Mai này còn gì nơi ấy...

Mai này còn gì nơi ấy...

Thứ Bảy, 01/02/2025 - 06:00

Trước năm 1975, thành phố Sài Gòn không lớn như bây giờ, khi ấy nó chỉ chừng 670km2, sau này mới nhập thêm Gia Định, Củ Chi và Cần Giờ vào để thành đại đô thị 2.100km2. Cho đến năm 1980, 5 huyện ngoại thành vẫn còn thuần nông, các làng nông nghiệp tuy có phần thô mộc nhưng đẹp một cách kỳ lạ. Chúng tôi, những người lính vùng ven ở Hóc Môn, Thủ Đức, An Phú Đông sống được là nhờ vành đai xanh, chứ không phải là dưới lòng đất như ở Củ Chi. Lính biệt động, đặc công thường "chém vè" dưới tán dừa nước dày đặc, mỗi khi máy bay trực thăng HU 1A đi soi là thả mình xuống sông, kênh, mương, đắp bèo lên mặt là êm. Tôi từng là người lính hoạt động ở vùng ven nên biết ơn vành đai xanh, nếu ngày đó đất đai bị bê tông hóa trắng phớ như bây giờ thì lính ngụy đã "lượm" chúng tôi không sót một ai. Đã 50 năm sống ở vùng đất này, nên tôi chứng kiến biết bao sự biến đổi thăng trầm của thành phố. Có được thì phải có mất, phát triển thì phải đánh đổi…; nhưng sao cái chuyện mất vành đai xanh, mất luôn cả tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) thì thấy chua xót làm sao.

Sau năm 1986, cả nước bước vào thời kỳ Đổi mới, mở cửa hội nhập. Khắp nơi sục sôi với đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thế là cuộc đua khốc liệt bắt đầu, mục tiêu là phải đạt hơn 60% đô thị hóa vào năm 2020. Các đô thị mới mọc lên khắp nơi, các thành phố nhỏ ráng gồng lên nâng cấp thành phố lớn, loại 5 lên loại 4, loại 3, loại 2, loại 1; còn các thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng thì nở ra, đẩy tam nông lùi ra xa, và dần triệt tiêu màu xanh, mặt nước, nhường cho bê tông hóa, cứ đường lộ tới đâu thì nhà ống mọc tới đó.

Sau năm 1986, cả nước bước vào thời kỳ Đổi mới, mở cửa hội nhập. Khắp nơi sục sôi với đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. (Ảnh minh hoạ)

Sau năm 1986, cả nước bước vào thời kỳ Đổi mới, mở cửa hội nhập. Khắp nơi sục sôi với đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. (Ảnh minh hoạ)

Trong khi đó, chính vành đai xanh, vành đai nông nghiệp lại là lớp bảo vệ quan trọng, như lớp da, lớp mỡ bao bọc, bảo vệ cơ thể đô thị. Người ta thường nói đô thị là một cơ thể sống không phải là nói cho văn vẻ, mà thực tế là như thế. Trong cái cơ thể sống đó thì giao thông là "huyết mạch"; cây xanh là "lá phổi"; hệ thống thông tin liên lạc là "bộ não"; công trình xây dựng là "phần xương cốt"; di tích lịch sử, tâm linh, quan hệ cộng đồng là "hồn vía", còn vành đai nông nghiệp ngoại thành được coi là "da, mỡ" bao bọc cơ thể đô thị. Quan trọng thế làm sao mà xóa được.

Việc giữ lại nông thôn trong đô thị không đơn giản chỉ là giữ lại cho một cấu trúc không bị bóc mất phần ngoài cùng, mà còn là giữ lại một vùng văn hóa bản địa. Cái lõi của TP.HCM hiện nay như Quận 1, 3, 5 hay ở Thủ đô Hà Nội như Ba Đình, Hoàn Kiếm cũng thế, là nơi mang đậm dấu ấn phương Tây và đa dạng văn hóa quốc tế, còn vùng ngoại thành chính là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống bản địa. Khách nước ngoài đến thành phố này không phải để ngắm nhà cao tầng, đường cao tốc hay quảng trường, bởi ở xứ họ những thứ đó còn to hơn, cao hơn, hoành tráng hơn; mà cái họ bỏ tiền ra để đi ngắm nghía, săm soi chính là bản sắc của mỗi vùng đất. Nếu vùng văn hóa Nam Bộ ở ngoại thành còn giữ được thì khách du lịch nước ngoài, người dân Việt còn nhìn thấy bóng dáng "18 thôn vườn trầu", cách trồng rau theo liếp, theo giồng bao quanh là kênh nước; còn được nghe đờn ca tài tử ở trong các nhà vườn chứ không phải ở Quảng trường Nguyễn Huệ; còn nhìn thấy đình, chùa, miếu mạo, công trình cộng đồng đậm kiến trúc nhiệt đới; còn được thấy những rừng cây nước lợ Cần Giờ và rừng tự nhiên ở Củ Chi.

Cách nay chừng 20 năm, khi các học giả nước ngoài đến làm việc ở TP.HCM ngỏ lời mong muốn đi thăm thú một nơi mang đặc trưng Nam Bộ, thì chắc chắn nơi đó là Hóc Môn. Thời ấy, Hóc Môn tràn ngập màu xanh của những vườn trầu, vườn cây ăn trái, vườn rau, những hàng cây cau, cây tầm vông thẳng tắp. Đây là nơi có nhiều nhà kiểu Nam Bộ nhất với hai loại là nhà chữ đinh và nhà vuông. Những nhà 3 gian 2 chái kiểu chữ đinh thường nằm trong không gian xanh được bao bọc bởi những hàng rào cây xanh cao ngang ngực, phía trước nhà là vườn trầu với những hàng cau cao vút; còn nhà vuông là nơi thờ vị Tiên Sư, người được coi là bậc tiên hiền bảo trợ cho từng ấp và nhà vuông cũng được coi là nhà cộng đồng.

Mai này còn gì nơi ấy...- Ảnh 2.
Mai này còn gì nơi ấy...- Ảnh 3.
Mai này còn gì nơi ấy...- Ảnh 4.

Hóc Môn cũng nổi danh là nơi có nhiều đình, chùa, miếu nhất Đông Nam Bộ. (Ảnh: UBND huyện Hóc Môn)

Hóc Môn cũng nổi danh là nơi có nhiều đình, chùa, miếu nhất Đông Nam Bộ. Các đình ở Hóc Môn có tuổi đời hơn trăm năm với thiết kế kiến trúc độc đáo là nơi thờ Thần Hoàng, như đình Tân Thới Nhất, đình Bình Lý, đình Tân Đông (xã Đông Thạnh), đình Mỹ Hòa (xã Tân Xuân), đình Xuân Thới Thượng, đình Hòa Bình (xã Xuân Thới Sơn).

Từ năm 1995, quá trình đô thị hóa nhanh đã làm cho vùng văn hóa Nam Bộ này bị biến dạng hoàn toàn. Hình ảnh đẹp, thơ mộng như thế nay không còn nữa. Thay vào đó là hình thái "làng không ra làng, phố không ra phố", nhà trong vườn đang đẹp như tranh bỗng chòi ra mặt đường lô nhô cao thấp, thụt ra thụt vào, xanh xanh đỏ đỏ phản cảm. Đường làng xưa vùng này chạy "quanh co, quanh co", dọc theo hai bên là những hàng cây tầm vông, cây cau, trầu không và nhà dân ẩn hiện thấp thoáng. Nay tất cả cứ được lột trần ra hớ hênh.

GS. Kubota, Hiệu trưởng Trường Đại học Yokohama, đồng thời là Chủ tịch Diễn đàn Phát triển bền vững các đô thị châu Á đã từng đi khảo sát các huyện ngoại thành của TP.HCM, ông tỏ ra tiếc cho việc chúng ta thiếu chủ động và kiểm soát trong tiến trình đô thị hóa nhanh và có phần nôn nóng. Ông sợ rằng các thành phố của Việt Nam sẽ vướng phải những sai lầm mà các nước đi trước mắc phải, và rồi có thể sẽ phải mất rất nhiều tiền của để khôi phục nó.

Từ năm 1990, các vùng đô thị của Nhật Bản như Tokyo, Osaka, Yokohama… đã tiến hành tái cấu trúc lại vành đai ngoại thành, phục hồi lại các làng nông nghiệp truyền thống bị mất trong quá trình đô thị hóa quá nhanh; Chính phủ Nhật Bản bỏ ra kinh phí cực lớn để khôi phục lại 500 làng nông nghiệp và khuyến khích các bạn trẻ đến sinh sống ở những ngôi làng này, kèm theo là số tiền mặt khoảng 8.000 USD cho mỗi gia đình trẻ. Tương tự như thế, Seoul, Hàn Quốc bắt đầu xây dựng chương trình quốc gia mang tên Saemaul Undong từ năm 1995, nhằm phục hồi vành đai nông nghiệp ngoại thành đã bị xóa sổ sau hơn 40 năm đô thị hóa nhanh; rất nhiều làng nông nghiệp, đặc biệt là các làng nghề như trồng và chế biến sâm, kim chi được đầu tư lớn.

Ở đây có một số câu hỏi đặt ra là: Tại sao các đại đô thị giàu có với hàng chục triệu dân như Tokyo, Osaka hay Seoul lại phải phục hồi vành đai nông nghiệp? TP.HCM đang có tam nông, vậy chúng ta có nên xóa nó để rồi một ngày nào đó lại phải khôi phục vừa mất công, vừa rất tốn kém? Liệu Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng có thể giữ được nông nghiệp trong cơn lốc đô thị hóa nhanh không? Mô hình hợp lý cho Hà Nội và TP.HCM là gì?

Tôi đã từng ngồi nghe một vị lãnh đạo, đồng thời cũng chính là người bấm nút cho mô hình "thành phố trong thành phố" xác quyết rằng phải xóa nông thôn, nông nghiệp vì hiệu quả kinh tế trên mỗi héc-ta mang lại thấp hơn đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Chưa hết, tinh thần này hiện nay được tiếp nối mạnh mẽ bằng những bản đề án Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn tiến thẳng lên trở thành các thành phố trong mô hình "thành phố trong thành phố" - một mô hình mà Philippines khởi xướng nhưng họ cũng đang muốn từ bỏ nó, bởi đó là mô hình liên kết kém và quản lý rất phiền phức, hiệu quả thấp.

5 huyện ngoại thành TP.HCM có thể trở thành vùng nông nghiệp trong xu thế 4.0 với nông nghiệp chất lượng cao, nông dân hiện đại và nông thôn mới. (Ảnh minh hoạ: Tạp chí Môi trường)

5 huyện ngoại thành TP.HCM có thể trở thành vùng nông nghiệp trong xu thế 4.0 với nông nghiệp chất lượng cao, nông dân hiện đại và nông thôn mới. (Ảnh minh hoạ: Tạp chí Môi trường)

Cách tính hiệu quả đất nông nghiệp theo kiểu đơn thuần số học như thế đã không còn hợp thời nữa, bởi trong cuộc cách mạng 4.0, người ta làm công nghiệp, dịch vụ đâu có cần nhiều đất. Hơn thế nữa, cần nhìn tam nông trong một quan điểm mới. Tam nông đô thị không phải là con trâu đi trước, cày sâu cuốc bẫm, bán mặt cho đất, mà là tam nông mới. Mô hình phát triển đô thị không phải chỉ có các đô thị nén; mô hình thành phố bây giờ cũng rất đa dạng, với không chỉ thành phố công nghiệp mà còn là thành phố nông nghiệp, dịch vụ, du lịch với các tên gọi như "thành phố làng", "thành phố xanh", "thành phố nghỉ dưỡng".

Vì thế, 5 huyện ngoại thành TP.HCM có thể trở thành vùng nông nghiệp trong xu thế 4.0 với nông nghiệp chất lượng cao, nông dân hiện đại và nông thôn mới. Tổ chức không gian ngoại thành được cấu trúc lại thành vùng du lịch sinh thái, những loại kiến trúc truyền thống Nam Bộ ở Hóc Môn cần được phục hồi và đưa vào làm du lịch homestay mà người nước ngoài rất thích thú, còn người dân sẽ là ông chủ, bà chủ của các homestay, farmstay, khách sạn mini miệt vườn.

Củ Chi dù có trở thành thành phố thì vẫn nên duy trì nông nghiệp, nhưng là nông nghiệp công nghệ cao, không thâm dụng đất. Củ Chi hoàn toàn có thể trở thành một điểm du lịch hấp dẫn với những nhà vườn xanh mát kiểu Nam Bộ; với những vườn cây trái trĩu quả, những homestay mang đậm tính chất làng quê; những làng nghề truyền thống như bánh tráng, đan lát; những ẩm thực đặc sản nổi tiếng như bò tơ, mắm chua; những nhóm đờn ca tài tử, những di tích chiến tranh, những khu vui chơi như safari, rừng sinh thái… Tất cả kết hợp lại sẽ làm cho Củ Chi trở nên cực kỳ hấp dẫn.

Đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách cần xác định dứt khoát rằng, hình thái tam nông có tiếp tục tồn tại và phát triển ở các đô thị lớn hay không? Nếu có thì cần phải có chính sách rõ ràng cho nó. Một điều rất đáng tiếc là trong Luật Đất đai sửa đổi mới được ban hành đầu năm 2024 không có dòng nào đề cập đến khái niệm "nông thôn - đô thị" hay "nông thôn trong đô thị", mặc dù có không ít chuyên gia kiến nghị về vấn đề này. Khái niệm "nông thôn - đô thị" cần được xác định chính danh trong các bộ luật và các văn bản dưới luật, sau đó là xác định nó tồn tại ở quy mô nào, tỷ lệ bao nhiêu, cơ cấu kinh tế ra sao? Lâu nay, "nông thôn trong đô thị" rất mù mờ, hiểu thế nào cũng được, khiến nó trở thành một thực thể khó định dạng và hệ quả là, nếu có áp dụng thì cũng mỗi nơi một kiểu, "rối như canh hẹ".

TP.HCM có 5 huyện ngoại thành, tuy nhiên có 2 huyện không còn nhiều đất nông nghiệp là Bình Chánh và Nhà Bè, 3 huyện còn lại là Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ có tỷ lệ đất nông nghiệp trên 50% và khoảng trên 40% dân số làm nông nghiệp. Theo niên giám thống kê của TP.HCM năm 2021, toàn thành phố còn 942.988 người làm nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 20,39% (trang 60). Đất đai, dân số như thế không phải là nhiều, nhưng nếu biết tổ chức, biết đầu tư thì chắc chắn lợi ích mang lại rất lớn, không chỉ đơn thuần kinh tế mà còn là những giá trị vô hình khác không đong đếm được về văn hóa, xã hội, phát triển cộng đồng.

Ai đó nói, đất đai ở Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn không tốt bằng Đà Lạt (Lâm Đồng), An Giang… nhưng nhìn ra bên ngoài mà xem, Dubai có nhiều đất đai đâu, chỉ có cát là cát mà họ vẫn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp một phần rau trái cho thành phố và giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu. Singapore cũng đang làm như vậy, nhất là sau dịch Covid-19, thế giới mới nhận ra nông nghiệp thực sự là "nền tảng", là "sân sau", là "cái đệm hơi" giúp cho quốc gia chống chịu được mọi sự biến động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế.

Việc giữ lại nông thôn mới trong lòng đô thị là giữ lại đất đai dự trữ cho con cháu mai sau, bởi nếu thế hệ bây giờ dùng hết thì thế hệ sau còn gì mà dùng nữa. Việc giữ lại nông thôn trong đô thị là tạo công ăn việc làm cho những người yêu nghề nông truyền thống, bởi đất đai thành khu công nghiệp hết cả thì người nông dân, nhất là thanh niên thích làm nông nghiệp biết trôi dạt về đâu.

"Nông thôn của đô thị" - một khái niệm cần được thừa nhận và làm rõ trong bối cảnh TP.HCM đang toan tính bỏ nó đi, còn Hà Nội mở rộng bao trùm cả một vùng nông thôn rộng lớn. Xin hãy cẩn trọng, xóa thì dễ, phục hồi mới khó, còn hậu quả của nó sẽ không mấy dễ chịu./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top