Dư luận chưa ngớt ngỡ ngàng về doanh nghiệp có vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng mới đăng ký thành lập ở Hà Nội thì lại sững sờ khi nhìn thấy trụ sở chỉ là ngôi nhà nhỏ trong con ngõ cũng không to! Người ta đang tự hỏi “tập đoàn” ấy thực hay hư?
Doanh nghiệp có vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng, tương đương hơn 6 tỷ USD đang "gây bão" cho cả giới tài chính lẫn cộng đồng doanh nhân mang tên Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (USC Interco)!
USC Interco đăng ký ngành nghề chính là bất động sản, có địa chỉ tại số 10, ngõ 234 đường thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Công ty này có 3 cổ đông, bao gồm ông Trần Gia P. và bà Kim Thị P. mỗi người góp 30%, tương ứng 43.200 tỷ đồng, cùng ông Nguyễn Hoàn S. góp 40%, tương ứng 57.600 tỷ đồng.
Nếu chỉ nhìn vào số vốn đăng ký khổng lồ trên thì không doanh nghiệp nào ở Việt Nam "đọ" được với USC.
Bốn ngân hàng lớn nhất nước gồm BIDV, Agribank, Vietinbank, Vietcombank cùng cộng vốn điều lệ lại mới xấp xỉ USC Interco. Viettel, doanh nghiệp đã vượt tầm trong nước cũng chỉ có hơn 141.000 tỷ đồng vốn. Nhìn vào so sánh ấy mới thấy USC Interco “tầm cỡ” lớn thế nào!
Trụ sở USC Interco chỉ là ngôi nhà nhỏ trong ngõ tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh: Thanh Hà/Bizlive)
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, vì số vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp quá lớn nên cán bộ đăng ký kinh doanh phải hỏi đi hỏi lại người đại diện doanh nghiệp xem có kê khai nhầm từ 1,4 tỷ đồng thành 144.000 tỷ đồng không?
Nhưng họ khẳng định không nhầm và cam kết sẽ góp đủ vốn bằng tiền mặt trong 90 ngày theo đúng quy định của pháp luật!?
Từ trước đến nay, doanh nghiệp tư nhân lớn như Vingroup, doanh nghiệp Nhà nước khổng lồ như BIDV cũng chưa bao giờ đăng ký với vốn điều lệ lên tới trăm nghìn tỷ đồng. Thậm chí, doanh nghiệp lập ra với ý định lừa đảo như Công ty Địa ốc Alibaba của Nguyễn Thái Luyện cũng chỉ dám “nổ” đến con số 12.000 tỷ đồng là dừng, nên ai cũng choáng váng với con số 144.000 tỷ đồng kia, dù biết đăng ký bao nhiêu luật cũng cho phép còn có góp đủ hay không thì... 90 ngày sau mới rõ.
Luật không cấm vốn điều lệ đăng ký nhưng cũng quy định rõ rằng 90 ngày sau phải góp đủ. Luật cũng cho phép có thể góp vốn bằng tài sản khác, tuy nhiên cả 3 cổ đông lại nhất quyết sẽ góp đủ bằng tiền mặt! Lạ đến nỗi, một lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh trao đổi với báo chí rằng “tập đoàn” này có thể kê khai... vốn ảo. Còn kê khai như thế để làm gì có lẽ chỉ họ biết.
CEO một tập đoàn không nhỏ nói với người viết, thời buổi này kiếm cho đủ 144.000 tỷ đồng tiền mặt hoặc là "thánh nhân" hoặc không biết gì về tài chính, hoặc không mường tượng được 144.000 tỷ đồng (hơn 6 tỷ USD) lớn thế nào. Ông khẳng định, dân làm ăn “có sừng, có mỏ” làm thật, ăn thật chẳng dại gì đem vài chục nghìn tỷ đi chứng minh vốn điều lệ góp đủ chứ đừng mơ đến trăm nghìn tỷ.
Bão đã nổi nhưng thiệt hại nếu có cũng chỉ là nghe cho sướng tai, bàn ra tán vào cho sướng miệng chứ nếu ảo thật thì phạt cũng chỉ như “nghiêm khắc phê bình”. Luật quy định, trường hợp các cổ đông không góp đủ vốn trong thời hạn quy định sẽ bị xử lý, bị phạt hành chính và buộc phải giảm số vốn đã đăng ký. Trường hợp kê khai vốn ảo thì cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh sẽ buộc doanh nghiệp phải kê khai lại cho đúng.
Đó là chuyện của 90 ngày sau và chẳng ai biết sẽ còn bất ngờ nào khác ở ngõ nhỏ, phố nhỏ và trụ sở nho nhỏ của doanh nghiệp hơn 6 tỷ USD ấy. Họ cũng chưa làm gì sai hay gây thất thoát, lừa lọc gì ngoài những xôn xao khi thị trường cần những tin tức “giải khuây”. Tuy nhiên, dám đăng ký 144.000 tỷ đồng và nếu những ông chủ USC Interco ấy bình thường thì không phải chuyện đùa đâu.