Aa

Mặt bằng lãi suất cho vay và huy động khả năng tiếp tục giảm

Thứ Tư, 27/10/2021 - 06:06

Các chuyên gia nhận định, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục nền kinh tế sau đại dịch. Mặt bằng lãi suất huy động - cho vay được các TCTD tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong quý IV/2021.

Lãi suất cho vay đã giảm gần 1,7% so với trước dịch, sẽ còn giảm tiếp

Trong tuần qua (18 - 22/10), thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục được hỗ trợ bởi việc đáo hạn của các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn đầu tháng 4/2021. Các nghiệp vụ thị trường mở không được thực hiện và nhờ vậy, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hầu như đi ngang ở mức thấp, kết tuần ở 0,67% (-1 bp) cho kỳ hạn qua đêm và 0,79% (-2 bp) cho kỳ hạn 1 tuần.

Công ty Chứng khoán SSI cho biết, theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm của Chính phủ, tín dụng tính đến hết tháng 9 tăng 7,84% so với cuối năm 2020, tương đương với mức tăng 14,1% so với cùng kỳ. Tín dụng có dấu hiệu tăng nhanh hơn trong nửa cuối tháng 9 (số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tính đến 20/9 tín dụng chỉ tăng 7,1%) cho thấy nhu cầu tín dụng dần hồi phục khi nền kinh tế đang được mở cửa trở lại. Báo cáo cũng cho thấy, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm tới 1,66% so với trước dịch. 

Theo đó, nhóm phân tích duy trì quan điểm chính sách tiền tệ trong thời gian tới sẽ tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch và mặt bằng lãi suất huy động - cho vay được các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong quý IV/2021. Gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi kỳ vọng nhanh chóng được triển khai, trong đó TP.HCM hiện là địa phương đầu tiên công bố gói hỗ trợ này với trị giá khoảng 70 nghìn tỷ đồng.

Về thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND biến động trái chiều ở 2 thị trường liên ngân hàng và tự do. Kết tuần, tỷ giá niêm yết ở các NHTM giao dịch ở mức 22.625 - 22.855 đồng/USD, giảm 5 đồng ở cả hai chiều mua và bán so với tuần trước đó. Ngược lại, tỷ giá tự do tăng 50 đồng/USD ở chiều mua vào bán ra, kết tuần ở 23.280 - 23.330 đồng/USD. Diễn biến trên thị trường tự do được điều chỉnh nhằm phù hợp với mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và Việt Nam – hiện duy trì quanh 9 triệu đồng/lượng. 

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại trong nửa đầu tháng 10 xuất siêu khoảng 170 triệu USD, và thu hẹp cán cân thương mại lũy kế xuống còn nhập siêu khoảng 2,38 tỷ USD. Cán cân thanh toán tổng thể duy trì thặng dư nhờ lượng giải ngân FDI và lượng kiều hối tích cực. Trong đó, kiều hối về TP.HCM (chiếm khoảng 30% tổng kiều hối) trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 5,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ.

Dự kiến, trong năm 2021, lượng kiều hối đổ về thành phố sẽ cao hơn so với năm 2020 (6,1 tỷ USD) từ 10 - 12%, tương đương với mức tăng thêm khoảng gần 2 tỷ USD trong quý IV. Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và là nguồn hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán tổng thể. SSI cho rằng, nguồn cung - cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ tương đối cân bằng trong giai đoạn cuối năm và giúp tỷ giá USD/VND duy trì trạng thái ổn định.

Tổng tiền gửi khả năng không tăng quá 10%?

Mặt bằng lãi suất tiền gửi có thể điều chỉnh giảm nhưng các ngân hàng vẫn có những chương trình khuyến khích người dân gửi tiền. (Ảnh: Internet)

Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã dự báo mức tăng trưởng tổng tiền gửi năm nay dao động 9,2 - 12,3%, và có khả năng chỉ dừng lại ở mức một chữ số ngay cả khi cân nhắc đến yếu tố mùa vụ của nhu cầu gửi tiền của doanh nghiệp.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến cuối tháng 8, tiền gửi của dân cư ở mức 5,3 triệu tỷ đồng, tăng 2,95% so với đầu năm, thấp hơn mức 2,97% vào cuối tháng 7 do người dân rút ròng gần 1.000 tỷ đồng. Con số trong 8 tháng là mức tăng trưởng tiền gửi dân cư thấp nhất, xét trên cùng kỳ mỗi 5 năm qua.

Năm 2016, tăng trưởng tiền gửi dân cư 8 tháng ở mức 15,4%, năm 2017 ở mức 12%, đến năm 2019 còn 8,4% và sang năm 2020 rơi xuống 5,46%. Trong 5 năm qua, tiền gửi khu vực dân cư có xu hướng tăng chậm lại. Điều này cho thấy người dân đang có xu hướng bớt gửi tiền vào ngân hàng. Nếu năm 2016, tăng trưởng tiền gửi của dân cư là 17,4%, năm 2017 chỉ là 13,54% và liên tục giảm 4 năm sau đó thì đến năm 2020, con số này còn 6,46%.

Nhiều ngân hàng tăng nhẹ lãi suất tiền gửi thông qua chương trình gửi tiền online, tặng quà, trúng thưởng để thu hút khách hàng. Sản phẩm gửi tiết kiệm online đang ngày càng được khách hàng ưa chuộng bởi không chỉ lãi suất cao mà còn rất thuận tiện, có thể gửi, rút bất cứ lúc nào mà không cần phải ra quầy giao dịch ngân hàng để thực hiện. Việc đăng ký sử dụng app ngân hàng số, ngân hàng điện tử hiện nay cũng rất thuận tiện khi khách hàng có thể thực hiện eKYC - định danh trực tuyến mà không cần phải ra chi nhánh ngân hàng.

Như tại BIDV, khách hàng gửi tiết kiệm online trên ứng dụng SmartBanking kỳ hạn 3 - 11 tháng sẽ được cộng thêm 0,2%/năm lãi suất so với gửi tại quầy. Ngoài việc cộng thêm lãi suất, ngân hàng này triển khai chương trình ưu đãi, quay số trúng thưởng tivi, quạt điều hòa, máy lọc nước với giá trị 2 - 10 triệu đồng/giải thưởng. 

Tại VietinBank, khách hàng có cơ hội được cộng lãi suất 0,3%/năm khi gửi online với khoản tiền dưới 10 tỷ và 0,4%/năm với khoản tiền trên 10 tỷ đồng. Hay như, lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy của Sacombank là 6,1%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng, nhưng nếu gửi online thì được cộng thêm tới 0,5%/năm lên 6,6%/năm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top