Aa

Ông Dũng Lò vôi và món quà bị “coi như ăn xin”

Thứ Năm, 25/04/2019 - 17:00

Hình như việc Đà Nẵng mất vị trí N1 trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh sau khi liên tục dẫn đầu từ năm 2013 - 2016 có lý do của nó.

Trong khi ngay cả Thủ tướng cũng sẵn sàng dành thời gian tiếp các chuyên gia môi trường Nhật Bản, cảm ơn, chắt chiu từng nghĩa cử làm sạch một đoạn sông Tô Lịch thì “mối lương duyên” giữa thành phố đáng sống Đà Nẵng và ông Dũng lò vôi chấm dứt nhạt nhẽo.

Hôm 14/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian để tiếp đoàn chuyên gia Nhật Bản về môi trường do tiến sĩ Tadashi Yamamura dẫn đầu. Một trong những nội dung của buổi tiếp là việc Nhật Bản sẽ tài trợ miễn phí thiết bị công nghệ bio-nano có tốc độ xử lý siêu nhanh thí điểm xử lý ô nhiễm một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây với lời hứa “Chỉ sau ba ngày, mùi ô nhiễm sông Tô Lịch sẽ giảm nhiều”.

Hôm ấy, Thủ tướng đánh giá đề xuất của nhóm chuyên gia Nhật Bản là “ý tưởng tốt, rất thiết thực với Việt Nam"; đồng thời đánh giá cao phía Nhật Bản đã vận động kinh phí thực hiện việc này bằng nguồn vốn xã hội hoá.

Trong khi đó, hôm qua, thành phố đáng sống Đà Nẵng đã có thông tin chính thức việc ông Dũng lò vôi muốn tặng dự án làm sạch hồ Vĩnh Trung và Thạc Gián, rằng “Địa phương đề nghị ông Dũng xử lý ô nhiễm hồ Bàu Trảng trước... Tuy nhiên, ông Dũng không đồng ý và hai bên đã không tìm được tiếng nói chung”.

“Không tìm được tiếng nói chung” là sao? Có nghĩa là the end, là chấm hết, là thôi, không có tài trợ miễn phí, không có tấm lòng, hết luôn mọi khát khao nhiệt tình.

“Không tìm được tiếng nói chung” có nghĩa là việc những cái hồ ô nhiễm này “có thể tạo cảnh quan, thả cá Koi” sẽ là câu chuyện của tương lai không biết đến bao giờ.

Theo ông Dũng, khi nuôi được vi sinh tại hồ Vĩnh Trung thì giải quyết được cả hồ Thạc Gián và 29-3 vì nó là một chuỗi. Ông Dũng muốn thực hiện công việc này rồi tặng lại công nghệ cho TP để công ty quản lý sau này sẽ tiếp quản, đem vi sinh này đi xử lý ở các hồ khác trong nội thành. Nguồn ảnh: Pháp luật TP.HCM

Theo ông Dũng, khi nuôi được vi sinh tại hồ Vĩnh Trung thì giải quyết được cả hồ Thạc Gián và 29-3 vì nó là một chuỗi. Ông Dũng muốn thực hiện công việc này rồi tặng lại công nghệ cho TP để công ty quản lý sau này sẽ tiếp quản, đem vi sinh này đi xử lý ở các hồ khác trong nội thành. Nguồn ảnh: Pháp luật TP.HCM

Đặt hai câu chuyện cạnh nhau, đặt sông Tô Lịch bên hồ Thạc Gián, Vĩnh Trung có lẽ, tự bạn đọc có thể nhìn thấy rất nhiều mất mát.

Mất mát không ở bao nhiêu ngàn tỷ giá trị dự án mà ông Dũng Lò vôi muốn hiến tặng.

Mất mát ở nhiệt huyết bị dội nước lạnh khi cả một “món quà” cũng bị làm khó, bị “coi như ăn xin”- từ của ông Dũng.

Mất mát ở lòng tin với những câu hỏi tại sao cắc cớ đối với một dự án “tặng chứ không phải kinh doanh”, là “không phải đi bán”.

Mất mát ở cái logic thông thường: Nếu là một dự án hoàn toàn thiện nguyện, dâng hiến chứ không phải đi xin, mà còn bị đối xử nhạt nhẽo đến như thế thì liệu những dự án khác sẽ thế nào?

Đà Nẵng có tới 30 hồ nước thuộc vào diện ô nhiễm và nó sẽ còn tiếp tục ô nhiễm khi mà những món quà tưởng cầm trên tay lại để tuột mất - một cách nhạt nhẽo. Và rút cục cũng chẳng có ai chịu trách nhiệm, thậm chí một lời xin lỗi, với ông Dũng, với người dân Đà Nẵng cũng không.

Hình như việc Đà Nẵng mất vị trí N1 trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh sau khi liên tục dẫn đầu từ năm 2013 - 2016 có lý do của nó.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top