Aa

"Make in Vietnam" và thông điệp của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Thứ Năm, 09/05/2019 - 22:31

Không phải là “lỗi đánh máy”, không phải “cái gì đó sai sai”, "Make in Vietnam" đã trở thành một thông điệp, một tuyên bố tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam.

“Make in Vietnam sẽ là tuyên bố của chúng ta. Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là để Make in Vietnam”, lời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu sáng nay. Và theo ông, công nghệ chính là chìa khóa, là câu trả lời chung cho những "trăn trở ngàn năm” về tăng năng suất lao động, về phát triển nhanh và bền vững, về thoát bẫy thu nhập trung bình, để đưa Việt Nam thành một nước phát triển, sánh vai với cường quốc năm châu.

Có lẽ không thể không nhắc lại những “trăn trở ngàn năm” mà bản thân những con số, những chi tiết, những so sánh làm đau đầu các nhà quản lý.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam.

"10 người Việt Nam làm không bằng 1 người Singapore, 5 người Việt chưa bằng 1 người Malaysia, gần 3 người Việt Nam mới bằng 1 người Thái Lan, thậm chí năng suất lao động của chúng ta còn thấp hơn Lào", lời Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm tại Diễn đàn CEO 2018. Và nguyên nhân cơ bản là bởi “xuất phát điểm của nền kinh tế thấp”, là do “cơ cấu kinh tế lạc hậu”, là vì “tư liệu sản xuất gồm công nghệ, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu 70% lạc hậu”.

Cho dễ hiểu thì một người nông dân Việt dù khỏe mạnh, nhanh nhẹn, điêu luyện cách mấy cũng không thể hơn một nông dân Thái với con trâu trong tay hay một nông dân Singapore ra đồng với một chiếc máy cày.

Doanh nghiệp công nghệ với đặc thù sáng tạo, chính là người tạo ra chiếc máy cày, tạo ra tư liệu sản xuất tiên tiến. Và đúng, đó là chìa khóa của năng suất lao động.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Doanh nghiệp Công nghệ là chìa khóa của năng suất lao động (Nguồn: Internet)

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nói đến cái cốt lõi, ngõ hầu thay đổi những "trăn trở ngàn năm" này. Rằng “nếu chúng ta tiếp tục lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và thoát bẫy thu nhập trung bình”, rằng “ngoài việc sử dụng, tiêu dùng công nghệ của nhân loại, thì Việt Nam phải đóng góp cho nhân loại, đóng góp cho sự phát triển của công nghệ nhân loại”.

Câu chuyện, đúng ra là câu hỏi “iPhone hay Ai Lúa” thật ra đã được đặt ra nhiều năm trước với những con số rất phũ phàng.

Với giá lúa hồi đó 5.000 đồng/kg,  một người nông dân, nếu dành được 2 tạ lúa mỗi năm phải nhịn ăn nhịn mặc tiết kiệm 22 năm để mua được một chiếc iPhone 6s 16GB với giá 18.890.000 đồng.

Câu chuyện cũ, nhưng chưa bao giờ hết thời sự. Bởi giữa lúa và iphone vẫn là một khoảng cách giá trị vời vợi, và hơn cả thế, còn là câu chuyện công nghệ, còn là chất xám, thậm chí, là đường hướng kinh tế, phát triển.

Mục tiêu của Chính phủ không ít tham vọng với con số 100.000 doanh nghiệp công nghệ đến 2020 để đưa Việt Nam lọt top 30 cường quốc về công nghệ thông tin.

Có thể, sẽ có người hoài nghi với tham vọng ấy khi mà không ít các startup Việt Nam chọn nơi khởi nghiệp là... Singapore. Có thể, mơ ước “tạo ra những sản phẩm công nghiệp rẻ, tại chỗ, 'hóa rồng' về công nghệ” vẫn chỉ còn là những mục tiêu.

Nhưng rõ ràng “Make in Vietnam” là một hướng đi đúng. Bởi chính xác, đó là chìa khóa, là câu trả lời cho những "trăn trở ngàn năm". Bởi với thông điệp ấy, chúng ta đang rất hiểu những vấn đề của mình và đã có hướng cho một bài toán khó.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top