Những ngày qua nóng lên chuyện Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các ngân hàng (NH) thương mại đồng loạt rao bán nợ xấu, chủ yếu là bất động sản với giá trị tài sản lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Việc tăng tốc bán nợ xấu nhờ vào tính chất pháp lý bán tài sản đảm bảo đã thông thoáng hơn, cùng với đó là bệ đỡ thị trường bất động sản đang hồi phục. Tuy vậy, việc bán nợ xấu vẫn không hề suôn sẻ.
Dồn dập bán tài sản khủng
Ngân hàng Sacombank vừa rao bán hàng loạt khu đất, dự án bất động sản trị giá lên tới hơn 20.000 tỷ đồng. Nổi bật nhất là dự án Khu công nghiệp Phong Phú ở huyện Bình Chánh, TP.HCM, có diện tích lên đến 134ha với giá khởi điểm 7.600 tỷ đồng. Kế đến là dự án khu dân cư Bình Trị Đông được rao bán với giá khởi điểm 6.698 tỷ đồng; dự án khu nhà ở phường Long Bình, quận 9, TP.HCM có giá chào bán 1.815 tỷ đồng; dự án khu dân cư phường Bình Thủy ở TP. Cần Thơ giá 4.565 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân hàng này cũng rao bán nhiều khu đất có giá trị cao tại trung tâm TP.HCM. Tiêu biểu như lô 61-63A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1 với diện tích khoảng 800m2, giá khởi điểm lên tới 811 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ đồng/m2.
Không đứng ngoài cuộc, trong cuộc đua bán nợ xấu, ngân hàng Agribank đã cùng với VAMC đẩy mạnh đấu giá, phát mại các dự án bất động sản là tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại ngân hàng. Ngay trong tháng 9 này, hai đơn vị này sẽ mở hơn 10 cuộc đấu giá với tổng giá trị chào bán khởi điểm lên đến 470 tỷ đồng.
Trong đó có nhiều tài sản có giá trị như quyền sử dụng đất ở phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM với giá khởi điểm 96,23 tỷ đồng; đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty Liên doanh Life Pro Việt Nam bao gồm toàn bộ nguyên phụ liệu, máy móc, công trình với giá khởi điểm là 257,4 tỷ đồng.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, các ngân hàng đang tận dụng rất tốt thời điểm thị trường bất động sản đang hồi phục để đẩy mạnh bán các tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Qua đó, một mặt tính thanh khoản gia tăng, mặt khác sẽ được giá cao hơn.
“Ngoài ra, việc giải phóng được các khoản nợ xấu giúp ngân hàng hoàn nhập các khoản dự phòng, giúp lợi nhuận gia tăng. Từ đó giúp các ngân hàng ghi điểm trước đại hội cổ đông thường niên sắp đến và dễ được các cổ đông thông qua các kế hoạch kinh doanh trọng yếu” - ông Hiển phân tích.
Làm sống lại nhiều bất động sản bỏ hoang
Ngân hàng Nhà nước cho biết sau một năm triển khai Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, ngành ngân hàng đã thành công trong việc xử lý và bán đấu giá nhiều tài sản lớn tồn đọng nhiều năm. Có những khoản nhiều năm không xử lý được đồng nào, nay giải quyết được trên 90%.
Đặc biệt là các tài sản đảm bảo là bất động sản bao năm bị bỏ hoang, dãi nắng dầm mưa do vướng mắc về cơ chế, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội. Tiêu biểu là việc VAMC xử lý thành công các tài sản đảm bảo đắp chiếu chờ cơ chế trong nhiều năm. Riêng năm 2017 và tám tháng đầu năm nay, VAMC đã xử lý được 48.017 tỷ đồng, gần bằng tổng giá trị xử lý nợ của cả bốn năm trước đó.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, việc các ngân hàng đẩy mạnh bán nợ xấu là do Nghị quyết 42 của Quốc hội đã tạo hành lang pháp lý rất thuận lợi để các ngân hàng chủ động xử lý nợ xấu.
“Đặc biệt, các ngân hàng thương mại được phép xử lý tài sản đảm bảo đã thế chấp vay vốn ngân hàng và nếu tài sản này không có tranh chấp, đang thi hành án thì ngân hàng có thể xử lý thu hồi nợ. Điều này giúp các ngân hàng dễ dàng xử lý nhanh tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, từ đó giảm nợ xấu” - ông Minh nói.
Vẫn còn gặp khó
Mặc dù đạt được các kết quả khả quan trong việc bán nợ xấu, giải phóng cục máu đông cho dòng vốn tín dụng nhưng VAMC và các ngân hàng cũng đang rất vất vả giải quyết một lượng lớn khoản nợ xấu đang còn tồn đọng.
Chẳng hạn, VAMC và BIDV Chi nhánh Phú Tài thông qua Công ty Đấu giá Lam Sơn đã rao bán đấu giá tài sản là toàn bộ khoản nợ của Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn (công ty của bà Võ Thị Thanh, người được mệnh danh là “bông hồng vàng Phú Yên”) và 95 khách hàng cá nhân.
Giá khởi điểm cho phiên đấu giá đầu tiên là 1.208 tỷ đồng, đúng bằng dư nợ gốc của nhóm khách hàng Thuận Thảo. Tuy nhiên, quá thời hạn đăng ký và nộp tiền cọc nhưng không một tổ chức, cá nhân nào tham gia đăng ký. Như vậy, buổi đấu giá đầu tiên xem như ế ẩm, nguyên nhân có thể mức giá đưa ra đấu giá không hấp dẫn.
Tổng Giám đốc VAMC Đoàn Văn Thắng thừa nhận việc thu hồi nợ xấu tiến triển khá tốt. Tuy nhiên, thị trường có muôn hình vạn trạng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng khoản nợ, giá cả chào bán. Do đó VAMC có khi chỉ đấu giá một lần là bán được tài sản nhưng cũng có tài sản phải đấu giá 7-8 lần, thậm chí là 10 lần vẫn chưa có người mua.
Ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, cũng cho biết mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ nhưng vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc. Một trong những vướng mắc lớn nhất là chưa có thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp, dẫn đến việc mua bán nợ xấu chưa thật sự sôi động, các thương vụ lớn chưa phát sinh nhiều.
Sẽ xử lý 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã muaVAMC vừa cho biết trong năm nay sẽ xử lý 35.504 tỷ đồng nợ xấu và đến năm 2022 sẽ xử lý tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua. Các khoản nợ xấu hiện nay thường có kèm theo tài sản đảm bảo là bất động sản. Chủ đầu tư ban đầu khi triển khai dự án đến nay đã không còn nguồn lực để duy trì mới phát sinh nợ xấu. Với các tài sản này, nếu không thu giữ, không phát mại để chuyển cho chủ đầu tư mới thì tất cả tài sản sẽ nằm im, không có tiền để triển khai tiếp, gây lãng phí nguồn lực. Do vậy, các NH là chủ nợ sẽ đứng ra thu giữ, phát mại để thu hồi vốn rồi tiếp tục tái đầu tư. Theo NH Nhà nước, đến cuối tháng 6-2018, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 138.290 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. |