Trước nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, vụ “bùng nhùng” về việc trạm thu phí được cho là đặt không minh bạch trên tuyến quốc lộ 1, đoạn qua thị trấn Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đã tạm lắng xuống, sau nhiều nỗ lực “giải cứu” của các cơ quan chức năng.
Suốt 14 ngày diễn ra vụ việc, các cơ quan quản lý nhà nước phải mất khá nhiều công sức đứng ra giải quyết. Tuy nhiên, sau đó, người ta cũng kịp nhận ra rằng, thời gian qua, người dân không chỉ mù mờ về thông tin dự án mà lai lịch của nó cũng khá rắc rối, được bổ sung tới lui nên đã bị “biến dạng” sau 8 năm thực hiện.
Ban đầu, dự án chỉ định làm tuyến tránh thị xã Cai Lậy nhưng cuối cùng lại thêm phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1, đoạn qua thị xã Cai Lậy. Quyết định của Bộ Giao thông vận tải cho nhà đầu tư thực hiện 2 hợp phần này cũng chính là khởi điểm của mọi vấn đề phát sinh hiện nay.
Có lẽ, nếu nhà đầu tư chỉ làm tuyến tránh và thu phí những xe chạy thì sẽ không có chuyện trạm thu phí Cai Lậy “thất thủ” như vừa qua. Hoặc giả trước khi đưa hợp phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1, với vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng vào dự án BOT, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với địa phương và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp lấy ý kiến rộng rãi thì chắc chắn không còn cảnh vừa thu phí vừa cầm văn bản giải thích cho tài xế như vừa qua.
Thế nhưng, vụ việc ở Cai Lậy vừa lắng xuống thì ngay trong hai ngày đầu của tháng 9, khi cả nước vừa nghỉ lễ xong (5-6/9), một kịch bản tương tự lại lập lại ở trạm thu phí BOT số 1 trên quốc lộ 5, Hà Nội – Hải Phòng.
Đáng chú ý, trong vụ việc này, nhiều người dân ở xã Vĩnh Khúc, Lạc Hồng (gần trạm thu phí) cho biết, họ bị ảnh hưởng bởi tình trạng các xe ô tô đi vào đường trong xã để né trạm thu phí.
Sau khi sự việc xảy ra, không biết bấu víu vào đâu, Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) - đơn vị thực hiện thu phí trên quốc lộ 5 đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị vào cuộc điều tra hành vi gây rối, gây mất trật tự tại trạm thu phí số 1 trên quốc lộ 5, đoạn qua tỉnh Hưng Yên. Một kịch bản gần như lặp lại nguyên trạng ở Cai Lậy và rồi tới đây sự việc liệu có lặp lại như thời gian vừa qua?
Điều đáng nói là, “hành động” phản ứng bằng cách dùng tiền lẻ chống lại phí đường bất hợp lý và vị trí đặt trạm thu phí BOT, không chỉ dừng ở trạm thu phí số 1 trên quốc lộ 5 hay tuyến tránh Cai Lậy. Cách đây 8 tháng, tại trạm thu phí Bến Thuỷ (Hà Tĩnh), một sự việc tương tự cũng đã xảy ra.
Việc người dân và tài xế phản đối trạm thu phí BOT đặt không đúng quy định đã xảy ra như cơm bữa trong thời gian qua. Cứ vài tháng, lại thấy báo chí đưa tin về một vụ người dân phản đối mức phí ở trạm thu phí này, trạm thu phí kia. Chính Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước mới đây đã công bố những số liệu chỉ ra hàng loạt sai phạm và buộc các trạm thu phí phải giảm thời gian thu phí tới gần 100 năm.
Công bằng mà nói, trong điều kiện ngân sách Nhà nước hạn hẹp và nợ công sắp vượt trần như hiện nay, việc xây dựng các dự án theo hình thức BOT, BT là một chủ trương đúng và cần thiết để đầu tư xây dựng các công trình, mở mang đường sá. Các dự án này khi đưa vào khai thác đã giúp các phương tiện tiết kiệm đáng kể thời gian lưu thông, tiết giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện...
Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít dư luận về những “góc khuất” khi thực hiện các dự án kiểu BT và BOT này. Đó là, địa điểm đặt trạm thu bất hợp lý, ấn định phí cao; thậm chí có tình trạng không ít trạm thu phí đặt người dân vào thế không thể có lựa chọn thay thế. Còn đó, tình trạng một số nơi nhà đầu tư hưởng lợi nhiều, đầu tư ít; chuyện chỉ định thầu và những “mập mờ” trong quá trình thực hiện dự án...
Đáng chú ý, mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra các dự án thực hiện theo hình thức BT ở Hà Nội, trong đó nêu ra con số 7/7 dự án đều có sai phạm.
Tuy nhiên chỉ có điều, việc các dự án BT ở Hà Nội bị thanh tra và chỉ ra hàng loạt sai phạm có lẽ đã không làm ai bất ngờ, vì hiện nay cứ nhắc đến cách làm của các dự án BT, đa số các chuyên gia đều cho rằng, phải dừng lại ngay vì tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm rất cao.
Vậy vấn đề ở đây là những dự án BOT và BT mang lại nhiều lợi ích như vậy tại sao lại bị “phản ứng” và đòi dừng triển khai? Vì cơ chế kiểm soát hiện nay quá yếu, vì những cái “bắt tay” không minh bạch giữa các doanh nghiệp và người có chức quyền hay còn vì một lý do nào đó mà không thể minh bạch được?
Tuy nhiên, theo dõi các vụ "lùng nhùng" của các dự án BOT và BT thời gian vừa qua có thể thấy, tựu chung lại có ba yếu tố chính dẫn đến việc không kiểm soát được, đó là lưu lượng xe thực tế qua tuyến đường, chi phí xây dựng bị tính cao hơn thực tế và việc chỉ định doanh nghiệp được thực hiện dự án.
Nói như cách nói của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Đặng Huy Đông là: "Tại sao phải giấu giếm các con số đó trong khi đây là hai con số quyết định đến giá thu phí, thu phí thế nào cho hợp lý”. Ông cho rằng, cả hai con số đó chúng ta làm tù mù. Vì vậy, chừng nào các con số đó chưa được công khai minh bạch thì xã hội và doanh nghiệp còn ý kiến, bức xúc.
Rõ ràng, vấn đề quan trọng và mấu chốt của bất cứ một dự án nào khi được triển khai là tính minh bạch, công khai. Việc minh bạch, công khai của dự án không chỉ cần từ lúc phê duyệt mà cần phải công khai mọi mặt trong quá trình thực hiện, xây dựng dự án. Chỉ có công khai, minh bạch mọi vấn đề xung quanh, cho dù dự án có xảy ra việc gì, mọi việc cũng đã rõ mười mươi. Còn không công khai, minh bạch, dư luận sẽ mãi phản ứng.