Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm trong hệ thống ngân hàng đang áp dụng từ 6,5 - 7,2%/năm, không gồm các loại hình chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu ngân hàng.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, đây là mức lãi suất “chuẩn” để xem xét giữa lãi suất đầu vào, đầu ra và chi phí vốn đầu tư cho các nhà đầu tư cá nhân.
“Việc lãi suất giảm mạnh từ năm 2013 đến nay tất nhiên là có vai trò rất lớn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (giảm từ 14% về 4%), tuy nhiên đó là “cái thắng gấp cần thiết” khi hệ thống tài chính vĩ mô và ngân hàng thương mại (NHTM) đang gần tới mép vực”. Ở thời điểm 2013 với mặt bằng lãi suất huy động neo rất cao, phản ánh chính sách cung tiền quá mức của Chính phủ để phát triển kinh tế, do vậy khi thắt chặt tiền tệ, xử lý các NHTM và đại gia sân sau thì nhu cầu vốn đầu cơ tài chính xẹp xuống, cú thắng gấp đó đã thành công”, TS. Hiển phân tích.
Song hiện nay, với lãi suất cho vay 1 năm dao động từ 9 - 10%/năm, tuy thấp hơn so với các kỳ trước, nhưng chỉ thấp với các nhà kinh doanh vốn lưu động xoay vòng, cụ thể những tiểu thương, nghiệp chủ nhỏ, nông dân (những khách hàng có thời điểm vẫn có nhu cầu vay lãi suất tới trên 15%/năm cho các khoản vay dưới 1 tỷ đồng). Còn với doanh nghiệp vay số tiền có hạn mức lớn hơn (từ 10 tỷ đến 50 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh vốn lưu động), đây lại là mức lãi suất bình thường.
“Vấn đề hiện nay không còn chỉ là điều kiện hạ lãi suất, do đó việc cấp bù lãi suất nếu có, sẽ chỉ triển khai với sự phân hóa đối tượng, nhóm ngành, tiêu chí hỗ trợ hết sức cụ thể, không thể cào bằng cho tất cả. Quan trọng hơn, vẫn là việc rộng cửa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay; và hơn thế nữa, là môi trường, điều kiện kinh doanh để doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất, chịu được chi phí vốn, trả được nợ và tiếp tục phát triển”, TS. Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Quan điểm "không cào bằng lãi suất" thực tế cũng đã được các NHTM quán suốt trong các chương trình hỗ trợ ưu đãi giảm lãi vay cho doanh nghiệp và người dân, theo cam kết của 16 TCTD với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Đại diện của ngân hàng Techcombank, ông Phạm Quang Thắng khi đó cho rằng: “Những doanh nghiệp bất động sản đang lãi lớn, hay cá nhân vay tiền mua xe ô tô… thì không nên hỗ trợ lãi suất”. Việc giảm lãi suất nếu cào bằng đồng loạt theo các TCTD cũng có thể vừa ra hỗ trợ tràn lan không trúng đích, vừa gây ra hệ lụy lớn cho ngành ngân hàng khi ngân hàng hỗ trợ nền kinh tế, nhưng nợ xấu nếu tăng cao thì ngân hàng sẽ phải gánh chịu.
Bên cạnh đó, đáng chú ý, không cào bằng hỗ trợ lãi suất và phải có tiêu chí cụ thể về nhóm đối tượng được hỗ trợ, được cấp bù lãi suất, thậm chí được hưởng hỗ trợ từ gói kích thích tái thiết kinh tế nếu được Chính phủ ban hành tới đây, theo quan điểm của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel, là rất quan trọng. Bởi nhóm tiêu chí cụ thể sẽ khiến việc xác định đối tượng hỗ trợ cụ thể được thụ hưởng công bằng./.