đây là em của bé. Là cùng mẹ sinh ra. Nên sao lại có chuyện nặng hay nhẹ. Chỉ có mỗi một điều là chị phải cõng em, và nhất định là cõng leo lên dốc được. Không thể khác.
Cái lý của tình thương yêu là như thế. Cái sức của tình thương yêu là như thế.