Từ dấu ấn đầu tiên chinh phục thành công tấm “visa” vào Mỹ khi được cấp chứng nhận FDA và đưa sản phẩm sữa đặc trị Pedia Plus “lên kệ” các siêu thị ở Mỹ, đến việc hoàn tất ký kết hợp đồng cung cấp sữa đậu nành cho hệ thống siêu thị Walmart, NutiFood đã tiến thêm một bước lớn trên hành trình vươn ra thế giới.
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, NutiFood là doanh nghiệp nhiều hoạt động gây xôn xao thị trường. Ngoài mở rộng ngành hàng sang mảng cà phê, họ còn liên tục mở rộng “sân chơi” ra quốc tế.
Về cà phê, chỉ trong vòng 2 năm, họ đã có một hệ sinh thái sản phẩm khá toàn diện, từ cà phê hòa tan đến cà phê bột và cả cửa hàng để giới mộ điệu có thể đến trải nghiệm. Thậm chí, để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất, NutiFood còn đầu tư cả vào nông trường cà phê CADA (Phước An). Đầu năm 2020, NutiFood đã phối hợp với Đồng Tâm Group và Hoàng Anh Gia Lai ra mắt thương hiệu quán cà phê Ông Bầu, chính thức lấn sân ngành dịch vụ ăn uống.
Còn trong hành trình vươn mình ra thế giới, NutiFood có chiến lược khá linh hoạt cho từng thị trường khác nhau. Gần đây nhất, doanh nghiệp này chọn sữa đậu nành là sản phẩm đầu tiên để tấn công Trung Quốc thông qua hệ thống siêu thị Walmart, “gã khổng lồ” của ngành bán lẻ thế giới, khởi đầu cho chiến lược phân phối các sản phẩm khác nhau vào thị trường tỷ dân này trong tương lai.
Vào Walmart - giấc mơ lớn của doanh nghiệp Việt
Có mặt tại hệ thống Walmart là giấc mơ lớn với tất cả doanh nghiệp Việt trong đó có NutiFood. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp Việt có sản phẩm vào được hệ thống Walmart khá ít, có thể đếm trên đầu ngón tay như: cá tra của Cửu Long An Giang, trái cây sấy của Vinamit, may mặc Thuận Phương, da giày Đông Hưng, đồ gỗ Scansia Pacific,…
Một số công ty cho biết, kể cả việc đưa sản phẩm vào Walmart không mang lại nhiều lợi nhuận thì họ vẫn muốn làm bởi được đồng hành cùng Walmart, họ sẽ có cơ hội mở cánh cửa vào thị trường Mỹ và các thị trường khó tính khác. Dù khó khăn, nhưng đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp mài giũa và cải thiện năng lực cạnh tranh, cũng như xây dựng uy tín, thương hiệu cho các sản phẩm riêng.
Vào Walmart - giấc mơ lớn của doanh nghiệp Việt
Bà Loan, đại diện Công ty Cửu Long An Giang, chia sẻ: “Nhờ đưa sản phẩm cao cấp vào Walmart, chúng tôi xây dựng được thương hiệu riêng và có thêm nhiều bạn hàng mới”. Chủ tịch Scansia Pacific – Nguyễn Chiến Thắng cũng cho biết: “Muốn đi cùng với những tên tuổi lớn phải đạt được những tiêu chuẩn nhất định, khi sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của các thương hiệu toàn cầu, khả năng bị cạnh tranh sẽ giảm”.
Sở dĩ, ai cũng muốn nhưng hiếm doanh nghiệp Việt thành công vào Walmart, bởi họ không đáp ứng đủ tiêu chí mà tập đoàn bán lẻ này đề ra.
Ông Vince Tran, Trưởng phòng cấp cao Walmart tại Việt Nam, phân tích trên báo Đồng Nai: “Sản phẩm muốn vào được hệ thống Walmart phải đáp ứng được bốn tiêu chí lớn là chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp, giá cạnh tranh và số lượng lớn”.
Nói như vậy, sản phẩm sữa đậu nành của NutiFood đã đạt đủ 4 tiêu chuẩn đánh giá khắt khe Walmart mới thành công đến Trung Quốc. Ví dụ: về chất lượng, sữa đậu nành NutiFood có nguồn gốc từ tự nhiên nên rất thơm ngon và giàu dinh dưỡng, nguyên liệu là những hạt đậu nành được lựa chọn nghiêm ngặt; về công nghệ, sản phẩm dùng công nghệ hiện đại– trích ly 2 lần nhằm giữ trọn hàm lượng dinh dưỡng trong từng hạt đậu; bao bì thiết kế đẹp đúng thụ hiếu thẩm mỹ của người tiêu dùng; giá cả cạnh tranh.
Chiến lược “ra khơi” theo kiểu ‘tằm ăn rỗi’ của NutiFood
Chia sẻ với chúng tôi, đại diện của NutiFood cho rằng, mặc dù sản phẩm của doanh nghiệp này đã thâm nhập được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu, xong không vì thế mà Walmart bớt khắt khe trong quá trình đánh giá.
Theo đó, Walmart đã thuê một đơn vị đánh giá độc lập đến Việt Nam, khảo sát kỹ văn phòng và nhà máy của NutiFood để đánh giá theo 3 tiêu chí lớn: trách nhiệm xã hội, an ninh hàng hóa và an toàn thực phẩm.
Dù NutiFood chỉ cung cấp 1 sản phẩm là sữa đậu nành cho Walmart, song để đáp ứng tiêu chuẩn của nhà đánh giá, toàn bộ các đơn vị và hoạt động vận hành của NutiFood đều được đánh giá chi tiết. Không chỉ quan tâm đến chế độ đãi ngộ người lao động của NutiFood, bên đánh giá còn xem xét đến cả lao động các nhà thầu làm việc cho NutiFood, phỏng vấn từ nhân sự cao cấp đến những cấp bậc nhỏ hơn như: tạp vụ, bảo vệ, bốc xếp…
“Có thể nói, cứ sau mỗi hợp đồng xuất khẩu ra nước ngoài, chất lượng và tiêu chuẩn các nhà máy sản xuất của NutiFood được nâng lên một tầm mới. Đó là một trong những cơ sở quan trọng để chúng tôi luôn cải tiến, tạo nền tảng vững chắc để các sản phẩm chất lượng của NutiFood đến được nhiều thị trường khó và tiềm năng trên khắp thế giới.
Việc NutiFood chấp nhận thay đổi và thách thức, ngoài phát triển bản thân, chúng tôi còn muốn góp phần nâng tầm chất lượng sản phẩm Việt, nâng cao uy tín thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế”, bác sĩ Trần Thị Lệ, Tổng Giám đốc NutiFood chia sẻ.
Điểm lại những lần xuất ngoại của doanh nghiệp này, chúng ta có thể thấy NutiFood đang thực hiện chiến lược chinh phục thế giới theo kiểu ‘tằm ăn rỗi’. Doanh nghiệp này không ăn ‘miếng bánh’ lớn một lần mà tấn công từng thị trường một cách từ từ và thận trọng. Tùy theo nhu cầu và đặc thù riêng từng thị trường, cộng với cơ duyên khác nhau, họ bán những hàng hóa phù hợp theo các kênh phân phối khác nhau.
NutiFood đã bán sữa đặc trị Pedia Plus và sữa chua cho thị trường Mỹ thông qua nhà cung cấp Delori, có mặt châu Âu bằng cách hợp tác với Tập đoàn Backahill xây dựng nhà máy sữa tại Thụy Điển, bán sữa đậu nành cho thị trường Trung Quốc thông qua hệ thống 450 siêu thị Walmart.
Với những gì đã diễn ra, chúng ta có thể thấy không chỉ cạnh tranh sòng phẳng trên sân nhà, NutiFoood còn tham vọng mở rộng ra thị trường thế giới với ngành thực phẩm nói chung và sữa nói riêng.