Aa

M&A ngân hàng Việt sẽ sôi động

Thứ Hai, 20/06/2022 - 06:50

Trong thời gian qua hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, an toàn, ngày càng tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.

Đây là yếu tố quan trọng giúp ngân hàng Việt tiếp tục là “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) rót vốn thông qua hình thức mua bán - sáp nhập (M&A).

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình

Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam trong cuộc trao đổi với Thời báo Ngân hàng.

PV: Ông nhận định thế nào về triển vọng thị trường M&A ngân hàng Việt trong thời gian tới?

Ông Lê Duy Bình: Trước hết cần khẳng định, nhu cầu M&A của các ngân hàng hiện nay rất lớn, trước yêu cầu phải tái cấu trúc hoạt động, nâng cao chất lượng. Mặt khác tái cấu trúc hệ thống tài chính cũng là đòi hỏi của nền kinh tế ngày càng phát triển, cần có những ngân hàng mạnh, quy mô vốn lớn, đảm bảo các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế như Basel II, tiêu chí về quản trị, đầu tư vào công nghệ, con người, công tác thanh tra giám sát… trong ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu mới.

Hiện nay chính phủ, NHNN cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích ngân hàng nâng cao quy mô, chất lượng hoạt động kinh doanh và thực tế cho thấy M&A là phương thức để có thể hình thành những ngân hàng lớn hơn, vươn tầm ra khu vực và quốc tế. Do đó tôi cho rằng hoạt động này trong thời gian tới sẽ sôi động hơn theo tín hiệu của thị trường, đảm bảo sự phát triển bền vững, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

PV: Yếu tố nào sẽ tạo nên sức hút của các ngân hàng Việt trong mắt NĐTNN, thưa ông?

Khi NĐTNN đầu tư vào một doanh nghiệp của Việt Nam, trước hết họ sẽ phải nhìn vào các yếu tố lớn như sự ổn định của kinh tế vĩ mô, sự phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới, từ đó đặt ra yêu cầu phát triển tương xứng của thị trường tài chính, tiền tệ và cụ thể là các nhà cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng. Tiếp theo đó là xem xét đến hoạt động của chính các TCTD của Việt Nam, xem ngân hàng đó có tiềm năng phát triển không, lợi nhuận của khoản đầu tư có được đảm bảo không…

Có thể nhận thấy, yếu tố rất quan trọng để thu hút được NĐTNN hiện nay là sự hoạt động ổn định, bền vững của hệ thống tài chính tiền tệ Việt Nam và của chính các NHTM. Nền kinh tế Việt Nam đang được đánh giá cao với nhiều triển vọng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, nhu cầu mở rộng thị trường tài chính, tiền tệ của Việt Nam là khá lớn.

Vì vậy, để NĐTNN quyết định “xuống tiền” sẽ phụ thuộc vào chính sức hút của các ngân hàng hiện nay và mức độ cởi mở về mặt chính sách của Việt Nam như việc nới thêm room cho các NĐTNN được sở hữu cổ phần với các ngân hàng trong nước. Đây sẽ là những yếu tố các NĐTNN cân nhắc tiếp tục đổ vốn vào các TCTD Việt Nam.

Những năm gần đây nhiều ngân hàng Việt thể hiện hoạt động bền vững, an toàn, có tiềm năng phát triển, quản trị rủi ro tốt, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Đây là yếu tố quan trọng nhất khiến các ngân hàng Việt tiếp tục là “thỏi nam châm” thu hút các NĐTNN rót vốn vào trong thời gian tới.

Cũng cần khẳng định rằng, lĩnh vực tài chính, tiền tệ luôn là lĩnh vực mà các NĐTNN quan tâm trong suốt hơn 30 năm chúng ta thực hiện đổi mới.

PV: Theo ông, các ngân hàng cần lưu ý gì khi thực hiện M&A?

Ông Lê Duy Bình: Sáp nhập hay không sáp nhập đều phải dựa trên nguyên tắc đó là sự phát triển bền vững của chính các TCTD đó. Bất kỳ một quyết định M&A không dựa trên nguyên tắc này đều phải tránh. Đây là yếu tố quan trọng. Quá trình sáp nhập phải có định hướng, hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững của các TCTD và đảm bảo lợi ích của khách hàng, người gửi tiền, khách hàng vay vốn… Quá trình M&A phải đảm bảo nguyên tắc an toàn trong hoạt động của ngân hàng. Tuyệt đối không nóng vội, đẩy các tổ chức bị sáp nhập vào thế khó; Phải tuân thủ các nguyên tắc thương mại, đảm bảo an toàn của các TCTD sau khi sáp nhập; Đưa M&A trở thành tiền đề để mở rộng dịch vụ, nâng cao chất lượng quản trị, sản phẩm… của ngân hàng, phục vụ nhu cầu ngày một lớn hơn của nền kinh tế. Có như vậy, hoạt động M&A mới thực sự hiệu quả và ý nghĩa.

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top