Aa

Môi giới bất động sản chật vật tái xuất

Chủ Nhật, 27/09/2020 - 06:00

Thị trường vốn đang khó khăn khi các dự án bị ách tắc, dịch Covid-19 giáng thêm một đòn mạnh nữa khiến nhiều sàn giao dịch bất động sản chới với. Hiện tại, nhiều môi giới đang tìm cách quay trở lại thị trường sau dịch.

Khó chồng khó

Hơn hai tháng nay, Thanh Tuyết, nhân viên môi giới đang sinh sống tại quận 12, đã quay lại công việc trong trạng thái “bình thường mới”. Bình thường mới là cách Tuyết nói lạc quan khi cô là một trong số hàng chục nhân viên trong công ty mất việc trong đợt tinh giảm nhân sự công ty vừa qua.

Từ một nhân viên bán hàng (sale) giỏi, thu nhập có tháng hơn 40 triệu đồng, Tuyết bỗng chốc trở thành người thất nghiệp và chuyển sang làm môi giới tự do kiêm bán hàng online.

“Nếu như trước đây ngày nào tôi cũng bận rộn với những cuộc điện thoại hoặc dẫn khách đi xem dự án, thì nay chờ cả ngày cũng không có ai liên hệ. Mình mới ra làm môi giới tự do, quan hệ chưa nhiều nên tận dụng thời gian rảnh bán hàng online để có thêm chi phí trang trải cuộc sống”, Tuyết chia sẻ.

Dự án đang bắt đầu mở bán lại sau dịch, nhiều môi giới đang tìm cách quay trở lại thị trường.

Trong tình cảnh tương tự, từ đầu năm đến nay, chị Thanh phải trải qua kỳ nghỉ dài nhất trong lịch sử gần 10 năm theo nghề. Sàn môi giới bất động sản nơi chị làm việc đã giảm hơn 50% lương cứng nhiều tháng nay, các khoảng thưởng hàng quý cũng đương nhiên bị cắt giảm, sản phẩm không bán được khiến cuộc sống của chị rất khó khăn.

“Giỏ hàng mới không nhiều nên mình chủ yếu bán các dự án đã chạy trước đây và nhận bán lại cho khách. Nhưng mấy tháng nay giao dịch không mấy thuận lợi. Nhiều khách của mình là người mua để ở, mình chăm sóc khá lâu nhưng do dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập nên họ phải tạm gác kế hoạch mua nhà”, chị Thanh nói.

May mắn hơn vì vẫn “cầm cự” được qua mùa dịch, nhưng anh Tiến đang đối mặt với những ngày quay lại trạng thái bình thường đầy khó khăn khi nhiều khách hàng có tâm lý thận trọng. Tiến là nhân viên kinh doanh của một sàn giao dịch đang bán sản phẩm tại thị trường Bình Dương, nơi đang có nhiều dự án mới đưa ra thị trường.

“Covid-19 làm sức mua trên thị trường suy yếu, cả người mua để ở và người mua để đầu tư. Người mua để ở lo không đủ sức trả nợ vì nguồn thu nhập ảnh hưởng nên; còn người mua để đầu tư lướt sóng lại lo bị mắc cạn nên sức mua chậm”, anh Tiến cho biết. Đây là một trong những điều đáng quan ngại nhất của những môi giới như anh khi quay lại thị trường sau dịch.

Tình cảnh của anh Tiến hay chị Thanh chỉ là những câu chuyện điển hình cho tình cảnh của các môi giới bất động sản sau hai đợt dịch vừa qua.

Ngành môi giới từng được kỳ vọng sẽ “dễ thở” hơn trong năm 2020 khi trải qua một năm 2019 với không ít khó khăn do nguồn cung nhỏ giọt. Thế nhưng cú sốc từ Covid-19 đã đẩy thị trường vào tình thế khó khăn gấp bội.

Điều chỉnh là cần thiết

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (Vafie), dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản. Cụ thể, nửa đầu năm 2020, lượng giao dịch nhà đất giảm mạnh nhất trong bốn năm qua.

GS. Nguyễn Mại dẫn số liệu của Bộ Xây dựng, cho biết đến cuối tháng 5, cả nước chỉ còn khoảng 200 sàn giao dịch nhà đất hoạt động cầm chừng, và đã có hơn 800 sàn giao dịch tạm ngừng hoạt động hoặc đóng cửa.

“Con số đó đã nói lên thực trạng của thị trường bất động sản dưới tác động của đại dịch. Hàng trăm sàn giao dịch bất động sản trước đây mọc lên như nấm sau mưa, kinh doanh kiểu lướt sóng kiếm lợi nhuận nhất thời… giờ phải đóng cửa. Một số doanh nghiệp địa ốc lớn cũng giảm 30-70% lượng giao dịch, phải sa thải người lao động”, GS. Nguyễn Mại cho biết

Theo GS Nguyễn Mại, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng suy thoái đã tác động đến khoảng 50 ngành nghề khác từ vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất, vận chuyển, môi giới… Nợ xấu của các ngân hàng cũng gia tăng khi thị trường khó khăn.

Tuy nhiên, sự suy giảm đợt này rất khác với năm 2012 - 2013 là giá cả không giảm. Trong khi trước đây giá bất động sản thường giảm 30 - 40%.

“Theo tôi, đây là khoảng lặng cần thiết để tái cấu trúc lại thị trường, để lĩnh vực bất động sản có chất lượng cao hơn, doanh nghiệp bất động sản phát triển chuyên nghiệp và chất lượng hơn”, ông Nguyễn Mại nhận định.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhận định đại dịch đã và đang làm thay đổi hành vi, thị hiếu của người dân và cả giới đầu tư bất động sản. Nhưng chính những thay đổi này sẽ là bước chuyển mình mới để hướng đến một thị trường lành mạnh hơn.

Theo ông Châu, Covid-19 đã mở ra cuộc sàng lọc ngẫu nhiên để bất động sản điều chỉnh từ sản phẩm đến cấu trúc doanh nghiệp, hướng đến sự phát triển bền vững hơn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top