Aa

Mới chỉ có 15 Việt kiều và người nước ngoài sở hữu nhà tại TP.HCM

Thứ Ba, 08/08/2017 - 06:00

Theo thống kê của Sở Xây dựng, đến ngày 15/5, chỉ có 15 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân người nước ngoài được cấp chứng nhận sở hữu nhà ở.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến có công văn gửi các sở: Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Quy hoạch Kiến trúc, Tư pháp cùng Bộ Tư lệnh TP.HCM và Công an TP.HCM về việc chấn chỉnh công tác giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà tại TP.HCM.

Theo đó, UBND TP phê bình thủ trưởng các đơn vị có liên quan chậm triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND TP trong việc xác định khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng, không cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài sở hữu nhà ở.

Điều này gây chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà trên địa bàn thành phố.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, việc chậm trễ này có trách nhiệm của Sở Xây dựng với vai trò chủ trì phối hợp các cơ quan khác xác định khu vực cần đảm bảo an ninh, quốc phòng...

Về công tác xác định khu vực cần đảm bảo an ninh, quốc phòng, tháng 10/2016, Bộ Quốc phòng đã có văn bản thông báo đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Công an cũng gửi công văn thông báo vào tháng 4/2017 về việc này.

Từ tháng 11/2016, ngay sau khi có thông báo của Bộ Quốc Phòng, UBND TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để xác định khu vực cần bảo đảm an ninh.

"Đa phần trường hợp người nước ngoài đến công chứng mua nhà là nhằm để ở lâu dài chứ không phải mua đi bán lại. Tuy nhiên khi nghe công chứng viên giải thích về việc phải đợi xác định khu vực không cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài sở hữu nhà ở thì họ đã thay đổi vì lo sợ không được cấp giấy chứng nhận...”, Trưởng phòng công chứng số 7 Hoàng Mạnh Thắng cho biết.

công tác hành chính tại một số địa phương còn chưa quen thuộc với khách nước ngoài đều tạm gọi là những rào cản có thật trong thời điểm này.

Công tác hành chính tại một số địa phương còn chưa quen thuộc với khách nước ngoài đều tạm gọi là những rào cản có thật trong thời điểm này.

Trước thực trạng cả TP.HCM chỉ có 15 cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng khẩn trương phối hợp các đơn vị để xác định khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại TP.

Đồng thời, khẩn trương xác định cụ thể danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng.

Bên cạnh đó, cần tạo cơ sở pháp lý cho Sở Tài nguyên Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà ở trên địa bàn TP.

Lãnh đạo TP cũng giao Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tăng cường kiểm tra, rà soát việc giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà.

Trong một trao đổi gần đây, ông Trần Khánh Duy, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills TP.HCM cho biết, hiện nay, về cơ bản, các thủ tục pháp lý về việc sở hữu BĐS ở Việt Nam dành cho người nước ngoài đã nhận được phản hồi rất tích cực từ cả phía người bán lẫn người mua sau gần 3 năm triển khai. Sau vài năm Luật Nhà ở 2014 sửa đổi, nhiều khách nước ngoài đã bày tỏ sự quan tâm đến thị trường BĐS tại các thành phố lớn, nhất là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

Tuy vậy, ông Duy cho rằng, số lượng sổ đỏ được cấp cho tổ chức và cá nhân người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam còn tương đối thấp, nếu so với sự quan tâm và nhu cầu của khách hàng. Những tác nhân giới hạn số lượng này có thể kể đến quy trình cấp sổ đỏ chưa được phổ biến rộng rãi, mà chỉ tập trung ở một vài khu vực trung tâm. Việc người nước ngoài chưa nắm bắt rõ thủ tục pháp lý ở Việt Nam, và ngược lại, công tác hành chính tại một số địa phương còn chưa quen thuộc với khách nước ngoài đều tạm gọi là những rào cản có thật trong thời điểm này.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top