Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN): Chính sách tín dụng, tiền tệ giúp lành mạnh thị trường BĐS
Tháng 6/2016, NHNN ban hành Thông tư số 06/2016/TT-NHNN sửa đổi (gọi tắt là Thông tư 06), bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phần nào giúp nhà đầu tư BĐS bớt lo ngại.
Theo tinh thần của Thông tư 06, đến năm 2017, tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để đầu tư trung - dài hạn giảm xuống 50%, hệ số rủi ro tăng từ 150 – 200%. Những chính sách này sẽ thực hiện vào 2017, không có nghĩa là thắt chặt thị trường hay không mà là cảnh báo cần có sự quản lý chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát rủi ro.
Bản chất việc sửa đổi không nằm ngoài mục tiêu đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng ngân hàng, hạn chế rủi ro, do tăng trưởng tín dụng quá nóng vào BĐS. Tuy nhiên, cần có lộ trình thực hiện (1- 2 năm), tránh để xảy ra rủi ro chính sách và gây ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng.
Khi ra Thông tư 06, NHNN đã bám sát thị trường. Chính vì vậy, sau khi điều chỉnh, tỷ trọng vốn cho vay trong lĩnh vực BĐS từ tháng 6 tới nay đã giảm dần, hiện chỉ chiếm khoảng hơn 8% tổng dư nợ tín dụng. Sang năm 2017, gói tín dụng ưu đãi với lãi suất 4,8% dành cho người mua NƠXH, nhà thương mại giá rẻ cũng đang được “đốc thúc” thực thi sớm.
Tôi cho rằng, nếu NHNN giữ vững ổn định vĩ mô lạm phát và lãi suất thì những rủi ro trên thị trường BĐS hoàn toàn có thể hấp thụ được.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng Cục Thuế, Bộ Tài chính: Phát huy nội lực, không nên dành quá nhiều thời gian nghĩ về TPP
Trong nhiều năm qua, Chính phủ tích cực đàm phán, may mắn là đã có hiệp định thương mại Việt - Mỹ, trong đó có nhiều điều khoản tốt cho Việt Nam. Chúng ta cũng có nhiều hiệp định trên tinh thần hội nhập mở cửa với tính cạnh tranh rất cao.
Nếu như đặt tình huống xấu nhất, Mỹ không thông qua TPP hoặc phải đàm phán lại thì vẫn có nền tảng ở các hiệp định thương mại khác. Chúng ta không nên dành quá nhiều thời gian để nghĩ về TPP. Quan trọng là chính nội lực.
Hiện nay, pháp luật cởi mở hơn rất nhiều, tương lai thị trường BĐS sẽ ở trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không chỉ với doanh nghiệp nội địa mà còn với các doanh nghiệp nước ngoài. Các tập đoàn, doanh nghiệp khi tìm đến làm ăn ở Việt Nam, họ có năng lực mạnh cả về kinh nghiệm trong đầu tư kinh doanh, vốn, công nghệ và kỷ luật lao động. Do đó, doanh nghiệp nội địa cần phải chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh, mới có thể đứng vững trong tương lai.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP. Invest: Cần kiểm soát chặt việc cấp tín dụng cho chủ đầu tư
Thay vì siết tín dụng, NHNN cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng của ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư dự án để đảm bảo an toàn. Mỗi ngân hàng thương mại cần xác định tiêu chí cho vay đối với doanh nghiệp BĐS.
Ví dụ, căn cứ vào tổng vốn vay/điều lệ của doanh nghiệp, lịch sử tín dụng, điều kiện cụ thể của dự án xin vay… Những tiêu chí này nếu được ngân hàng thương mại thực hiện chặt chẽ khi giải ngân thì sẽ không có tình trạng một số doanh nghiệp thoải mái “ôm” dự án nằm chờ như hiện nay.
Cách kiểm soát tín dụng BĐS tốt nhất là phải rạch ròi, chặt chẽ, thậm chí không nên cho phép tình trạng sở hữu chéo giữa ngân hàng thương mại và chủ đầu tư dự án.
Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng): Hỗ trợ tối đa cho NƠXH, nhà ở thương mại giá thấp
Năm 2016, số lượng dự án cao cấp hạng sang dòng sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng đã vượt quá nhu cầu hiện tại. Trong khi các chủ đầu tư quá tập trung vào phát triển hàng hóa cao cấp thì 70% nhu cầu của thị trường lại đổ vào vào phân khúc nhà ở trung bình trở xuống.
Năm 2016 cũng xuất hiện nguy cơ dư nợ tín dụng BĐS quá nhiều vào phân khúc cao cấp, bỏ ngỏ NƠXH và thương mại giá rẻ. Mặt khác, do sự phân hóa của thị trường, dư nợ tín dụng cũng tập trung vào một số chủ đầu tư, tạo ra các rủi ro tiềm ẩn cho thị trường BĐS và cho cả hệ thống ngân hàng.
Những nhược điểm, lệch lạc của thị trường BĐS 2016 đều đã được Chính phủ nhìn thấy và có giải pháp uốn nắn trong năm 2017. Theo đó, Chính phủ sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ tối đa cho NƠXH, nhà ở phân khúc quy mô nhỏ, có khả năng thanh khoản cao.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam: Quy định rõ thủ tục cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam
Những năm gần đây, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã ban hành những quy định thực sự cởi mở, thậm chí là một trong những quy định cởi mở nhất so với nhiều nước trong khu vực, như Thái Lan, Malaysia, Singapore, đơn cử như chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Mặc dù vậy, trên thực tế, người nước ngoài chưa đầu tư nhiều vào thị trường BĐS Việt Nam, thể hiện qua FDI chưa tăng cao, số lượng người nước ngoài mua nhà chưa nhiều.
Lý do là hiện còn nhiều băn khoăn trong chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà, như mua thì chuyển tiền như thế nào, bán ra chuyển tiền ra sao, khi mua nhà rồi tức là đã có tài sản tại Việt Nam thì mỗi lần vào đây có phải xin visa nữa hay không?…
Về những vướng mắc này, thực tế đâu đó đã có quy định rồi nhưng để tìm ra quy định ở đâu, vị trí nào lại vô cùng khó khăn. Do đó trong năm tới, cần có sự tập hợp quy định để người nước ngoài nắm rõ khi mua nhà phải thực hiện những thủ tục nào.