Lần đầu tiên tôi biết đến “oải hương” tới nay dễ cũng đã nửa thế kỷ, ấy là qua văn chương. Hồi ấy sách văn học nước ngoài xuất bản ở mình ít lắm, chủ yếu là của Liên Xô, một ít của Pháp (nhưng rất hiếm), còn sách Trung Quốc phần lớn là những tiểu thuyết lịch sử, tác phẩm kinh điển và một ít thời cách mạng, như “Rừng thẳm tuyết dày” chẳng hạn. Ngày ấy đọc sách nước ngoài, bên cạnh việc nắm nội dung (đương nhiên), tôi rất hay để ý đến các loài cây cỏ đặc trưng của xứ lạnh. Những tên cây nghe lạ lẫm, nhưng lại rất gợi cảm như linh sam, vân sam, cây sồi, cây phong, bạch dương… Đặc biệt, có hai loài hoa hút hồn tôi là tử đinh hương và nhất là oải hương.
Bây giờ, chỉ cần vào mạng gõ từ “oải hương” là ta có thể biết được thông tin đầy đủ về loài hoa này và cả hình ảnh của nó. Theo đó, oải hương tên tiếng anh là Lavender, tên khoa học là Lavandula angustifolia, được biết đến cách đây hàng nghìn năm từ thời Hy Lạp cổ, có xuất xứ từ vùng Địa Trung Hải, được người La Mã gieo trồng khắp các nơi ở châu Âu. Ngày nay hoa Lavender có mặt ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nhưng nổi tiếng nhất là những cách đồng oải hương ở Pháp và Anh. Hoa Lavender còn được gọi là herb of love (thảo dược tình yêu), tượng trưng cho tình yêu chung thủy sắt son, dù trải qua bao khó khăn, gian khổ vẫn ở bên nhau.
Người ta tính được trên thế giới hiện nay có khoảng 47 loại hoa oải hương khác nhau, nhưng phổ biến và được trồng rộng rãi nhất có 3 loại là: True lavender, Spike Lavender và Lavendin. Về đại thể, oải hương là cây thân thảo mềm, nhỏ nhắn, màu xanh đậm, bao quanh thân cây được phủ bởi một lớp lông tơ khá mềm mại, vỏ cây dẹt tạo thành nhiều góc cạnh. Cây thường mọc thành búi, khóm cao từ 40 – 100cm, khi ra hoa thì các cuống hoa thường chĩa thẳng lên trời. Lá cây nhỏ, màu xanh đậm, dài khoảng 2 – 6cm, rộng 4 – 6mm, mọc đối xứng nhau và chia tách thành nhiều nhánh, trên mặt lá có lớp lông mềm mịn. Hoa mọc trên cùng một cuống khá dài khoảng 50 – 60cm màu xám trắng. Những bông hoa được đính liên tục thành những vòng tròn quanh cuống hoa, tạo thành các tầng hoa trên cuống. Hoa có màu tím ngát và mùi hương của chúng vừa dịu dàng quyến rũ vừa sang trọng đủ làm mê đắm lòng người. Từng bông hoa đơn gần giống hình loa kèn, khi già thành quả có sọc khía xếp thành vòng khiến tôi lại liên tưởng đến chùm trứng cà cuống nơi miền nhiệt đới…
Oải hương có rất nhiều công dụng. Vì có tác dụng bổ thần kinh nên oải hương thường được dùng làm trà chữa trị bệnh đau đầu, suy nhược, cảm nắng. Người ta thường kết những cụm hoa oải hương treo lên và phơi khô, khi hoa đã hoàn toàn khô thì có thể sử dụng được lâu dài. Lá cũng có thể làm tương tự như thế nhưng nó không thơm bằng hoa.Nhưng thường thì người ta chiết xuất lấy tinh dầu; và từ tinh dầu sản xuất ra nhiều loại mỹ phẩm khác.
Ấy là bây giờ thế giới phẳng, chỉ cần gõ từ “oải hương” lên trang tìm kiếm là có thể… biết tuốt, còn thực tình khi ấy tôi cũng không thể hình dung ra hoa oải hương như thế nào. Không “biết mặt”, nhưng cái tên thì lại rất có hồn, vừa gợi nên hương thơm chắc phải là kỳ diệu lắm, lại vừa có sự mộc mạc, dung dị của mùi đất ải ngoài cánh đồng thôn dã. Ngày ấy không có mạng, không có internet như bây giờ để vào hỏi ông Google một cái là ra ngay, nên tôi chỉ có thể hình dung ra mùi hoa oải hương qua các nhân vật trong tác phẩm văn học, kiểu đại loại như “nàng đi lang thang trên cánh đồng trong màn đêm thấm đẫm mùi oải hương”, hay “nàng chạy như cơn gió cuốn theo cả mùi oải hương tràn ngập căn phòng”…
Và, cái mùi oải hương vừa xa lạ, vừa gần gũi cứ ám ảnh tôi từ đó… Để rồi, trong chuyến du lịch một vòng quanh châu Âu ngay trước khi đại dịch bùng phát, tôi háo hức đón chờ chuyến đi đến cánh đồng oải hương ở miền Nam nước Pháp hệt như đứa trẻ được xuyên không vào câu chuyện cổ tích đến xứ sở thần tiên.
Ngày hôm trước, chúng tôi đi thăm tòa nhà Liên Hiệp Quốc ở Geneve, Thụy Sỹ rồi về nghỉ tại một khách sạn ở một thị trấn nhỏ vùng Grenoble đúng vào Ngày Quốc khánh của Pháp các nhân viên đều được nghỉ nên khách phải tự dọn phòng. Nhưng sự háo hức trước chuyến đi đến cánh đồng oải hương khiến chúng tôi không hề bận tâm về điều đó.
Hôm sau, chúng tôi dậy sớm ăn sáng, xuất phát từ Grenoble để đến thung lũng oải hương. Người bạn đường chung thủy đồng thời là người cầm lái vĩ đại là hai anh bạn Ba Lan gắn bó trong suốt chuyến đi lái xe qua một chặng đường lớn rồi bắt vào con đường núi nhỏ, thoai thoải dốc. Xe cứ men theo sườn núi mà đi. Được chừng 150km thì cả xe bỗng ồ lên thích thú khi nhìn xuống thung lũng xen kẽ những vạt lúa mì vàng ươm là nhưng dải màu tím ngát: Oải hương!
Ở đây không có cánh đồng bát ngát chạy đến tận chân trời mà là những khoảng màu xen kẽ nhau, nó không tạo nên sự hũng vĩ, hoành tráng của thảo nguyên mênh mông, nhưng lại làm nên sự quyến rũ và càng tôn thêm sắc tím không thể trộn lẫn của những thửa ruộng oải hương trong thung lũng mộng mơ. Theo lịch trình của chuyến đi, xe không thể dừng lại nên tôi chỉ có thể tranh thủ chụp vội vàng để ghi lại cảnh tượng đẹp đến mê hồn này qua cửa kính xe…
Xe cứ miên man đưa đoàn chúng tôi qua miền oải hương tím ngát rồi đột ngột rẽ vào một con đường nhỏ và dừng lại. Mọi người ào xuống xe. Những mảnh ruộng trải dài trên triền dốc hoặc len lỏi giữa những triền đồi tím ngát một màu… oải hương. Xa xa là những ngôi nhà bình dị ẩn hiện trên triền núi. Địa điểm dừng chân là một thung lũng cách cảng Marseille bên bờ Địa Trung Hải 125km.
Hoa oải hương nhìn kỹ từng bông sẽ phát hiện từng vẻ đẹp riêng sau cái màu tím mỏng manh dịu dàng ấy, nhưng nó chỉ thực sự đẹp khi hòa quyện vào nhau trong từng luống hoa, từng vườn hoa và cả cánh đồng hoa.
Lần đầu tiên tôi được xem bằng mắt, bắt bằng tay một loài hoa ám ảnh suốt nửa thế kỷ. Chị em trong đoàn váy áo xênh xang ùa vào chụp ảnh. Lát sau có một đoàn khoảng 7 – 8 người, toàn là cao tuổi, lỉnh kỉnh máy ảnh đến đặt chân máy chắc là để sáng tác nghệ thuật.
Tôi thầm cảm ơn người dẫn đoàn đã chọn điểm đến này, dù không phải là cánh đồng hoa bát ngát nhưng chính từng mảnh ruộng oải hương nhỏ nhắn xinh xinh lại giúp mọi người có đủ sự tĩnh tâm mà cảm nhận hết vẻ đẹp bí ẩn và mùi hương khó có thể diễn tả bằng lời mà chỉ có thể thốt lên: Oải hương!
Để rồi bây giờ, giữa đại dịch Covid toàn cầu, ngồi ngắm lại cái màu hoa tím thủy chung ấy, vẫn ngỡ như phảng phất đâu đây cái mùi hương chỉ có thể tỏa ra từ loài hoa tím dịu dàng mà sang trọng ấy, và thấy lòng trở nên an yên.