Mẹ của núi rừng

Mẹ của núi rừng

Nhà thơ Lữ Mai
Nhà thơ Lữ Mai luthimai@gmail.com
Thứ Sáu, 07/01/2022 - 06:06

Chẳng thể ngờ, một vùng đất thuộc xã Phương Độ của TP. Hà Giang lại im chìm, riêng biệt trong sắc màu huyền bí. Giữa nhà, bếp lửa đang bập bùng. Mẹ của bạn tôi mặc áo chàm, chít khăn chàm, ngồi sưởi lửa, tiện thể đun ấm nước reo sôi. Người Tày làm bếp lửa cùng thời điểm dựng nhà. Bếp đặt ở gian nhà nằm chếch một vì cột với gian thờ tổ tiên, cũng thuộc một trong những gian nhà quan trọng nhất. Đất đỏ lấy về từ trên núi được dùng để nện nền bếp thật chặt, thật đanh. Mọi công đoạn làm bếp phải vừa khẩn trương vừa tỉ mỉ. Chung quanh bếp lửa của mẹ chất chứa không gian, đời sống gia đình, cộng đồng phong phú. Rượu cứ rót mãi, cơm vừa chín thơm, những xôi, những bánh nhuộm lá rừng lên màu ngũ sắc ngời ngời trong ánh lửa. 

Mẹ ngồi trên chiếc ghế ngang bằng gỗ, mắt nheo nheo, miệng cười móm mém, hiền hậu đón khách xa. Dầu vậy, bà không rời chỗ, đứng lên đi về phía cửa như cách người xuôi đón khách. Cứ ngồi đấy, ở bếp là ấm nhất, vui nhất rồi. Lửa chưa bao giờ tắt. Lòng người cứ mở ra bao nhiêu khấp khởi, vui mừng. Khói cứ thảnh thơi hắt lên thành từng vệt nhẹ nhõm như mây, vương vấn mãi quanh những treo thịt gác bếp, cột kèo, mái cọ, bậc sàn. 

Trời lạnh lắm, khói như không thể nào tan. Đến con mèo xám khoanh tròn như cuộn len cũng đùa với khói. Ba chiếc ghế ngang ở ba hướng khác của bếp ngày thường người nhà vẫn ngồi, giờ khách cứ tự nhiên ngồi đó, nhẩn nha nướng sắn, nướng khoai. Nhà sàn ở Phương Độ được đồng bào dựng ở vị trí thấp hơn, gần nguồn nước. Con suối chảy từ trong lòng núi mềm mại uốn quanh bản. Đến nhà nào, đi khúc đoạn nào cũng nghe tiếng róc rách vui tai. Thỉnh thoảng, sẽ gặp cây cầu nho nhỏ bắc vào một ngôi nhà. Cây cầu ấy, có cũng được, mà không cũng được, chỉ một bước chân người lớn là qua thôi. Dòng suối hào phóng kia sẽ chia cắt thành nhiều, rất nhiều dòng chảy nhỏ, trong vắt, đổ vào từng chiếc ao con con của từng nhà dân. Thành ra, nhà nào cũng có ao. Có nhà ao vây quanh, soi bóng từng góc độ của nếp nhà sàn năm gian hai chái. Đẹp nhất là những đêm trăng sóng sánh dát đầy mặt nước, căn nhà cứ chập chờn, huyền ảo giữa miền sơn cước. Cả bản làng bừng lên bởi ánh trăng hắt từ trên cao xuống, từ dưới nước lên. Và suối, suối như tiếng đàn, tiếng phách, lắm lúc cũng lại như tiếng cười khúc khích của trẻ bản vang vang bất kể ngày đêm.

Tôi thích đứng dưới một gốc cây nhà mẹ, trước mặt là chiếc ao con con, sau lưng nhà sàn, gió cứ thổi qua từng tán cây ràn rạt... Cây mận đã hết mùa quả, cũng lại chưa tới độ trút lá, bật chồi, đơm hoa. Thế mà tôi vẫn mê say đứng đó, cảm nhận được trong lá cành muôn tiếng râm ran. Mẹ vừa là mẹ của tất cả chúng tôi, vừa là mẹ của núi rừng, nên nếp nhà sàn ấm áp và cảnh tượng chung quanh luôn mang đến cho tôi cảm giác mơ hồ, rằng một lần nào đó trong đời, tôi đã đặt chân tới rồi, cũng đứng dưới gốc cây ấy, cũng nghe gió thổi và chim muông ríu rít... Đôi khi, sự yêu thương, gần gụi nảy nở từ trong cõi lòng ta, chứ đâu phụ thuộc vào ngoại cảnh mang lại điều gì cụ thể. Nắng đã làm ấm sương, đất trời vừa mịt mùng đã lại tan loãng và tỏa rạng. Như thể sương gói cả bọc hào quang. Trong vườn của mẹ, luống mía xương gà  ngả vàng, đốt ngắn đơm vào hình dung vị ngọt lựng, mềm rụm giữa hai hàm răng tưởng chỉ còn trong ký ức thuở ấu thơ. Đám trẻ con túm tụm, nhìn khách lạ từ xa, vừa cười, vừa bẽn lẽn, thơ thẩn.

Thực tế, đất và người nơi đây đã cần mẫn, kiên trì vượt qua rất nhiều gian khó. Cách đây hơn mười năm, đường lên bản chỉ là một lối mòn nhỏ hẹp, toàn dốc cao, vực thẳm, lại chưa có điện lưới quốc gia. Để xây dựng các công trình, người dân phải lặn lội xuống suối, đóng từng bao cát, sỏi rồi ngược dốc cao mang về tự đóng gạch bi. Mỗi bao xi măng cất công mua từ thành phố chất lên chiếc xe máy, rù rì mỗi chuyến chỉ được một bao. Đèo dốc khó đi, tiền xăng quá tiền vật liệu, lắm lúc mưa gió, cả người và xe ngã chỏng chơ giữa đường. Ngay đến những bếp lửa có nền được nện từ đất đỏ, những mái nhà rêu phủ xanh um, trông thì lãng mạn đấy, thương mến đấy, nhưng ấy cũng là niềm gian khó tự xa xôi. Cả lời hẹn của mẹ, nhắc nhớ lên vào mùa lúa chín cũng đong đầy ước vọng ấm no, chu toàn mọi nhẽ. 

Nhiều người vẫn bảo, màu xanh trên những mái nhà ở đây thường gợi cảm giác buồn bã và tiếc nuối. Ai đến, đi và quay lại nơi này, sẽ thấy mỗi mùa màu rêu một khác. Sắc rêu xanh thẫm hơn, sâu hơn, cảm giác tấm chăn trên những mái nhà nặng hơn bởi nỗi niềm day dứt, quyến luyến. Riêng tôi, vì có mẹ núi rừng nên lại không hề có cảm giác ấy. Tôi thấy niềm thương mến, bao dung và che chở đang rất gần kề, ấm êm, thanh thản. Trong màu xanh nõn nà của rêu non, màu úa vàng của lớp rêu già đang héo dần và bong tróc, có hơi ấm của núi rừng, của trời mây và chính không khí tỏa ra từ mỗi mái nhà. Mái nhà mà cả bản làng biên cương đã chung tay đỡ đần nhau từ thuở nghèo nàn, khốn khó. Không ai thuê mướn, mua bán gì cả, hễ nhà nào dựng nhà, khắc cả bản kéo sang làm mái. Mái nhà càng chặt, tình nghĩa càng bền. Người đi cắt lá cọ về phơi, người chuốt cái nọ, người gõ cái kia, mấy chốc mà nên mái ấm.

Mẹ tiễn những đứa con miền xuôi ra tận ngõ rồi, vẫn cứ ngóng mãi theo. Vây quanh mẹ chỉ còn tiếng chim rừng lích chích cả ngày lẫn đêm, hót như quên ăn, quên ngủ. Càng tiễn khách, càng hót vang. Rồi thì bài ca ấy cũng như tan chảy loanh quanh đâu đó rất gần, trong chát ngọt môi cười, trên bờ vai, trong lòng tay vừa mở. Khi được trở về bên mẹ, được bao bọc bởi một mái nhà xưa cũ với tấm lòng ấm áp, tôi chợt nhận ra, mảng xanh rêu tưởng chừng bất tận trên mỗi mái nhà đang chầm chậm thả xuống lòng người mọi nỗi êm đềm, thấm thía. 

Tây Côn Lĩnh hiện hữu trong những trang văn với đủ cung bậc của sự huyền bí, kiêu hãnh mà cũng quen thuộc, gần kề, như trong chính mỗi con người chúng ta luôn có bóng núi cao, rừng thẳm. Như trong chính mỗi giấc mơ, ngọn núi ấy có thể mang nhiều cái tên khác nhau, ở vùng miền khác nhau, mà luôn vững chãi và bất biến. 

Ngay ở chính dáng ngồi lam lũ, thản nhiên của mẹ già bên bếp lửa, tôi cũng gặp một ngọn núi màu chàm, thẫm dần trong chiều muộn và sáng bừng mỗi giấc ban mai. Ngọn núi ấy lúc nào cũng chở che, đón đợi ta trở về, dẫu ta không phải là con của núi. Có lần, tôi từng ngỏ lời với mẹ của bạn mình, rằng tôi nghĩ bà là ngọn núi, một ngọn núi màu chàm rất hiền, rất ấm, rất vui. Bà kéo tôi vào lòng, lại nheo nheo mắt, móm mém cười hồi lâu. Bà nói, bà chỉ là bóng núi. Vào những khi đất trời không bình lặng, lòng người chộn rộn hoặc khổ đau, bóng núi có thể tan. Đôi khi, tan chỉ bởi một hòn đá cuội ném xuống chiếc ao con con đang in bóng. Tan, nhưng bất biến. Bóng núi sẽ trở lại, dẫu chập chờn, dẫu vui buồn, chỉ cần niềm tin là đủ./.

Nhà thơ Lữ Mai
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top