Aa

Lý lịch “sốc” của cổ đông sáng lập doanh nghiệp 6,3 tỷ USD ở Hà Nội

Thứ Sáu, 28/02/2020 - 09:04

Một công ty có trụ sở đóng tại huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội có số vốn điều lệ lên đến 144 nghìn tỷ đồng, thế nhưng, lý lịch của các cổ đông sáng lập doanh nghiệp triệu USD này khiến giới đầu tư ngã ngửa.

Công ty tỷ đô, cổ đông là nhân viên bán nước uống

Những ngày qua, giới đầu tư kinh doanh đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản đổ dồn sự chú ý vào việc một doanh nghiệp có số vốn điều lệ 144 nghìn tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD) được “khai sinh” ngay giữa trung tâm Thủ đô. Thế nhưng, điều này khiến chính cổ đông sáng lập công ty cũng bị bất ngờ.

Theo hồ sơ, tên doanh nghiệp thành lập là Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (có trụ sở tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội). Công ty có 3 cổ đông sáng lập là bà Kim Thị Phương (huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) góp 43,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 30%). Ông Nguyễn Hoàn Sơn (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) góp 57,6 nghìn tỷ đồng chiếm 40% vốn điều lệ. Cổ đông thứ ba là ông Trần Gia Phong – người đại diện pháp luật công ty (huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) góp 43,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 30%).

Quá trình tìm hiểu, một trong số ba cổ đông là bà Kim Thị Phương đã chia sẻ với PV sự thật về công ty đang nổi đình đám này. Theo lời nữ "đại gia" bất đắc dĩ này, bà chỉ biết qua báo chí việc mình là một trong 3 cổ đông của Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC có số vốn điều lệ 144 nghìn tỷ đồng.

Điều đáng nói là trong khi số vốn góp “trên giấy” của bà lên đến 43,2 nghìn tỷ, tuy nhiên thực tế gia đình bà đang phải chạy ăn từng bữa cơm. Bà Phương khẳng định, không có đồng nào để góp vốn vào công ty này.

Trong khi số vốn góp “trên giấy” của bà Kim Thị Phương lên đến 43,2 nghìn tỷ, nhưng thực tế gia đình bà Phương đang phải chạy ăn từng bữa cơm và không có đồng nào để góp vào công ty có vốn điều lệ 6,3 tỷ USD này. (Ảnh: Hà Cường)

Bà Phương cho biết, khoảng tháng 11/2019, bà được người đồng nghiệp làm cùng tại một công ty nước rủ thành lập công ty. Do đang làm đại lý phân phối (nước uống đóng bình, lon) của công ty nước đó, nên bà Phương nghĩ rằng nếu lập một công ty sẽ bán nước uống dễ dàng hơn.

Bà Phương cũng phân trần: “Dù là cổ đông góp vốn nhưng tôi không phải đi đăng ký, hai người kia (2 cổ đông là ông Sơn và ông Phong – PV) chỉ cầm chứng minh thư của tôi đi và cầm hồ sơ về bảo mình ký thì ký vào. Tôi nghĩ cứ nói mồm với nhau, lập công ty làm được thì làm không làm được thì thôi chứ mình có mất gì đâu”.

“Anh Sơn thì làm cùng công ty nước với tôi còn anh Phong thì tôi mới chỉ gặp vài lần. Họ bảo mượn địa điểm nhà mình làm trụ sở công ty chứ tôi không biết gì. Đến giờ, tôi cũng đã góp đồng vốn nào vào công ty đâu. Căn nhà (nhà số 10 ngõ 234 đường thôn Lai Xá làm trụ sở công ty) này còn đang cắm sổ chưa có tiền chuộc lại”, bà Phương chia sẻ.

Được biết, sau khi báo chí thông tin việc bà Phương sở hữu số vốn tại công ty có giá trị hàng trăm nghìn tỷ đồng đã khiến cuộc sống gia đình người phụ nữ này bị đảo lộn. Sau đó, bà Phương đã gọi điện hỏi ông Sơn thì người này nói, nếu bà không muốn thì xin không làm cổ đông công ty nữa. Hiện tại, bà Phương đang tiến hành các thủ tục tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội để xin rút không làm cổ đông của công ty có số vốn điều lệ 6,3 tỷ USD trên.

Có thể bị xử phạt vi phạm?

Trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc thành lập công ty có số vốn điều lệ “khủng” trên, Luật sư Lương Thành Đạt (Giám đốc Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis) cho biết, vốn điều lệ của công ty là tổng số vốn do các cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ công ty.

"Pháp luật hiện hành không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu là bao nhiêu, hoặc mức vốn điều lệ công ty tối đa là bao nhiêu khi doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh bình thường. Như vậy, việc công ty khai số vốn là 144 nghìn tỷ đồng là không hề vi phạm, cũng không có bất cứ vấn đề nào, phía công ty chỉ cần đảm bảo việc góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký với cơ quan quản lý là được", Luật sư Đạt cho hay.

Sau khi công ty được thành lập và gây xôn xao dư luận, có nhiều dấu hỏi về việc liệu các cổ đông có đủ số tiền “khủng” chục triệu USD để góp vốn thành lập công ty hay không? Trong trường hợp này, các cổ đông sáng lập công ty có quyền và nghĩa vụ như thế nào?

Về vấn đề này Luật sư Đạt phân tích, nếu cổ đông không thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì cổ đông đó sẽ không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác. Số cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán. Lúc này, công ty phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập công ty cổ phần.

Cũng theo Luật sư Lương Thành Đạt, việc công ty khai khống vốn điều lệ là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Doanh nghiệp 2014. Khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện ra hành vi này, công ty sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ buộc phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm.

Khai khống vốn điều lệ công ty bị phạt đến 20 triệu đồng!

Căn cứ theo Khoản 5 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định như sau: “Điều 17. Các hành vi bị nghiêm cấm: Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị”.

Đồng thời, căn cứ tại Khoản 3, Khoản 5 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP có quy định như sau: “Điều 28. Vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp:

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này”.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top