Aa

Mô hình thành phố trong thành phố: Tạo giá trị mới hướng đến người dân

Thứ Tư, 27/03/2024 - 13:44

Dự kiến, tại Kỳ họp chuyên đề thứ 15, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức ngày 29/3, sẽ xem xét thông qua đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Một trong những nội dung mới của đồ án đang được kỳ vọng không chỉ giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô mà còn là động lực cho phát triển bền vững Thủ đô, đó là mô hình thành phố trong thành phố.

Hoàn chỉnh cấu trúc không gian của Thủ đô

Tại phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) được tổ chức vào cuối tháng 2/2024, Bí thư thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nêu, trong quá trình hoàn thiện bản Quy hoạch, thành phố sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn nhấn mạnh hơn quan điểm phát triển hài hòa đô thị và nông thôn hướng tới không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cả khu vực đô thị và nông thôn.

Trong đó, đối với đô thị, phát triển đô thị vệ tinh, thành phố thuộc Thủ đô theo định hướng TOD, đô thị 15 phút; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu vực nội đô theo hướng văn minh, hiện đại. Nâng cao chất lượng đô thị hóa, không biến khu vực nông thôn thành đô thị một cách khiên cưỡng khi chưa đủ điều kiện. Công tác quy hoạch để xác định các khu vực phát triển đô thị, trong quá trình thực hiện quy hoạch, các khu vực đó sẽ được xác định là đô thị khi đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định.

Trước mắt nghiên cứu hình thành 2 thành phố thuộc Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị là thành phố phía Bắc và thành phố phía Tây, trong tương lai có thể thêm thành phố phía Nam.

Mô hình thành phố trong thành phố: Tạo giá trị mới hướng đến người dân- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

KTS Lê Hoàng Phương, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) - đơn vị tư vấn lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cho biết, một trong những điểm đáng chú ý của đồ án là Hà Nội xác định phát triển một số khu vực đô thị theo mô hình thành phố trong thành phố với các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Thủ đô.

Theo từng giai đoạn phát triển, quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ thành lập các đơn vị hành chính cấp đô thị như thành phố, quận để có bộ máy quản lý hành chính phù hợp với yêu cầu phát triển.

Trong đó, giai đoạn trước mắt Hà Nội sẽ nghiên cứu hình thành 2 thành phố thuộc Thủ đô theo Nghị quyết số 15, đó là xây dựng thành phố khoa học - đào tạo (thành phố phía Tây) tại khu vực Hòa Lạc; thành phố sân bay (thành phố phía Bắc), gồm một phần Đông Anh, một phần Mê Linh quanh sân bay Nội Bài và huyện Sóc Sơn. Thành phố phía Bắc có diện tích 633km2 (gồm 385km2 đất xây dựng đô thị và 248km2 khu vực ngoại thị), định hướng chức năng dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. TP phía Tây có diện tích 251km2 (khoảng 135km2 đất xây dựng đô thị và 116km2 đất ngoại thị), là TP khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo.

Đối với việc hình thành thêm thành phố thứ 3 tại khu vực Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức khi xây dựng sân bay thứ 2 vùng Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn thông tin, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định sân bay thứ 2 tại Hà Nội với công suất 50 triệu hành khách/năm, được nghiên cứu sau năm 2030, thực hiện vào năm 2040.

Với sân bay này, trong thời kỳ 2045 - 2065, Hà Nội hình thành một thành phố phía Nam. Đối chiếu với Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, đặt ra nhiệm vụ xây dựng 2 thành phố phía Bắc và phía Tây với mốc thời gian tới năm 2045 thì việc hình thành thêm thành phố thứ 3 trong giai đoạn tiếp theo sẽ hoàn chỉnh cấu trúc không gian của Thủ đô Hà Nội.

Phải tính kỹ những giá trị mang lại

Tiếp theo TP.HCM thành lập TP. Thủ Đức, Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh, thành đang chuẩn bị tiến lên đô thị trực thuộc T.Ư (Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa…) cũng đang có dự kiến sẽ thành lập thành phố trong thành phố.

PGS.TS.KTS Đỗ Tú Lan, nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, đối với Hà Nội việc hình thành các thành phố trong thành phố, mở ra một định hướng mới khi đi kèm kỳ vọng nguồn lực đầu tư sẽ được đặt vào đúng trọng điểm, đúng thời điểm.

Từ đó, sự phát triển của Thủ đô không chỉ đè nặng lên khu vực trung tâm như hiện nay. Tuy nhiên, việc hình thành thành phố trong thành phố cần phải xác định đó là những đô thị được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh để người dân an tâm sinh sống, làm việc. Đặc biệt có khoảng cách, có nêm xanh để phân cách với thành phố trung tâm.

"Về bản chất vẫn là đô thị vệ tinh, đến lúc “đủ lớn”, “đủ khỏe”, đáp ứng đủ chỉ tiêu thì đô thị sẽ được công nhận là thành phố trong thành phố. Mô hình này chỉ khác đô thị vệ tinh ở cơ chế quản lý về hành chính, về chính sách phát triển, về phân cấp phân quyền để tạo ra động lực phát triển”, PGS.TS.KTS Đỗ Tú Lan nói.

TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, mô hình đại đô thị (mega city), với quy mô dân số hàng triệu người, nhưng chỉ có một trung tâm đơn nhất đã trở nên lạc hậu, bởi quá tải về dân số, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, chênh lệch giàu nghèo…

Mô hình thành phố trong thành phố: Tạo giá trị mới hướng đến người dân- Ảnh 4.

Ảnh minh họa

So với việc hình thành siêu đô thị cực lớn, thì việc phát triển cụm các đô thị lớn nhỏ đa trung tâm của TP lớn, nằm trong hệ thống mạng lưới các đô thị trong vùng đô thị, được xem là giải pháp bền vững và phát triển hài hòa hơn.

Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm trên thế giới, như khu hành chính Haut-de-Seine và Paris (Pháp), Phố Đông, Thượng Hải (Trung Quốc)… Phát triển các đô thị mới hiện đại, thu hút được trên 500.000 cư dân mới, đa số là nhân lực có trình độ cao nhưng vẫn không quên việc chỉnh trang và cải thiện đời sống cho 1 triệu cư dân hiện hữu.

Với những khu vực này khuyến khích khai phá những lĩnh vực động lực mới (tài chính quốc tế, công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ sinh học…) đem lại hiệu quả cao hàng đầu về mặt kinh tế - xã hội. Phát triển bền vững, đô thị thông minh, đô thị ngầm và đô thị xanh theo tiêu chuẩn quốc tế, giảm thiểu tác động môi trường, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu.

Theo các chuyên gia, việc phát triển mô hình thành phố trong thành phố đều phải tính đến những giá trị mà nó mang lại. Khi phát triển mô hình thành phố trong thành phố cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã thay đổi hay buộc phải thay đổi tư duy về cách thức phát triển kinh tế, đô thị, về cách thức quản lý phát triển cho phù hợp với yêu cầu phát triển, nhằm tạo ra những giá trị mới. Những giá trị đó phải hướng đến người dân, như vậy mới không biến việc phát triển mô hình thành phố trong thành phố thành một phong trào gây tốn kém về nguồn lực.

Mô hình thành phố trong thành phố đã có nhiều quốc gia trên thế giới phát triển và thu được những kết quả đáng khích lệ. Phát triển mô hình thành phố trong thành phố là làm thay đổi cấu trúc thành phố "mẹ" để khai thác tiềm năng hiệu quả hơn trong quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị… Tuy là thành phố "con" nhưng là cơ hội tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội với vai trò là hạt nhân, động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, dẫn dắt sự phát triển chung của toàn thành phố và phụ cận.

Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Trương Văn Quảng



Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top