Màu vàng góc phố

Màu vàng góc phố

Thứ Hai, 03/02/2025 - 06:00

Cách đây khoảng 4 năm, tôi có một nhóm vài người bạn từ Sài Gòn ra Hội An mở quán cơm quê, cuối cùng thất bại. Tôi không tham gia lý giải sự thua lỗ ấy, chỉ là họ cho tôi thấy, không dễ buôn bán ở Hội An, nhất là kinh doanh ẩm thực, nếu là người từ nơi khác đến, cho dù đó có là những món ăn miền quê biển. Họ không nắm được tâm lý du khách đến Hội An là để thăm thú và dùng ẩm thực đặc trưng phố cổ như hoành thánh, cao lầu, bánh vạc, mì Quảng… Còn dân sở tại, chắc chắn không ghé ăn. Thành phố như bàn tay nhỏ, vài con phố loanh quanh chưa mỏi chân đã hết, quán xá chỉ bán được cho kẻ ở xa muốn tìm hiểu món lạ. Không biết tôi có cực đoan hay không nhưng câu chuyện ngày đó chợt về trong suy nghĩ, khi tôi ngồi ở góc Hoàng Diệu - Phan Chu Trinh nhìn dòng người thong thả đi lại, ghé mua bánh mì Hội An. Ẩm thực mới, nếu xuất hiện, là biểu hiện của một xu hướng tiêu dùng mà hàm nghĩa trong đó là văn hóa xâm nhập thành phố nhỏ bé này. Nhưng ở đâu không biết, chứ ở Hội An là không dễ.

Một thuở, Chế Lan Viên "đóng đinh" ở đây: "Yêu ở đâu thì yêu/ Về Hội An xin chớ/ Hôn một lần ở đó/ Một đời vang thủy triều". Đó là nỗi ám ảnh của cảm xúc Phố, liễm nhiễm vào người khi thả trái tim lên từng mái ngói.

Nỗi ma mị của đô thị cổ này, người ta viết đầy ra đó, nhất là sau khi ông Kazik - kiến trúc sư người Ba Lan (1944 - 1997) phát hiện ra cái phố cổ mấy trăm năm tuổi nằm cuối sông Thu Bồn này bày ra trước mắt thiên hạ từ năm 1981, nó vốn là kim cương nhưng cứ bị lầm tưởng là gỗ đá. Nếu đặt Hội An trong lịch sử phát triển của đô thị Việt Nam thời cổ đại và trung đại, thì nó đứng sau nhiều đô thị khác ngoài Bắc. Thương cảng Vân Đồn tồn tại suốt thời Lý, Trần, Lê trong khoảng 5 thế kỷ từ XI - XV; Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh - Hà Nội là kinh thành và đô thị mang chiều dài lịch sử hơn 10 thế kỷ.

Hội An được "sinh ra" vào khoảng cuối thế kỷ XVI, phát triển trong thế kỷ XVII - XVIII rồi suy giảm dần từ thế kỷ XIX, những nênh nổi bể dâu từ đó khiến nó chỉ còn là cái bóng mờ mãi cho đến cuối thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước. Ngày 4/12/1999, tại thành phố Marrakech của Maroc, phiên họp lần thứ 23 của Ủy ban Di sản thế giới (thuộc UNESCO) đã chính thức ghi danh Đô thị cổ Hội An vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới do đáp ứng được hai tiêu chí gồm: Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế; Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.


Với chất giọng ngang phè mà thiết tha, sâu sắc, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An là anh Nguyễn Sự, vẫn nhắc đi nhắc lại rằng, cái quý nhất của Hội An chính là con người. Quản lý phố cổ chính là sống đúng với cốt cách người Hội An và vượt lên những cái nhìn thiển cận để thấy giá trị của Hội An. Mà đó không gì khác chính là văn hóa. Cùng là xứ Quảng, nhưng lịch sử phát triển của đô thị cổ này cho thấy "sông mẹ" Thu Bồn đã trao cho "đứa con" cuối dòng sông một cơ hội để nổi trội hơn anh em trong nhà. "Trong máu" Hội An có một khả năng phòng thủ trước "sóng to gió lớn", nhưng cũng luôn biết mở cửa đúng lúc để đón gió mát lành và làm mới chính mình.

Lời anh nói, khiến tôi nhớ lại bữa trong năm 2024, Chùa Cầu khánh thành sau thời gian thực hiện trùng tu, tôn tạo với màu sơn hơi sáng so với cũ. Làn sóng truyền thông ầm ĩ, cho thấy sự nhạy cảm của dư luận với mỗi biến đổi nào đó của phố cổ, và lần này thì chính quyền đã phản ứng khá nhanh, là lắng nghe và điều chỉnh. Có lẽ thái độ từ họ là một cung cách quản lý đã được thiết lập từ trước, khi nhận thức rõ về một đô thị đặc biệt đã được UNESCO vinh danh. Sự đặc biệt nằm ở chỗ, đến nay, tại phố cổ vẫn còn một quần thể di tích phong phú, đa dạng và tương đối nguyên vẹn của các phố xá, bến cảng, các kiến trúc dân dụng và tôn giáo, tín ngưỡng dân gian. Đây là trường hợp duy nhất của Việt Nam và cũng là trường hợp hiếm có trên thế giới được bảo tồn nguyên vẹn.

Vẫn là anh Nguyễn Sự, người đã bảo vệ Hội An ngay từ đầu bằng các biện pháp hành chính như cấm xe máy vào phố cổ, tắt đèn vào ngày rằm, xử phạt nặng các trường hợp vi phạm quản lý di tích, hay cương quyết đấu tranh trước những áp đặt từ đâu đó bên ngoài. Con người và văn hóa chính là hai trụ đỡ làm nên những quyết định giúp Hội An tồn tại. Tôi hỏi bạn tôi là dân phố cổ, rằng cũng ở trong vùng chiến tranh, điều kiện thiên tai ác liệt, thôi thì cứ cho là bom đạn chán không thèm rơi vào, mưa gió không đủ sức quật, thì lại không có chi tàn phá bằng chính con người với nhiều màu áo dung mạo hành vi khác nhau, vậy mà mấy thế kỷ rồi, sao Hội An vẫn đứng vững? Bạn nói rằng, do cá tính mà ra. Hội An là “làng trong phố”, “phố trong làng”. Họ là cư dân đô thị, nhưng là người của làng. Ở đây, nhà đầu phố biết nhà cuối phố, con cái thế nào, sống ra sao. Giềng mối bà con, hàng xóm cố kết họ, nên Hội An đứng vững được là do ứng xử. Ít nơi nào là đô thị mà người ta dung tình làng nghĩa xóm đối xử với nhau như ở đây, mà chính điều đó như hương ước bất văn tự giữ lối sống, giữ phố giữ làng. Tôi hỏi anh Nguyễn Sự vụ cấm xe máy vào phố, dân nói chi? “Họ phản ứng ầm ầm, chửi rần trời chứ nói chi! Nhưng tau quyết phải làm. Làm thời gian, họ sẽ thấy cái lợi, mà đã vậy họ sẽ đồng thuận và chính họ sẽ quyết định tồn tại của nó”. Lợi là rõ, và rõ ràng nó cho thấy một ứng xử vô cùng thông minh để bảo tồn sức sống của một đô thị đặc trưng, trả nó về đúng dạng ban đầu nhưng không làm nó mất đi sức cuốn hút.

“Hội An bây giờ đông quá, lạ quá, nó lộn xộn quá”, Tiến - một Việt kiều Úc sau 30 năm ghé lại đây chơi, nói. Tiến là bạn đại học với tôi hồi ở Huế, người ở phố cổ Bao Vinh - Huế. Sau khi tôi đưa Tiến dạo vài phố rồi ra sông Hoài ngồi nhìn đêm xuống, cuộc rượu sau đó là tranh luận. Với Tiến, Hội An giờ giàu lên, toàn khách tây, nhưng họ là khách chứ không phải là chủ; đồng tiền từ họ sẽ điều khiển và làm biến dạng Hội An. Tôi nói rằng, nếu rảnh, hãy rà lại toàn bộ những quyết sách của chính quyền trong quản lý để thấy dù có gì đi nữa, những nguyên tắc chính trong quản trị vẫn còn đó, mà nó là ánh xạ của đời sống người dân. “Ông lưu ý Hội An đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, xác định là thành phố thông minh. Quảng Nam xem công nghiệp văn hóa là điểm quan trọng trong phát triển Hội An, nhưng yếu tố lớn hơn là quy hoạch Hội An định hướng phát triển đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch. Dòng chảy lịch sử không dừng lại, nhưng giữ Hội An cho vững, không hoàn toàn là chính quyền đâu, mà là dân đó. Tôi đố ông làm bậy ở đó, họ chửi ông nát đầu. Vì sao? Vì đó là nhà họ, là xóm họ. Hiểu Hội An không ai hơn dân Hội An đâu”.

Tôi nói thêm với Tiến rằng, đô thị cổ này có cái đặc biệt, là nó không tồn tại độc lập. Di sản văn hóa thế giới Hội An có lợi thế là nơi hội tụ của hơn 50 nghề truyền thống, trong đó có nhiều làng nghề được đưa vào Danh mục Di sản phi vật thể quốc gia như: Nghề gốm Thanh Hà, nghề mộc Kim Bồng, nghề trồng rau Trà Quế, nghề khai thác yến sào Thanh Châu. Hội An còn có nhiều loại hình diễn xướng dân gian độc đáo như hát bả trạo, hò khoan, sắc bùa, hô hát bài chòi, dân ca, nghệ thuật tuồng. 

Hội An đã thực hiện có hiệu quả việc trao truyền nghệ thuật dân gian, đưa vào biểu diễn phục vụ du khách; mở các lớp dân ca, nhạc cụ dân tộc, thành lập nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền. Bản đồ hoạt động văn hóa từ đó mà giàu có, sinh động thêm, và tất nhiên nó khiến người dân giàu hơn. Không khó hiểu khi một loạt các hoạt động trở thành “hàng độc” lâu nay của Hội An: "Đêm phố cổ", "Phố đi bộ", "Lễ hội đèn lồng", "Sắc màu Lụa", "Liên hoan âm nhạc Asean"... Họ đã lấy văn hóa để nuôi văn hóa và bảo vệ văn hóa. Kết hợp truyền thống và hiện đại trong gìn giữ bản sắc, là cuộc chiến cam go. Tại đêm lễ hội đèn lồng, những gì tinh túy nhất của Hội An sẽ được đem ra “khoe” với du khách. Trong đêm hội, du khách không chỉ là người chứng kiến, mà còn là một phần quan trọng tạo nên lễ hội; họ sẽ được hóa thân làm những vị khách ngoại quốc thuở xưa. Nghĩa là người dân Hội An luôn làm mới mình, nhưng khi mọi thứ đã im ắng, thì đằng sau những mắt cửa gỗ kia là nếp sống dung dị và thâm hậu đã được gìn giữ, trui rèn.

Màu vàng góc phố- Ảnh 1.

Ký ức Hội An - Hoi An Memories show công diễn lần đầu ngày 18/3/2018, là buổi biểu diễn nghệ thuật ngoài trời về lịch sử, văn hóa, và bản sắc của Hội An. Với bối cảnh là những công trình kiến trúc đặc trưng phố Hội - hòn đảo giữa sông Hoài, hơn 500 diễn viên, rộng 25.000m2, dài gần 1km cùng hệ thống âm thanh, ánh sáng ngoài trời... Ký ức Hội An được công nhận là show diễn thực cảnh lớn nhất Việt Nam. (Ảnh: hoianworldheritage)

Bao lớp người ở đó đã lớn lên, trưởng thành và đi xa. Dòng chảy thời gian vẫn không ngừng phủ rêu phong lên từng mái ngói. Chỗ tôi ngồi với Tiến, vì nước lụt báo động 2 vừa rồi mà còn ngấn bùn đất. Di sản bên sông này có hơn 1.000 di tích gồm các loại hình nhà ở, hội quán, miếu, đình, nhà thờ, chùa… nằm dọc theo hai bên những con đường chạy song song với dòng Thu Bồn trải dài theo hướng Đông - Tây, trọn trong địa bàn của phường Minh An, khu phố cổ có diện tích khoảng 2km2. Những con đường vuông góc từ hạ lưu và hẻm nhỏ đều hướng ra sông, nên mới có chuyện mưa to phố cổ đã ngập. Mảng màu vàng lem lém nước bùn nhạt đi trong nắng, khúc xạ lại xuống sông. Tôi nói thêm với Tiến rằng, đó, “miễn dịch” của Hội An là đó. Nên đừng lạ. Tiến im, không biết hắn nghĩ gì, nhưng tôi nghĩ cái màu vàng bất biến tháng năm đó sẽ không thôi xào xạc trong lòng đứa mộng mơ như hắn.

Nhưng không dừng lại ở những bức tường, bao “gió mưa” thách thức còn thổi hun hút trên các con phố. Phố cổ Hội An đối mặt với đủ thứ, từ nhà cổ xuống cấp, người từ nơi khác đến mua và ở, ứng xử văn hóa mang đậm cốt cách “trăm năm vẫn giữ nếp nhà” dần phai nhạt…, nhưng người Hội An xem phố và tình ở phố là tài sản gia bảo. Làm mất, họ sẽ không còn. Khi Tiến điện thoại chào đi, tôi nhắc lần nữa, nếu thơ ca là hồi quang của ký ức đã mất thì dễ dàng trả lời vì sao người ta mê Hội An đến thế, bởi đó là bài thơ ký ức…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top