Mạnh mẽ thay đổi cục diện
Trong lần bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều chuyên gia lo ngại tiến độ hoàn thành pháp lý cho một thương vụ M&A bất động sản sẽ bị chậm lại, nhất là hoạt động M&A xuyên biên giới. Đặc biệt, tâm lý của các nhà đầu tư đã thận trọng hơn khi họ phải cân nhắc nhiều yếu tố mới đưa ra được quyết định.
Tuy nhiên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, bất động sản là một trong những lĩnh vực có nhiều thương vụ M&A nhất trong năm 2021, với khoảng 14 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trong lĩnh vực bất động sản của một số doanh nghiệp được tiếp nhận và xử lý.
Đơn cử, ngay giữa mùa dịch vừa qua, Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt thông qua chủ trương mua 99% vốn tại Công ty Đầu tư Bắc Cường - nơi sở hữu quỹ đất thuộc nhóm đất vàng của TP. Đà Nẵng để phát triển dòng sản phẩm bất động sản thương hiệu. Trước đó, doanh nghiệp này đã hoàn tất mua 99,5% cổ phần Công ty Bất động sản Đầu tư và Phát triển cao ốc Bình Dương để đầu tư cho dự án chung cư có diện tích hơn 4,5ha tại TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Hay như Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (Tập đoàn An Gia) đang hoàn thiện pháp lý và lập quy hoạch tỷ lệ 1/2000 một quỹ đất đã mua xong của Công ty cổ phần Năm Bảy Bảy để đưa ra thị trường 7.000 - 8.000 sản phẩm vào nửa đầu năm 2022.
Tương tự, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) đã nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 40% tại CTCP Đầu tư xây dựng Long An Idico (Long An Idico) - nơi sở hữu quỹ đất 130ha tại Long An và hợp tác với Tổng công ty Tín Nghĩa để phát triển một dự án có tổng quy mô hơn 160 ha tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Để tiếp tục mở rộng quỹ đất trong thời gian tới, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) cũng cho biết đến năm 2030, doanh nghiệp sẽ nâng tổng quỹ đất sở hữu lên 15.000ha thông qua việc thực hiện chiến lược M&A tại các địa phương như Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định...
Điều này cho thấy bất chấp dịch bệnh, quy mô thị trường M&A bất động sản đã lớn hơn, nguồn lực tài chính, bộ máy của doanh nghiệp trong nước mạnh hơn mà còn giúp chính doanh nghiệp Việt chủ động hơn trong việc tái cấu trúc, mở rộng hệ sinh thái, tạo lập chuỗi giá trị mới thông qua hoạt động mua bán - sáp nhập bất động sản, một chuyên gia nhận định.
Doanh nghiệp Việt dần làm chủ M&A
Đánh giá về các thương vụ M&A bất động sản trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam phân tích, nếu trước đây các thương vụ M&A bất động sản chỉ tập trung ở các dự án nhà ở, khu đô thị tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM thì đến nay đã mở rộng về thị trường và đa dạng về phân khúc. Một số vùng mới phát triển kinh tế, vùng ngoại ô các đô thị lớn hay những chủ đầu tư không thể “đi đường dài” với dự án cũng tìm tới giải pháp M&A. Kể cả những khu du lịch, khách sạn, nhà hàng… cũng xuất hiện các thương vụ M&A.
Tại hội thảo "M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị", ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thị trường này có đặc điểm đáng chú ý là có sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp nội địa. Số lượng chủ thể tham gia vào M&A là doanh nghiệp Việt tăng từ 18% trong năm 2018 lên 49% trong quý I/2021, địa bàn diễn ra M&A thì 70% ở Việt Nam. Tính chất M&A cũng thay đổi từ thôn tính sang hợp tác liên kết để hình thành chuỗi.
Các chuyên gia dự báo, cuộc đua thâu tóm bất động sản của các doanh nghiệp Việt có tiềm lực về tài chính thông qua các thương vụ M&A sẽ tiếp tục sôi động. Bởi, thị trường sẽ còn nhiều biến động do quỹ đất ngày càng khan hiếm, thủ tục triển khai dự án bị siết chặt; các chủ đầu tư yếu kém không trụ được trước khó khăn sẽ buộc phải bán trao tay dự án hoặc chấp nhận chuyển nhượng cổ phần cho các chủ đầu tư khác chất lượng hơn; quy định về đóng cửa biên giới và các hạn chế đi lại sẽ còn là trở ngại với đầu tư ngoại…. Đây chính là cơ hội cho M&A để thay đổi diện mạo thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Không dừng lại ở thay đổi diện mạo cho thị trường, theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam phải coi M&A là giải pháp để tự mình lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh. Hoạt động M&A không chỉ là thu gom tài sản để lớn lên mà quan trọng là tạo nên cấu trúc liên kết, kiến tạo giá trị và đóng góp cho cộng đồng.
Cùng chung nhận định này, một chuyên gia nhận định, mỗi thương vụ M&A bất động sản thành công không phải chỉ nhìn vào giá trị của lần mua bán đó mà cần nhìn sản phẩm mới sau khi đưa ra thị trường có được chấp nhận hay không. Để làm được điều này cần có tìm nhìn, chiến lược của bên mua và sự kỳ vọng, tin tưởng của bên bán thì mới có một thương vụ M&A bất động sản thành công./.