Aa

Mạnh dạn bán nhà đi ở thuê, liều mình đầu tư đất

Thứ Tư, 11/05/2022 - 06:15

Thay vì an cư rồi mới lập nghiệp, nhiều người sẵn sàng bán nhà đi ở trọ để lấy nguồn vốn đầu tư bất động sản với hy vọng sẽ kiếm lời nhanh chóng, đổi đời nhờ đất đai.

Lợi nhuận lớn nhưng cũng đầy rủi ro

Hai vợ chồng chị Lan ở quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội đều làm nhân viên văn phòng với tổng mức thu nhập 30 triệu đồng/tháng. Chị Lan cho biết, sau cưới vợ chồng chị được gia đình cho một căn chung cư rộng 80m2 nên không phải lo lắng nhiều về chỗ ở, vợ chồng chỉ cần tập trung làm ăn. 

“Với thu nhập 30 triệu đồng/tháng, tuy nhà cửa đã có nhưng khi thêm con cái vào nữa làm chi phí phải độn thêm rất nhiều. Mức lương trên của gia đình tôi chỉ đủ ăn tiêu, chứ làm mãi đi chăng nữa cũng không để ra được đồng tiền nào dự trữ cho tương lai”, chị Lan kể.

Năm 2019, chị được người bạn rủ chung vốn mua một mảnh đất dịch vụ để sinh lời với giá hơn 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, vợ chồng chị dồn hết tiền cưới với tiền tiết kiệm mới chỉ được 400 triệu đồng, góp tiền mua chung với bạn. May mắn, sau 3 tháng mảnh đất đó bán được 1,8 tỷ, chị được bạn chia cho lãi 100 triệu đồng.

Nhìn thấy lợi nhuận từ việc kinh doanh bất động sản, ngay lập tức, vợ chồng chị đã bàn với nhau bán căn hộ đang sinh sống để lấy vốn đầu tư đất, cả nhà sẽ đi thuê một căn hộ khác để ở. 

bất động sản
Nhiều gia đình chấp nhận cảnh đi thuê trọ để lấy nguồn vốn đầu tư bất động sản. (Ảnh minh họa)

“Không chỉ có nhà tôi, mà xung quanh tôi rất nhiều bạn bè đều đang đi thuê căn hộ khác để ở, lấy tiền đầu tư bất động sản, chứng khoán. Bởi các căn hộ giờ cho thuê nhiều mà còn đầy đủ tiện nghi trên dưới 10 triệu đồng/tháng nên không phải lo về chất lượng ở. Thay vì để vốn chết, số tiền từ bán căn hộ dồn vào đầu tư bất động sản, nếu thắng lớn có thể mua được vài căn như thế, chứ đợi tiết kiệm từ vài đồng lương thì biết bao giờ mới mua được nhà cho con cái mình sau này”, chị Lan tâm sự.

Gia đình chị Lan dồn hơn nửa số tiền bán nhà đầu tư đất vùng ven ở ngoại ô Hà Nội, năm 2020, nhờ trúng đợt sốt đất tại Hòa Lạc đã giúp gia đình chị lời tới gần 2 tỷ đồng. Từ đó cho đến nay, gia đình chị vẫn tiếp tục đi ở thuê để dồn tiền đầu tư vào bất động sản. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như gia đình chị Lan, tương tự, gia đình anh Mạnh (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) cũng đang đi thuê trọ. “Năm ngoái, gia đình tôi bán nhà được 1,5 tỷ đồng, vay thêm ngân hàng 1 tỷ đồng để mua hai mảnh đất dịch vụ. Thời điểm đó, môi giới đất nói rằng khu vực đó sắp xây dựng hạ tầng, chỉ cần để trong 2 - 3 tháng, có thể tăng lên 1,7 - 1,8 tỷ đồng một mảnh. Tính mua bán lướt rồi sẽ mua lại căn hộ có giá trị tương đương căn cũ, tranh thủ nguồn tiền vay ngân hàng để lấy vốn làm ăn tiếp”, anh Mạnh cho hay.

Thế nhưng sau 3 tháng, anh Mạnh rao bán mãi không được, thậm chí gia đình anh đã hạ giá xuống còn 1,5 tỷ đồng nhưng vẫn không có ai mua. Tiền vay ngân hàng mỗi tháng vẫn phải trả, trong khi nhà đã bán, còn phải trả thêm tiền thuê trọ khiến gia đình anh Mạnh quay cuồng lo tiền đến mất ăn mất ngủ.

Nguồn vốn linh hoạt nhưng tiềm ẩn nhiều khó khăn

Ngày nay, phong trào khởi nghiệp, kinh doanh vừa và nhỏ tại Việt Nam ngày càng nở rộ. Nhiều người không còn đi theo con đường đi học rồi đi làm mới tích lũy tài chính nữa mà thường lựa chọn tự kinh doanh. Chính vì vậy, ngày càng nhiều người lựa chọn bán nhà để lấy vốn đầu tư, tuy nhiên bất cứ quyết định nào cũng tồn tại hai mặt cơ hội và rủi ro.

Theo các chuyên gia tài chính, đây là hình thức linh hoạt về tài chính, giúp các nhà đầu tư có một khoản vốn để đầu tư dài hạn mà không phải chịu áp lực từ việc vay vốn ngân hàng, không bị ràng buộc bởi các điều khoản kinh doanh. 

Tuy nhiên, đây không phải là sân chơi cho người ăn chắc mặc bền do luôn tiềm ẩn nhiều khó khăn và rủi ro. Nhiều người trong giới đầu tư đất cũng cho rằng, trong câu chuyện mua, bán bất động sản sẽ có người thất bại, có người thành công. Do đó, ngoài sự may mắn, các nhà đầu tư bất động sản cần một con mắt quan sát thị trường kỹ càng, có trình độ, kiến thức và phải biết kiểm soát dòng tiền một cách chắc chắn trước khi đầu tư.

bất động sản
Các nhà đầu tư phải luôn sáng suốt, kiểm soát tốt dòng tiền đầu tư của bản thân để tránh những rủi ro. (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, các nhà đầu tư lướt sóng, đầu tư ngắn hạn, cần cân nhắc lại phương án kinh doanh và giảm kỳ vọng vì thị trường bây giờ không phải kiểu lướt sóng của nhiều năm trước. Do vậy, nhà đầu tư cần phải cẩn thận, kết hợp với giảm sử dụng đòn bẩy tài chính, vay ngân hàng khi mà thời gian chờ đợi quá lâu thì công việc lướt sóng của nhà đầu tư sẽ bị hạn chế bởi vì tiền lãi tăng nhưng biên độ lợi nhuận lại không bù đắp được số tiền lãi.

Cũng lưu ý về nhiều rủi ro trong đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nhà đầu tư cũng phải xác định được mình thuộc nhóm nhà đầu tư nào, xác định tiêu chí đầu tư bất động sản nói chung và đất nền nói riêng.

Ông Lực khuyên nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ về pháp lý, quy hoạch, hạ tầng - an ninh - cảnh quan, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh thì môi trường sống và cảnh quan cũng rất quan trọng. Đặc biệt, một yếu tố nữa là chủ đầu tư, những chủ đầu tư đứng đắn, làm ăn nghiêm túc sẽ đỡ rủi ro hơn rất nhiều.

Cùng với đó, thanh khoản bất động sản cũng rất quan trọng và cuối cùng là đòn bẩy tài chính. Đầu tư bất động sản nói chung và đất nền nói riêng là khoản đầu tư trung và dài hạn, đầu tư lướt sóng sẽ rủi ro trong năm 2022./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top