Aa

Minh bạch thị trường nước sạch: Bất ổn ngay từ khâu chọn nhà đầu tư?

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Sáu, 22/11/2019 - 14:35

Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, tại sao Hà Nội lại “mời” nhà đầu tư “tay không bắt giặc” thực hiện dự án nước sạch, chấp nhận mua với giá cao để rồi phải bù lỗ?

Nên phá bỏ độc quyền sản xuất, cung ứng và áp dụng nguyên tắc của kinh tế thị trường, đấu thầu công khai, minh bạch. Khi đấu thầu, cần kiểm tra năng lực tài chính để đảm bảo tiến độ đầu tư, có hiệu quả

Bán lẻ rẻ hơn bán buôn: Phá vỡ nguyên tắc thị trường

Theo đại diện Sở Tài chính Hà Nội, giá nước sạch của Công ty CP Nước sạch sông Đuống đắt hơn Công ty CP nước sạch sông Đà là do chi phí đầu tư nhà máy nước sông Đuống lớn, chất lượng nước thô nhiều phù sa phải tốn nhiều hóa chất xử lý, đặc biệt chi phí lãi vay đầu tư nhà máy sông Đuống lớn đã đẩy giá nước lên cao.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và giá cả, Bộ Tài Chính cho biết, khi thành phố mời nhà đầu tư làm dịch vụ cung ứng nước phải đặt ra những yêu cầu: Chất lượng nước đảm bảo; Cung cấp nước liên tục 24/24; Áp lực nước phải đạt yêu cầu; Giá nước phải nằm trong khung quy định.

“Nhà đầu tư trên cơ sở 4 yêu cầu đó phải tính toán làm sao để đáp ứng được yêu cầu nhưng giá thành vẫn phải theo đúng quy định chung. Thông thường dự án to, quy mô lớn, hiện đại, giá thành sẽ phải tốt hơn, nên việc do công nghệ “đắt đỏ” mà tính giá cao là hết sức vô lý, giá bán buôn lại đắt hơn giá bán lẻ, điều này đã phá vỡ nguyên tắc thị trường”, PGS. TS. Long khẳng định.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.

Mặt khác, theo vị chuyên gia này, luật pháp quy định thẩm quyền quyết định giá bán buôn là do thỏa thuận giữa đơn vị cấp nước và đơn vị phân phối. Nhưng ở đây, Hà Nội lại quy định giá bán buôn là sai về nguyên tắc và thẩm quyền.

“Doanh nghiệp bán buôn phải thỏa hiệp với doanh nghiệp bán lẻ. Không bao giờ doanh nghiệp bán lẻ lại chịu mức cao hơn khung quy định chung của Nhà nước. Khi cao hơn quy định của Nhà nước thì ai là người bù lỗ? Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố cũng đã công bố, Nhà nước sẽ không bỏ một đồng nào ra. Nên có thể thấy, đang có điều gì đó chưa rõ ràng ở đây”, ông Long nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc Hà Nội chấp nhận mua nước của Nhà máy nước sạch Sông Đuống với giá cao hơn mức thị trường và trong khi nhà máy này chưa được nghiệm thu, rõ ràng có những vấn đề khuất tất: "Về mặt luật pháp, chúng ta đã có hết các văn bản quy định của Nhà nước về việc giá bán buôn không được cao hơn giá bán lẻ và rõ ràng giá bán lẻ ở Hà Nội tối đa có 7.700 đồng, thế tại sao Hà Nội lại thỏa thuận với nước mặt sông Đuống với giá cao hơn 10 nghìn đồng bán buôn". 

Rõ ràng, UBND địa phương không được quyền thống nhất giá bán buôn mà chỉ thống nhất giá bán lẻ. Việc ký hợp đồng mua bán nước với giá bán buôn như vậy là không đúng luật và có sai sót lớn. Ngoài ra, việc nhà máy này chưa nghiệm thu đã đưa vào sử dụng, cung cấp nước cho người dân. Đó cũng là điều bất thường!

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc cung ứng nước sạch là dịch vụ công, Nhà nước sẽ ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp cung cấp để đảm bảo việc cung cấp nước. Nhưng doanh nghiệp phân phối hoàn toàn có quyền mua nước của ai, với giá như thế nào. Đó là thỏa thuận của hai bên.

“Nhà nước xác định trước đơn vị sản xuất, cung ứng nước nhưng không có nghĩa là doanh nghiệp đó được phép độc quyền hoàn toàn”, ông Thịnh nói.

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cũng cho hay,  giá nhà đầu tư đưa ra chào là hoàn toàn bình thường, vì việc bán giá nào là việc của nhà đầu tư. Tuy nhiên, quyết định mua hay không lại là việc của người sử dụng, mà ở đây là UBND TP. Hà Nội. Họ chào giá cao gấp đôi so với Nhà máy nước sạch sông Đà mà TP. Hà Nội vẫn đồng ý mua thì phải đặt câu hỏi là tại sao đắt thế mà Hà Nội vẫn mua?

Công ty CP Nước sạch Sông Đuống bán giá cao hơn so với mức bán lẻ trên thị trường.

Đấu thầu minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư, xóa bỏ độc quyền cung ứng nước sạch

Trả lời trên báo chí về việc giá nước cao, bà Đỗ Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt Sông Đuống - nói rằng: “TP. Hà Nội ký hợp đồng với mức đầu tư này, công suất này thì chúng tôi mới triển khai đầu tư làm. Nếu không ký với giá tạm tính 10.246 đồng thì chúng tôi đầu tư lớn rồi lấy cái gì để trả cho ngân hàng? Khi ký hợp đồng, Thành phố cũng xác định các công ty mua với công suất bao nhiêu, với sản lượng đủ 300.000m3/ngày đêm. Giá 10.246 đồng là giá thành phố thoả thuận để chúng tôi đầu tư, nếu không làm sao chúng tôi dám đầu tư lớn đến gần 5.000 tỷ đồng”, bà Liên nói.

Theo các chuyên gia, việc sản xuất nước sạch có tính độc quyền tự nhiên, nguồn cầu ổn định và chỉ có xu hướng tăng chứ không giảm nên nghiễm nhiên trở thành “miếng bánh béo bở” khó chia phần. 

Rõ ràng có rất nhiều doanh nghiệp muốn tham gia vào thị phần kinh doanh nước sạch nhưng tại sao Hà Nội lại “mời” đích danh Công ty CP nước mặt Sông Đuống và đưa ra mức giá tạm tính cao gần gấp đôi giá mua buôn của Công ty CP nước sạch Sông Đà và cao hơn cả mức giá bán lẻ hiện hành? Trong khi công ty này phải đi vay tới 80% vốn đầu tư, gần như "tay không bắt giặc"? 

"Cũng như điện, nước là nhu cầu thiết yếu đối với người dân, lãi ngành nước hiện rất cao. Việc chọn nhà đầu tư để xây dựng nhà máy nước cần qua đấu thầu công khai để tìm được suất đầu tư phù hợp, hiệu quả", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói.

Ông Long cho rằng, việc Hà Nội mời gọi nhà đầu tư vào sản xuất nước sạch hiện nay là chưa ổn, đang có sự cạnh tranh không lành mạnh: “Chính vì không công khai đấu thầu nên mới nảy sinh nhiều câu hỏi, đằng sau có nhóm lợi ích hay không, có 'sân sau' hay không, có sự ưu ái nào không"?

Vị chuyên gia này cho hay, hiện nay, trong khâu phát điện, chúng ta đang tiến tới cạnh tranh, nhiều người bán, một người mua. Ngành nước cũng có thể mời chào tất cả tối tác, doanh nghiệp vào, không phân biệt thành phần kinh tế vào việc sản xuất cung ứng nước sạch, dựa trên cơ sở đảm bảo chất lượng nước, đảm bảo cung cấp liên tục, áp lực phải đủ và mức giá phù hợp với khung giá chung. “Doanh nghiệp nào đáp ứng được những yếu tố đó thì Nhà nước mua. Có thể có nhiều đầu mối cung cấp nhưng quản lý và điều phối thì chỉ nên có một”, ông Long nói.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, rõ ràng cơ hội để các doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia vào hoạt động cung cấp điện, nước là lẽ đương nhiên mà các nền kinh tế thị trường trên thế giới đang làm. “Nên phá bỏ độc quyền sản xuất, cung ứng và áp dụng nguyên tắc của kinh tế thị trường, đấu thầu công khai, minh bạch. Khi đấu thầu, cần kiểm tra năng lực tài chính để đảm bảo tiến độ đầu tư, có hiệu quả”, ông Thịnh chia sẻ.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh.

Theo ông Thịnh, khi mọi thứ được minh bạch, công bằng thì sẽ không còn gì đáng bàn:  “Còn việc doanh nghiệp này vay bao nhiêu là quyền của họ, thậm chí họ có 15% vốn, vay 85% cũng không sao, cái đó doanh nghiệp tự tính toán lời lãi, miễn là ông cung cấp nước theo số lượng, thời gian, tiến độ cung cấp, đảm bảo chất lượng đã đặt ra, giá cả theo mặt bằng chung”.

Cũng có ý kiến cho rằng, cần thay đổi việc phân vùng cấp nước cố định bằng việc thiết lập mạng lưới đường ống theo mô hình mạng vòng, kết nối hệ thống truyền tải nước cấp 2 trong toàn thành phố. Khi một nguồn cung cấp nước gặp sự cố sẽ đóng van nguồn đó và điều tiết nước từ nguồn khác, như vậy sẽ không có cảnh cả một khu vực bị cô lập về nước sạch như cuộc khủng hoảng nước Sông Đà vừa qua./.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top