Aa

Mách bạn cách cúng rằm tháng Giêng 2024 để may mắn cả năm

Thứ Năm, 22/02/2024 - 10:04

Rằm tháng Giêng năm nay vào ngày thứ 3 (15/1) âm lịch. Theo quan niệm, việc cúng Rằm vào ngày 14,15 âm lịch đều hợp lý. Điều quan trọng nhất khi cúng rằm tháng Giêng là người cúng thành tâm, có lòng lòng thành.

Chọn cúng rằm tháng Giêng 2024 vào giờ đẹp

Tết Nguyên tiêu diễn ra vào ngày 15/1 Âm lịch hàng năm. Ngày rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn rơi vào thứ Bảy, ngày 24/2/2024 Dương lịch. 

Vào ngày này, mọi người thường chuẩn bị lễ cúng rằm tháng Giêng để giải hạn, cầu mong gia đình cả năm bình an, mạnh khỏe. Đây là ngày thích hợp để đính hôn, cúng tế, tắm gội, cầu con hay nhận con nuôi, nhập học, chữa bệnh, đào giếng, xây đắp ao hồ, mua gia súc,…

Tùy theo điều kiện gia đình, công việc mà có thể cúng Rằm sớm hơn. Gia đình bận rộn, không sắp xếp được công việc để cúng vào chính ngọ ngày 15/1 âm lịch thì có thể cúng trước đó 1 ngày, tức 14 tháng Giêng. Thời gian cúng có thể là từ sáng sớm ngày 14/1 đến trước 19h ngày 15.

Theo các chuyên gia Phong thủy, năm Giáp Thìn 2024, gia chủ có thể cúng ngày rằm tháng Giêng vào các giờ đẹp sau:

Nếu cúng rằm tháng Giêng ngày 14/1 Âm lịch, có thể chủ chọn các giờ tốt như:

Giờ Thìn (7h – 9h)

Giờ Ngọ (11h – 13h)

Giờ Mùi (13h – 15h)

Nếu cúng rằm tháng Giêng vào đúng ngày rằm 15/1 Âm lịch, các khung giờ tốt gồm:

Giờ Thìn (7h – 9h)

Giờ Tỵ (9h – 11h)

Giờ Thân (15h – 17h)

Giờ Dậu (17h – 19h)

Cúng rằm tháng Giêng

Một số lưu ý với mâm cúng rằm tháng Giêng 2024

Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng không khác nhiều so với mâm cỗ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, cúng rằm tháng Giêng cũng không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy. Ngày rằm tháng Giêng, mọi người thường làm mâm cỗ mặn cúng gia tiên và mâm cỗ chay để cúng thần linh.

Tùy vào phong tục từng nơi cũng như điều kiện kinh tế, điều kiện thời gian của từng gia đình mà mâm lễ mỗi nhà mỗi khác, tuy nhiên đều thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn đối với ông bà, tổ tiên và tấm lòng thành kính, tri ân Phật, thánh.

Thông thường, lễ cúng thường được chuẩn bị gồm cả mâm cỗ mặn và mâm cỗ chay. Cụ thể, mâm cỗ mặn thường có 4 bát, 6 đĩa như gà trống luộc, canh măng, xào thập cẩm, nem, giò, xôi... và các vật phẩm khác như: Hương hoa vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu.

Đối với mâm cỗ chay thường có chè, xôi, hoa quả và đặc biệt là bánh trôi nước. Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy.

Những điều kiêng kỵ trong ngày cúng rằm tháng Giêng tránh hao hụt tài lộc, tổn hại phước báu

Một số điều không nên làm trong ngày rằm tháng Giêng gia chủ nên lưu ý để có được may mắn cả năm:

Không dùng đồ chay giả mặn 

Rằm tháng Giêng tùy theo quan niệm có thể cúng chay hoặc mặn nhưng khi cúng chay tuyệt đối không nên chọn đồ chay giả mặn như giò chả chay, tôm chay, chân gà chay, thịt chay... Để làm cỗ chay thì nên nấu thuần chay từ những nguyên liệu chay thông thường, không mua món giả chay vì sẽ không mang tính tôn nghiêm mà mang tính giả tạo.

Không đốt nhiều vàng mã

Lễ rằm tháng Giêng là để mong cầu một năm mới an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng nên gia chủ cần dâng lòng thành kính chứ không nên đốt vàng mã gây lãng phí và mê tín. Đặc biệt, nếu là Phật tử, bạn nên nhớ đạo Phật không cổ xúy việc đốt vàng mã, vừa phí phạm lại vừa ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ cháy nổ.

Không dùng hoa giả, trái cây giả

Hoa giả trái cây giả không nên dâng cúng vì chúng mang ý nghĩa giả tạo. Hơn nữa những vật giả này chỉ để trang trí không nên thành cúng phẩm. Khi dùng trang trí chúng hay hút bụi nên làm bẩn không gian thờ. Việc dâng cúng đồ giả là phạm kỵ bất kính.

Không xê dịch bát hương

Vào ngày rằm tháng Giêng, một số gia đình lau dọn bàn thờ để đảm bảo thanh sạch. Nhưng trong phong thủy thì việc lau dọn ban thờ cần lưu ý không được xê dịch bát hương để tránh làm rối loạn trường khí, ảnh hưởng sự yên nghỉ của tổ tiên. Trước khi lau dọn, nên thắp một nén nhang khấn xin Thần linh, Thổ địa, tổ tiên được lau dọn ban thờ để chuẩn bị lễ cúng rằm tháng Giêng.

Một số lưu ý khác khi cúng rằm tháng Giêng

1. Kiêng đến những nơi âm khí nặng chẳng hạn như mồ mả, bệnh viện hoặc nơi hoang vắng,…

2. Kiêng quan hệ nam nữ. Người dân tin rằng trong những ngày mùng 1 hay rằm thường có quan niệm kêng khem. Theo đó, tránh nam nữ gần gũi nhau để tránh những điều không may mắn hay đại hạn xảy đến.

3. Kiêng để trẻ con khóc. Nếu cha mẹ để con cái khóc nhiều có thể sẽ khiến gia đình gặp xui xẻo

4. Tuyệt đối tránh làm hư hỏng, đổ vỡ đồ đạc trong nhà có thể gây hao tổn tài lộc.

5. Tuyệt đối không nên sát sinh trong ngày cúng rằm tháng Giêng. Điều này giúp tránh tài vận suy giảm, trong năm mới gặp tai nạn, bệnh tật.

6. Không nên mang theo nhiều tiền bạc cũng như đồ vật có giá trị. Vào ngày này nếu mất mát tài sản thì tài vận cả năm của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng.

7. Kiêng mặc đồ trắng, đen. Bởi theo quan niệm dân gian thì hai màu này mang ý nghĩa tang tóc, liên quan đến cái chết. Nếu mặc hai màu này vào ngày cúng rằm tháng Giêng thì việc nào làm cũng khó khăn.

8. Không nói bậy, chửi tục vào ngày này để tránh thị phi. Hãy thật cẩn trọng trong ăn nói. Không bôi nhọ hoặc xúc phạm người khác, giữ bình tĩnh tránh vướng vào các chuyện thị phi.

9. Không nên chải tóc hay soi gương nửa đêm trong ngày Tết Nguyên Tiêu. Bởi lẽ, ông cha ta cho rằng nửa đêm là thời gian giao hòa giữa đêm và ngày. Khi đó các cô hồn sẽ đi tìm chỗ ở. Nếu chải tóc mà sợi tóc rụng ra đồng nghĩa với việc dương khí toát ra trong tóc, âm khí tăng lên, cô hồn sẽ lợi dụng điều đó để xâm nhập.

Nên làm gì trong ngày rằm tháng Giêng?

Phóng sinh

Phóng sinh là việc được nhiều người thực hiện trong ngày rằm tháng Giêng, thể hiện lòng nhân ái, tôn trọng sự sống của muôn loài. Khi phóng sinh, bạn nên chọn nơi vắng vẻ, không có hoạt động săn bắt để các sinh vật có thể sống thoải mái với môi trường tự nhiên.

Đi lễ chùa

Vào ngày rằm tháng Giêng, nhiều người lên chùa dâng hương để cầu bình an, may mắn trong năm mới. Có người còn tham dự các pháp đàn cầu an từ trước rằm cả tuần. Khi đến chùa làm lễ, mọi người cần tuân thủ các nguyên tắc về trang phục, hành xử như quần áo gọn gàng, kín đáo, đi nhẹ, nói khẽ.

Làm việc thiện

Điều quan trọng nhất khi làm việc thiện là lòng thành. Gia chủ có thể quyên góp tiền, đồ dùng hoặc góp thời gian để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top