Ly nông không ly hương
Covid-19 đặt ra quá nhiều vấn đề. Tôi bàng hoàng suy nghĩ về dòng người về quê. Hàng ngàn người các tỉnh phía Bắc, xa nhất là Hà Giang, Cao Bằng, trong đó có nhiều lao động là bà con dân tộc ít người, trên vai người mẹ còn địu những cháu bé non dại “phó mặc” an nguy trên những chiếc xe máy cà tàng về quê.
Tháng 10, đối với tôi bị ám ảnh bởi đôi mắt của cháu bé chừng 3 - 4 được địu trên lưng người mẹ trẻ người dân tộc quê Sơn La, ngồi sau chiếc xe máy trên hành trình vượt 2.000km về quê tránh dịch. Tôi thực sự bị ám ảnh bởi tiếng la lên của người mẹ quê Nghệ An trên “đỉnh gió” Hải Vân: “Có ai đó không, cứu con tôi với”, trong đêm 5/10. Liền sau đó là hình ảnh các cháu bé khác cùng bố mẹ lầm lũi đi giữa mưa, tất cả rét run vì ướt và lạnh. Sao mưa bão số 6 vào miền Trung lúc này? Tôi đã từng đi xe máy giữa mưa. Nếu mưa táp vào mặt phía chính diện thì rất khó để đi, đi rất khó bảo đảm an toàn. Tôi đã không ngủ được.
Không chỉ bà con miền Trung, Tây Bắc vùng đất vốn được coi là thiên nhiên khắc nghiệt, đá sỏi đất cằn; miền Tây Nam bộ, đất đai phì nhiêu, bốn mùa hoa trái... cũng vậy. Tỉnh trọng điểm lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long là An Giang, cũng có đến hàng chục ngàn người về quê hậu... giãn cách. Cho đến nay, đã có hàng trăm ngàn người lao động tự do, lao động trong các nhà máy, xí nghiệp mất việc làm về Covid-19 tự phát về quê, bất chấp nguy hiểm, đói, rét trên những con đường thăm thẳm.
Mặc dù sau khi TP.HCM và một số tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội, trước hiện tượng nhiều người dân di chuyển tự phát về quê, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo TP.HCM đều kêu gọi người dân kiềm chế, không di chuyển tự phát làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Ngoài mục đích kiểm soát không để Covid-19 lây lan, biết bao vấn đề đặt ra về tổ chức xét nghiệm, cách ly tập trung, bảo đảm an toàn giao thông trên hành trình về quê của người dân... Một lần nữa, các tỉnh, thành phố tiếp tục “gồng lên” mỏi mệt đón tiếp công dân trở về bất đắc dĩ. Chắc chắn, chính quyền các địa phương có người đi lao động trở về lúng túng, bị động.
Các địa phương có người lao động làm ăn ở TP.HCM đã có nhiều đợt tổ chức đưa con em về quê theo nguyện vọng, nhất là phụ nữ có thai, trẻ em; tuy nhiên những cố gắng đó gần như chưa và không thể đáp ứng nhu cầu. Dẫu chính quyền cơ sở ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... đã cưu mang, cứu trợ; nhưng sau nhiều tháng giãn cách, tương lai có việc làm xa vời, buộc những người lao động tự do, lao động trong nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn “hồi hương”.
Có thể gọi đây là cuộc “tháo chạy” lần thứ hai. Lần đầu, vào đầu tháng 7, cách đây hơn 100 ngày, khi TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội. Rất may dọc con đường về quê đầy nguy hiểm, bão và gió; đã có lực lượng cảnh sát giao thông, lực lượng tại các trạm kiểm dịch ứng cứu, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm ứng cứu.
Cho đến nay, sau một tháng TP.HCM và các tỉnh trọng điểm về công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào sản xuất kinh doanh với hy vọng phục hồi. Tuy nhiên, trước mắt họ muôn vàn khó khăn, trong đó có việc “khủng hoảng” lao động. Dòng lao động “chạy trốn” lần thứ nhất chưa đến, dòng kẹt lại tiếp tục ra về. Và, sẽ còn ra về... Giống như cuộc “tháo chạy” lần thứ nhất, gương mặt của những phụ nữ, trẻ em và cả những đôi mắt của “thú cưng” mà họ mang theo trên những chiếc xe máy cũ rích ám ảnh rất nhiều người.
Quyền đi lại, quyền có việc làm... là những giá trị phổ quát của xã hội loài người, ở nước ta được hiến định trong Hiến pháp, đạo luật cơ bản của hệ thống luật pháp. Covid-19 đặt ra nhiều vấn đề lớn về quy hoạch phát triển vùng, miền; về liên kết trong chuỗi giá trị; về văn hóa luật pháp, văn hóa trách nhiệm xã hội.
Từ khi sinh ra loài người, đã có di dân. Thời tiền sử các dòng di cư bắt đầu khi Người đứng thẳng (Homo erectus) di cư lần đầu tiên ra khỏi châu Phi qua hành lang Levantine và Sừng châu Phi tới lục địa Á – Âu. Theo Cao ủy Liên Hợp quốc về Người Tị nạn (UNHCR), toàn thế giới hiện có gần 70 triệu người di cư vì nghèo đó, chiến tranh và khủng bố. Phải nói là “khủng hoảng di cư” đang là nguyên nhân gây ra những chia rẽ mới tại châu Âu. Hình ảnh người dân Afghanistan rơi từ máy bay xuống trong hành trình chạy trốn khi Taliban trở lại cầm quyền, chắc chắn sẽ ám ảnh mãi lương tri con người.
Con người trước hết cần ăn, uống để duy trì tồn tại. Con người cần được thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần để phát triển. Di dân từ nông thôn ra thị xã, từ thị xã ra thành phố, từ trung tâm nhỏ ra trung tấm lớn (ở nước ta là Hà Nội và TP.HCM) là quy luật hiển nhiên như cuộc sống. Tuy nhiên, không thể tự phát. Bất cứ quốc gia nào, cũng phải có chiến lược, quy hoạch phát triển về kinh tế - xã hội nói chung đến nguồn nhân lực nói riêng.
Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố đặc biệt, hai trung tâm, hai cực tăng trưởng của cả nước. Chính vì thế, Chính phủ đã có “Quy hoạch vùng” Hà Nội và TP.HCM. Với TP.HCM, năm 2014, để đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng phù hợp với xu thế và tình hình phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Quy hoạch điều chỉnh, vùng TPHCM có phạm vi ranh giới trùng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố là TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu. Vùng TP.HCM có vị trí chiến lược trung tâm vùng Đông Nam Á; giữ vị trí chiến lược về cảng biển trung chuyển quốc tế, cảng hàng không quốc tế; là cầu nối tiểu vùng sông Mekong. Vùng TP.HCM có dân số gần 19 triệu người, chiếm 21% dân số cả nước, là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của quốc gia. Về phát triển kinh tế, vùng TP.HCM dự báo đóng góp khoảng 41,8% GDP, 51,04% kim ngạch xuất khẩu cả nước và 59,57% tổng thu ngân sách quốc gia.
Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 năm 2016 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định điều chỉnh. Phạm vi Vùng Thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh là: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang (trong đó Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là 3 tỉnh được mở rộng so với Quyết định số 490/2008/QĐ-TTg ngày 05/5/2008). Tổng diện tích toàn vùng khoảng 24.314,7km2. Mục tiêu của việc điều chỉnh cũng nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển, có sự phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết giữa các địa phương trong Vùng; đảm bảo phân bổ nguồn lực quốc gia có hiệu quả; hạn chế những mặt trái của quá trình đô thị hóa đến môi trường sống, tác động của biến đổi khí hậu nhằm xây dựng Vùng phát triển thịnh vượng và có môi trường bền vững.
Đáng tiếc, “bài toán khó” về tổ chức hệ thống đô thị, phân bố dân cư nông thôn, xây dựng vùng liên tỉnh, kết cấu hạ tầng, nguồn nước lưu vực sông, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối các tỉnh...chưa có lời giải. Ngay cả câu chuyện cách đây gần 15 năm sát nhập nguyên trạng Hà Tây vào Hà Nội có mục đích giãn dân phố cổ, phố cũ nhưng không thực hiện được. Vì sao, thành thị bị “nông thôn hóa”. Câu trở lời rất đơn giản. Phần thì người nông dân bị thu hồi đất để đô thị hóa, công nghiệp hóa; phần thì hạt gạo “rẻ quá”, trong khi bước ra đường phải có tiền, trăm thứ nhu cầu từ học hành của con cái...trở lên đều cần tiền.
Không đâu đẹp bằng quê hương mình. Chính vì thế, nhà thơ Nga, Raxun Gamzatop (1923 – 2003) từng “tuyên ngôn” trong tác phẩm “Đaghextan của tôi” là “Không có gì có thể đổi được làng”. Với văn hóa Việt Nam, “ly nông không ly hương” vẫn là tuyệt vời nhất.
Khi cuộc “chạy trốn” Covid-19 lần thứ nhất xảy ra, cuối tháng 7/2021, tôi có viết bài thơ “Về nhà thôi con”: “mảnh đất quê nhà/lắm đá, sỏi, cằn/biết yêu người tần tảo”, “giấc mơ trong bàn tay và trên lưng áo/như cha mẹ xưa, như xóm như làng/chín nhớ mười thương/chỉ là phương mẹ”.
Thế nhưng, để người dân “ly nông không ly hương”, cần phải biến quy hoạch thành thực tiễn; quy hoạch cần phải được thực hiện đồng bộ, thu hút được công – tư cùng tham gia. Người dân có việc làm, có nơi thu hút nguồn nhân lực ngay chính trên quê hương họ, không chỉ là bài toán ngắn hạn mà còn dài hạn, kéo giảm khoảng cách về phát triển giữa các vùng, miền, giữa nông thôn và thành trị, giữa giàu và nghèo./.