Những “miền đất hứa” thừa tiềm năng, thiếu liên kết
Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh từ lâu đã được xác định là “tam giác vàng” về du lịch, nghỉ dưỡng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ bởi những tiềm năng “có một không hai” của các địa phương này. Cả ba đỉnh của “tam giác vàng” đều nằm ở những vị trí đắc địa với vô vàn tiềm năng chưa được khai thác hết.
Hà Nội được biết đến là một trung tâm kinh tế, văn hóa mang trong mình sức hấp dẫn của thủ đô ngàn năm văn hiến. Vùng đất “rồng bay” đã và đang trở thành một thị trường bất động sản có tiềm năng hàng đầu cả nước. Bên cạnh những di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nổi tiếng ở trung tâm thành phố, phần diện tích đồi núi thuộc các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức với chiều cao 400 -1300m đã tạo ra những khu vực thiên nhiên sơn thủy hữu tình, khí hậu trong lành mát mẻ. Non thiêng Ba Vì hội tụ nhiều tiềm năng từ cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, khí hậu mát lành, giao thông thuận lợi… đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Ngay trong nội thành, địa điểm nghỉ dưỡng Hồ Tây rộng khoảng 500ha là một thắng cảnh đẹp thu hút nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
Cách Hà Nội 120km, Hải Phòng được xem là điểm sáng vùng Đông Bắc với những sắc thái riêng không lẫn với bất kì một thành phố nào. Tại thành phố này, các địa điểm như biển Đồ Sơn, quần đảo - khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, khu di tích lịch sử danh thắng Tràng Kênh - Bạch Đằng, đảo Hòn Dấu… đang là những “thỏi nam châm” hút khách du lịch tới tham quan và đầu tư vào khai thác du lịch biển đảo.
Trong làn sóng “tổng tiến công” vào bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Hải Phòng, tập đoàn Vingroup được cho là tiên phong với rất nhiều dự án lớn như Khu vui chơi giải trí, biệt thự, công viên sinh thái với quy mô đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng tại đảo Vũ Yên. Tập đoàn FLC cũng đầu tư một quần thể du lịch với 5.300 tỷ đồng tại Đồ Sơn. Góp mặt vào “cuộc chơi” này, tập đoàn Sun Group cũng đã triển khai đầu tư vào quần thể du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp và vui chơi giải trí “viên ngọc quý” Cát Bà với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng…
Được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các dạng địa hình tiêu biểu là biển đảo, đồng bằng và trung du miền núi trở thành một mảnh đất màu mỡ, “mỏ vàng” trong bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Địa hình biển đảo tự nhiên kì vĩ đã tạo cho Quảng Ninh những di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, quần đảo Cô Tô, bãi tắm Trà Cổ, vườn Quốc gia Bái Tử Long. Cùng với đó, thương cảng Vân Đồn, khu di tích lịch sử Bạch Đằng…cũng là những điểm đến hút khách của địa phương này.
Trong hai năm trở lại đây, “vùng đất mỏ” đã thu hút hơn 100 dự án đầu tư bất động sản, trong đó đa phần là các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Dẫn đầu cuộc đua trong thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Quảng Ninh có thể nhắc đến Vingroup với Vincom Hạ Long và quần thể du lịch nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Hạ Long Bay Resort. Tập đoàn Sun Group cũng góp mặt với dịch vụ phức hợp cao cấp Vân Đồn, dự án Công viên Đại Dương Hạ Long, chuỗi biệt thự nghỉ dưỡng Sun Primier Village HaLong Bay…
Tập đoàn FLC đã rót vốn khoảng 3.400 tỷ đồng đầu tư vào quần thể FLC Hạ Long gồm hệ thống sân gofl, biệt thự, condotel nghỉ dưỡng, trung tâm hội nghị quốc tế hiện đại, sức chứa lớn… có quy mô 224ha trải rộng trên đồi Văn Nghệ thuộc địa phận 4 phường Hồng Hải, Hồng Hà, Hà Lầm và Hà Trung; đồng thời thực hiện kế hoạch đầu tư tòa tháp đôi 50 tầng tại trung tâm thành phố Hạ Long.
Từ một thập niên trước, lượng khách du lịch đến Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đã chiếm 59%, trong đó khách quốc tế chiếm 77% và doanh thu chiếm 80% của các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn số cơ sở lưu trú được xếp hạng tại cả ba tỉnh đều khá ít ỏi và thiếu cân đối trong cán cân cung cầu về du lịch: Hà Nội có 177 cơ sở, công suất sử dụng lên tới 80%, Hải Phòng có 102 cơ sở công suất là 55%. Con số tương tự tại Quảng Ninh là 305 cơ sở lưu trú, công suất chỉ đạt 37%.
Mặc dù rất tiềm tàng khả năng phát triển và đều là những “thỏi nam châm” thu hút khách du lịch, được các nhà đầu tư “chọn mặt gửi vàng” nhưng do sự thiếu vắng về cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông nên trước đây 3 địa phương hầu như không có sự liên kết về du lịch, nghỉ dưỡng. Tất cả đều phát triển một cách tự phát với cung cầu hoàn toàn khác biệt, dù khoảng cách địa lý không xa: Hà Nội cách Quảng Ninh gần 200km và cách Hải Phòng120km.
Sự cô lập giữa ba khu vực “tam giác vàng” trọng điểm của Bắc Bộ là cản trở lớn đối với quá trình phát triển, tăng trưởng du lịch của cả nước trong bối cảnh sự liên kết vùng để phát triển đang được đặt lên hàng đầu. Dẫn đến dù tiềm năng về bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ở 3 địa phương này, đặc biệt là với Hải Phòng và Quảng Ninh là rất lớn nhưng lại chưa được khai thác một cách triệt để.
Phá tan "bức tường" cô lập
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng sẽ chính thức được thông xe vào dịp lễ 2/9 tới. Tuyến cao tốc này đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng “tam giác vàng” kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), đồng thời hoàn thiện tuyến cao tốc theo trục ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ. Đi vào hoạt động, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng sẽ rút ngắn quãng đường từ Hạ Long đi Hà Nội từ 180km xuống còn 130km, thời gian đi ô tô chỉ còn 1,5 giờ. Chiều dài quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng cũng giảm từ 75km xuống chỉ còn 25km.
Theo các chuyên gia bất động sản, tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng được đầu tư bài bản và thông tuyến đã góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, tạo tiền đề cho sự liên kết chặt chẽ về phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng giữa các vùng. Đây là dự án tiêu biểu, mở đầu cho giai đoạn phát triển hạ tầng giao thông mới của Hải Phòng và Quảng Ninh, với tổng vốn đầu tư ngoài ngân sách lên đến trên 30.000 tỷ đồng như cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn và thời gian tới là cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, việc rút ngắn khoảng cách từ Hải Phòng đến Quảng Ninh đã tạo ra sự kết nối có hiệu quả đối với các đa phương nằm trong tam giác tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Đây là công trình có ý nghĩa chiến lược không chỉ giải quyết nhu cầu về phát triển giao thông mà còn thúc đẩy mục tiêu phát triển bất động sản nghỉ dưỡng vùng, nhằm khai thác triệt để những lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch biển đảo của các địa phương này.
“Nhìn lại bức tranh về bất động sản nghỉ dưỡng trên toàn quốc, có thể thấy hiện nay bất động sản nghỉ dưỡng ở khu vực phía Nam đang phát triển mạnh mẽ hơn khu vực phía Bắc. Sở dĩ có sự chênh lệch này do những hạn chế về hệ thống hạ tầng của vùng trọng điểm phía Bắc. Dù rất có tiềm năng nhưng thực tế việc kết nối hạ tầng chưa hoàn chỉnh đã cản trở sự phát triển cũng như sự bứt phá của bất động sản nghỉ dưỡng ở khu vực này. Do đó, dự án cao tốc này theo đánh giá của tôi là một mắt xích kết nối rất hiệu quả các địa phương trong khu vực phía Bắc, nhất là vùng tam giác. Với những giá trị mà hệ thống cao tốc này đem lại, các nhà đầu tư sẽ xác định được các mục tiêu để phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng rõ rệt hơn và khai thác được tiềm năng cũng như những lợi thế về điều kiện tự nhiên ở các vùng ven biển của Hải Phòng và Quảng Ninh tốt hơn” – Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Ngọc Thành, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Ở Việt Nam hiện nay, cái yếu là chúng ta chưa tạo ra được những tuyến du lịch với nhiều màu sắc khác nhau, trong khi đây mới là cách kích thích nhu cầu của khách du lịch đặc biệt là khách nước ngoài. Khi người nước ngoài bỏ tiền ra để đến nước mình, họ sẽ có xu hướng chọn một tuyến du lịch nào đó phải phong phú về cảnh quan, di tích, nơi lưu trú nghỉ dưỡng hay nói cách khác là nhiều màu sắc. Chỉ có đi theo tuyến thì họ mới có thể tiết kiệm thời gian mà lại được tìm hiểu khám phá rất nhiều thứ. Trong đó có thể là những lịch sử, văn hóa của kinh đô Hà Nội, sau đó di chuyển đến du lịch biển Hải Phòng, rồi tiếp tục khám phá quần thể kì quan thế giới tại Quảng Ninh. Mà yếu tố đầu tiên để thúc đẩy được điều này đó chính là hạ tầng giao thông kết nối giữa các vùng phải thuận tiện. Cho nên, tôi cho rằng, đường cao tốc rút ngắn khoảng cách giữa Hải Phòng, Hạ Long là một bước đột phá, làm tăng thêm tính khả thi để phát triển các dự án, các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng được xếp vào loại độc đáo tại khu vực này”.
Cơ sở hạ tầng giao thông từng bước hoàn thiện, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại “tam giác vàng” Bắc bộ đã trở thành "sân chơi" đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo GS Đặng Hùng Võ, các nhà đầu tư đã và đang có ý định tham gia vào “cuộc đua” này cần có quy hoạch cụ thể để tiếp tục có những dự án phát triển, khai thác triệt để tiềm năng cũng như nhu cầu thực tế.
Cũng theo GS. Đặng Hùng Võ, mặc dù lượng khách du lịch đến khu vực “tam giác vàng” ngày càng tăng nhưng đa số là “khách ít tiền”. Chúng ta chưa thu hút được những “khách nhiều tiền”. Thực tế, có những đối tượng khách du lịch muốn có những chuyến du lịch đắt tiền kèm theo đó là chất lượng tuy nhiên hạ tầng bất động sản nghỉ dưỡng hiện tại chưa đáp ứng được. Nhưng trước mắt, thì việc liên kết vùng để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng chắc chắn là một bước đi rất quan trọng để phát triển tuyến du lịch từ Hà Nội cho đến Hạ Long.
Đánh giá về xu hướng phát triển trong tương lai của bất động sản nghỉ dưỡng tại vùng “tam giác vàng”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất Động sản Việt Nam Nguyễn Ngọc Thành khẳng định: “Sự hoàn thiện hơn về hạ tầng tất yếu sẽ giúp cho việc phục vụ nhu cầu xã hội tốt hơn. Đồng thời định hướng và hỗ trợ cho thị trường Bất động sản phát triển ổn định hơn, tích cực hơn và có những yếu tố đột phá trong tương lai để có thể phát huy tối ta các tiềm lực vốn có. Hiện nay, khu vực tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đã là một trung tâm bất động sản nghỉ dưỡng khá sôi động nhưng với đà này trong thời gian tới nhất định trở thành một trung tâm hoàn hảo hơn và có giá trị to lớn hơn gấp nhiều lần.”