Aa

Mã Pì Lèng - Câu chuyện về lũ ống nước và “lũ ống người”!

Thứ Năm, 10/10/2019 - 06:30

Nếu như con số bà chủ tòa nhà 7 tầng trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng nói là đầu tư ngót chục tỷ đồng thì đây là con số đáng khâm phục ở một vùng quê heo hút. Số tiền ấy đã nuôi sống được biết bao gia đình...

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội cũng như trên một số trang báo chính thống, rồi lại có những chuyên gia tiếng tăm lên án việc xây ngôi nhà 7 tầng trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang).

Một công trình xây dựng trong "tứ đại đỉnh đèo" mà lại mang trên mình cái ác danh “4 chưa”: chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất (vẫn đang là đất trồng trọt); dự án đầu tư chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư; công trình chưa được cấp phép xây dựng; công trình chưa có văn bản thỏa thuận đồng ý của Bộ chủ quản. Cứ theo pháp lý mà nói, để tồn tại thật quá khó khăn. Dư luận đã phân tích nhiều, người thì đòi phá bỏ, người lại muốn rộng lòng với những vùng xa xôi, nghèo khó.

Ở bài viết này, tôi chỉ xin nêu lên một liên tưởng giữa sự tàn phá của “lũ ống nước” và “lũ ống người”.

Tại sao lại có “lũ ống nước”?

Khi giải thích vì sao ở các tỉnh vùng cao hiện nay, tình trạng lũ ống, lũ quét xảy ra với tần suất ngày càng nhiều và cường độ ngày càng lớn, các chuyên gia đều thống nhất nhận định một nguyên nhân quan trọng, đó là nạn phá rừng không được kiểm soát.

Tác dụng của rừng rất đa dạng, mà một trong đó là giúp điều tiết lượng nước, phòng chống thiên tai lũ lụt, xói mòn và sạt lở đất. Theo các nhà nghiên cứu, tỷ lệ lượng nước mưa bị ngăn giữ lại trên lá cây khoảng 11,4 - 34,3%, nước chảy men thân trên thân cây từ 1 - 3% so với tổng lượng mưa. Số còn lại, chúng tự thấm qua lớp thảm thực vật rơi rụng che phủ, kéo dài việc hình thành phát sinh dòng chảy.

Tóm lại, rừng là một “công cụ thiên nhiên” khổng lồ, điều tiết hiệu quả dòng nước từ trên cao xuống vùng thấp. Công cụ này càng lớn thì nạn lũ ống, lũ quét càng được hạn chế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Rồi tôi nhiều khi đặt câu hỏi, vì sao hiện nay, những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM lúc nào cũng đông nghẹt những người là người, làm ách tắc giao thông, làm quá tải hạ tầng kỹ thuật, làm ô nhiễm môi trường, làm quy hoạch bị băm nát...?

Lý do cũng thật đơn giản, vì những vùng xa xôi kia quá nghèo. Vì những nơi ấy thiếu việc làm, thiếu các nhà đầu tư. Vì nơi ấy có rất nhiều nguồn lực nhưng chưa được khai thác... Hậu quả của nó là những đoàn người thiếu công ăn việc làm kia, theo bản năng sinh tồn của mình, tựa như nước chảy chỗ trũng, sẽ tràn xuống các đô thị một cách tự phát.

Như ví dụ nêu ở phần trên, nếu số người thất nghiệp ở các vùng nghèo khó tựa như lượng nước vùng cao, có sự điều tiết của rừng, chảy từ từ, có sự kiểm soát, việc thích ứng của các đô thị sẽ dễ được điều chỉnh, không bị “sốc” và không bị tàn phá. Nhưng hiện tại, dòng người tràn vào các đô thị có thể ví như từng đợt “lũ ống người”. Sự quá tải đã khiến cho nhiều nhà quản lý đô thị quốc gia lúng túng như gà mắc tóc.

Muốn khắc phục tình trạng quá tải hiện nay của các đô thị, một trong những biện pháp quan trọng là phải khai thác hiệu quả nguồn lực của các địa phương, tạo công ăn việc làm tại chỗ. Khi nhà đầu tư càng nhiều, việc làm càng nhiều tựa như diện tích rừng ngày càng rộng mở, sẽ giảm áp lực tàn phá đô thị của “lũ ống người”.

Với sự liên tưởng như thế, tôi hoàn toàn cảm thông và ghi nhận sự dũng cảm, sự nhanh nhạy của bà chủ tòa nhà 7 tầng kia trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng. Nếu như con số bà nói là đầu tư ngót chục tỷ đồng thì đây là con số đáng khâm phục ở một vùng quê heo hút. Số tiền ấy đã nuôi sống được biết bao gia đình đã có người tham gia xây dựng công trình, người sản xuất ra nguồn nguyên vật liệu, người trực tiếp lao động dịch vụ hằng ngày tại tòa nhà...

Để khắc phục tình trạng quá tải của các đô thị hiện nay, một trong những biện pháp quan trọng là khai thác hiệu quả nguồn lực địa phương, tạo công ăn việc làm tại chỗ. Ảnh: Internet

Mặt khác, nó còn hấp dẫn ngày càng nhiều khách đến du lịch lên Hà Giang, sử dụng các dịch vụ tại đây, mua sản vật địa phương, kích thích tạo ngày càng nhiều việc làm cho vùng núi xa xôi này. Đó chẳng phải là điều tốt lành sao?

Khi đọc tất cả các văn bản pháp lý thì thấy rằng, lỗi lớn nhất của chủ đầu tư xây dựng tòa nhà này là hiểu biết hạn hẹp. Bà cũng đã “chạy” nhiều cửa, hỏi cho ra nhẽ nhưng không ai giúp bà cho đến nơi đến chốn. Bởi lẽ rất đơn giản, vùng đất này từ trước đến nay chưa được các nhà quy hoạch của địa phương để mắt đến.

Chỉ từ tháng 2/2018, trong báo cáo khảo sát của GS. Guy Martyni –-Tổng thư ký Ban điều phối Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO, chuyên gia GGN – đã khuyến nghị tỉnh Hà Giang cần xây dựng điểm dừng chân phục vụ du khách tại khu vực Mã Pì Lèng (khu vực nhà nghỉ đã được xây dựng nêu trên).

Sau đó, UBND tỉnh đã tổ chức 2 đoàn đi kiểm tra và ban hành văn bản số 55/TB-UBND ngày 14/3/2018; văn bản số 141/TB-UBND ngày 8/6/2018 chỉ đạo, giao cho huyện Mèo Vạc triển khai thực hiện. Yêu cầu hoàn thành trước tháng 7/2018 để phục vụ cho kỳ tái đánh giá công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 2 vào tháng 9/2018.

Tỉnh chỉ đạo “chay” cho một huyện nghèo như Mèo Vạc như thế, nếu là bạn đang đọc đến dòng này, bạn sẽ thực hiện như thế nào?

Và việc gì tất yếu xảy ra thì ắt sẽ xảy ra như nhiều người đã biết.

Tôi cho rằng, nếu tư duy rộng lòng hơn, được sự giúp sức của các kiến trúc sư giỏi giang, được các nhà quy hoạch có tầm nhìn xa để mắt đến, lại có thêm các nhà đầu tư tâm huyết, hy vọng đây sẽ là điểm dừng chân tuyệt vời cho du khách trong và ngoài nước.

Khi ấy, Mã Pì Lèng không còn đơn điệu là một ngôi nhà tựa như “chiếc răng sâu” trong muôn trùng sơn thủy hùng vĩ như ai đó đã ví von, mà sẽ trở thành một “chiếc răng khểnh”, một quần thể kiến trúc độc đáo lớn vừa đủ để hài hòa với cảnh quan thiên nhiên tại nơi này.

Và trở lại sự liên tưởng nêu trên, điểm dừng chân Mã Pì Lèng chính là “một cánh rừng” do con người tạo ra để tham gia điều tiết “lũ ống người” đang ngày càng dữ dội trong hoàn cảnh hiện nay.

Trả lời Tuổi Trẻ chiều 8/10, ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc - cho biết công trình tới nay vẫn hoạt động bình thường trong khi đợi chỉ đạo của tỉnh. Về dư luận phản đối công trình xây dựng này, ông Cường thừa nhận "chúng tôi đã nóng vội" và mong dư luận... thông cảm cho tâm lý nóng vội muốn thúc đẩy kinh tế, du lịch tại địa phương của cán bộ huyện. "Dư luận nói thì cũng đúng thôi, nhưng chúng tôi cũng mong muốn mọi người ủng hộ một huyện nghèo như Mèo Vạc".


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top