Aa

Máy tính thành hàng thanh lý sau giãn cách xã hội

Thứ Bảy, 25/04/2020 - 09:59

Ngay ngày đầu đi làm trở lại, Tuấn Kiên, 32 tuổi ở Hà Nội, lên "chợ" máy tính rao bộ máy để bàn mới mua được ba tuần.

Tuấn Kiên mua bộ máy này cuối tháng ba, khi công ty yêu cầu làm việc tại nhà. Máy tính của Kiên là hàng đã qua sử dụng, khi đó mua với giá gần 7 triệu đồng cả màn hình. Nay anh thanh lý với giá 6 triệu đồng và có nhiều người hẹn tới xem hàng.

"Lúc đó, cả gia đình phải làm việc và học tập ở nhà nên tôi mua thêm máy để bàn. Nhưng nay cả vợ và chồng đã đi làm, mọi thứ cơ bản trở lại bình thường, nên tôi thanh lý luôn cho được giá, lại đỡ chật nhà", Kiên nói.

Tất Thành (TP HCM) cũng lên mạng thanh lý laptop ngay khi đi làm trở lại. Anh cho biết phải mua chiếc laptop Dell với giá 5,5 triệu đồng để làm việc tại nhà, nhưng nay thanh lý chỉ chưa đến 5 triệu vì muốn "đẩy đi nhanh". "Máy tôi mua vội nên không kiểm tra kỹ, khi dùng mới biết bị lỗi pin, dùng cũng không 'sướng' nên muốn bán luôn để mua chiếc khác", anh Thành nói.

Trên các hội nhóm mua bán đồ máy tính, nhiều thành viên đã rục rịch thanh lý thiết bị. Theo quản trị viên của một nhóm trao đổi đồ công nghệ trên Facebook, mấy ngày nay, lượng bài viết liên quan đến thanh lý máy tính, đặc biệt là máy tính để bàn, tăng 20% so với thời điểm chưa nới lỏng giãn cách xã hội. Trong khi chỉ một tháng trước, mặt hàng này còn "cháy hàng" ở nhiều nơi.

Riêng trong ngày 24/4, thời điểm nhiều người đi học, đi làm trở lại, hàng loạt bài rao thanh lý máy tính đăng tải trên các trang rao vặt. Ngoài lý do thanh lý vì không còn nhu cầu sử dụng, nhiều người cho biết đã muốn rao bán từ lâu, "nhưng phải đợi hết cách ly mới có thể giao dịch".

Không chỉ người dùng, một số đơn vị kinh doanh đồ máy tính cũng tìm cách thanh lý thiết bị dịp này.

Anh Sỹ Thái, phụ trách kinh doanh tại một cửa hàng máy tính ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, cửa hàng anh đang lên kế hoạch thanh lý hơn 100 bộ máy. Đây vốn là máy để bàn nhập lại từ các quán game đã phá sản vì dịch và máy cho thuê trong thời gian nhiều người phải làm việc ở nhà vừa qua.

Nhu cầu thuê máy "nở rộ" từ cuối tháng 3 khiến cửa hàng của anh Thái phải đầu tư thêm nhiều bộ máy mới. Nay khách trả lại thay vì gia hạn thêm, nên cửa hàng phải đưa ra nhiều phương án để thanh lý lượng máy này, chẳng hạn phân phối lại cho các quán game, hoặc giảm giá nếu khách thuê có nhu cầu mua.

"Khách thuê trước đây đã đặt cọc 70% giá trị máy và số tiền này sẽ được trừ vào chi phí khi trả. Tuy nhiên, cửa hàng sẽ miễn phí tiền thuê, khách hàng chỉ cần trả thêm 500.000 đến 1.000.000 đồng là sở hữu luôn bộ máy đó", anh Thái nói. Chẳng hạn, với bộ máy tính giá 5 triệu đồng, cửa hàng yêu cầu đặt cọc 3,5 triệu đồng để thuê trong 2 tuần. Thông thường, nếu muốn sở hữu, khách sẽ phải trả số tiền chênh lệch cộng với chi phí thuê, tổng cộng khoảng 2 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu mua trong dịp thanh lý này, chỉ phải trả 500 nghìn đồng. "Cửa hàng nhập được linh kiện trong thời điểm giá còn rẻ, nên có thể bán giá tốt, đồng thời chúng tôi cũng chấp nhận lãi ít, thậm chí không có lãi, để đẩy được lượng máy này đi", anh nói.

Dù lượng máy tính được mang ra trao đổi, mua bán trong thời điểm này khá nhiều, theo một số người có kinh nghiệm, thị trường này cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Khác với smartphone, máy tính là mặt hàng ít khi được mua đi bán lại, trừ khi máy gặp vấn đề gì hoặc người bán cần tiền nên thanh lý gấp. "Dịp này, một số quán game không 'trụ' được qua dịch cũng phải thanh lý máy hàng loạt, nhiều cửa hàng cũng lợi dụng dịp này để trà trộn linh kiện cũ bán kèm máy mới. Vì vậy, người dùng cần cẩn trọng khi mua", Tuấn Anh, một người có kinh nghiệm mua bán đồ điện tử cho biết.

Theo anh Tuấn Anh, người dùng nên chọn các bộ máy tính với linh kiện còn bảo hành, đồng thời nên hỏi kỹ cấu hình máy, sau đó tra cứu trên mạng để tránh bị thổi giá.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top