Aa

Bất động sản 24h: Môi giới bất động sản “vỡ òa“ khi có giao dịch đầu tiên trong năm

Thứ Tư, 08/03/2023 - 10:05

Môi giới bất động sản "vỡ òa" khi có giao dịch đầu tiên trong năm; Đề xuất tiếp tục cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản... là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Môi giới bất động sản "vỡ òa" khi có giao dịch đầu tiên trong năm

Sau một thời gian dài không có giao dịch thành công, một số môi giới tỏ ra chán nản muốn bỏ nghề, song cảm xúc "vỡ òa" khi bất ngờ có giao dịch đầu tiên của năm.

Từ nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng và kéo dài tới tận nay. Thanh khoản thị trường liên tục sụt giảm khiến môi giới bất động sản từ mới tới lâu năm cũng phải tạm bỏ nghề hoặc dừng hẳn. Ngoài ra, những người cố gắng bám trụ lại với nghề cũng rất chật vật để tìm kiếm giao dịch thành công.

Trải qua thời gian dài xoay sở tìm kiếm khách hàng, một số môi giới bất động sản "vỡ òa" khi có giao dịch đầu tiên của năm. Đơn cử, anh Nguyễn Quý, môi giới bất động sản tại Hà Nội chia sẻ, thị trường thời gian qua có những diễn biến khó lường khiến người mua có sự e ngại khi xuống tiền. Theo đó, nhiều đồng nghiệp cũng rơi vào tình cảnh tương tự giống anh, đều ít có giao dịch, thậm chí không có.

"Bằng giờ năm ngoái, thị trường bất động sản diễn biến sôi động nhưng thực tế tôi cũng ít có giao dịch. Bởi, thị trường nóng sốt các nhà đầu tư tự có thể mua bán dễ dàng mà không mất nhiều thời gian tìm kiếm khách mua", anh Quý nói.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đề xuất tiếp tục cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản

Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết trong đó tiếp tục cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn.

Đề nghị tiếp tục cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. (Ảnh minh họa: Reatimes)

Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị ban hành Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Mục tiêu của Nghị quyết nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản.

Về các nhiệm vụ chủ yếu, cùng với hoàn thiện thể chế, đối với thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ tổng thể, đồng bộ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong phát triển nhà ở nói chung, phát triển nhà ở xã hội nói riêng.

Cụ thể, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể nhằm tạo động lực phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới...

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hải Phòng khởi công dự án khu nhà ở xã hội gần 4.900 tỷ đồng

Sáng 7/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tới dự lễ khởi công Dự án khu nhà ở xã hội tại TP. Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 4.865 tỷ đồng.

Dự án được triển khai trên diện tích 16,9ha tại Tổng kho 3 Lạc Viên, số 142 Lê Lai, thuộc phường Cầu Tre và phường Máy Chai, quận Ngô Quyền.

Phát biểu tại lễ khởi công dự án, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết trong những năm gần đây, dù bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng Thành phố vẫn phát triển mạnh mẽ, trong đó tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) vẫn giữ vững được mức tăng trưởng từ 12 - 13%/năm; tổng thu ngân sách đã vượt mốc 100.000 tỷ đồng và năm 2022 đạt hơn 109.000 tỷ đồng.

Nhờ duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao, Thành phố có điều kiện quan tâm đầu tư, xây dựng chung cư mới để thay thế toàn bộ 205 chung cư cũ với gần 8.100 hộ gia đình đang sinh sống, trong đó có 178 chung cư xuống cấp và nguy hiểm cần phải xây dựng lại, với hơn 7.000 hộ dân.

Trước tình hình trên, từ năm 2016, Thành phố bắt đầu xây dựng các chung cư mới theo hình thức xây dựng - chuyển giao, đến nay đã xây dựng được 7 chung cư mới với 2.654 căn hộ; đã đưa 1.300 hộ dân đến chung cư mới và đang làm thủ tục để đưa các hộ dân lên các chung cư mới nêu trên.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Góc nhìn của doanh nghiệp bất động sản về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Theo ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng, doanh nghiệp phát triển bất động sản luôn tin tưởng và kỳ vọng vào chính sách điều hành của Chính phủ nhưng việc thiết kế chính sách cần có tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với từng bối cảnh để tránh tình trạng "làm màu". 

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới chỉ có 550 doanh nghiệp, giảm 62,4% so với cùng kỳ.  

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể là 235, tăng gần 20% so với 2 tháng đầu năm 2022; số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quay trở lại hoạt động là 608, giảm 18,8% so với cùng kỳ.

Trước đó, tại báo cáo thị trường bất động sản năm 2022, Bộ Xây dựng dẫn số liệu của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong năm 2022, số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể cũng tăng tới 38,7% so với năm 2021.

Có thể thấy, từ giữa năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều thách thức. Không ít doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoạt động, cắt giảm nhân sự; cũng không ít doanh nghiệp rơi vào tình cảnh phá sản, giải thể.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Năm 2023: Một năm giảm tốc của ngành bất động sản nghỉ dưỡng

Năm 2023, bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục được dự báo "chìm trong giấc ngủ đông" do vướng mắc pháp lý, tính thanh khoản kém và khả năng khai thác dòng tiền còn nhiều rủi ro.

Năm 2022, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng được đánh giá chỉ đang trong quá trình hồi phục, thị trường ghi nhận nguồn cung có tăng, nhưng mức tăng vẫn còn khá thấp so với giai đoạn năm 2019. Nguồn cung hầu hết tập trung tại miền Trung và miền Bắc.

Sức cầu thị trường ở mức cao nhưng chỉ tập trung cục bộ tại một số dự án trong 2 quý đầu năm 2022 và có dấu hiệu sụt giảm trong giai đoạn cuối năm 2022 cho đến nay. Nguyên nhân được cho là tâm lý nhà đầu tư đang thận trọng hơn sau loạt sự cố của các tập đoàn kinh doanh lớn, cùng với đó là nhiều biến động về kinh tế vĩ mô như áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, hạn chế tín dụng cho bất động sản, áp lực lạm phát và lãi suất.

Khảo sát của CBRE cho thấy, một số khu vực cũng đã trầm lắng về cả nguồn cung mới và lượng giao dịch do tăng trưởng nóng trong thời gian dài trước đó. Đơn cử như tại Đà Nẵng và Khánh Hòa, thị trường khan hiếm nguồn cung mới sau giai đoạn bùng nổ 2015 - 2018 và hiện nay mặt bằng giá gần như không có biến động.

Riêng tại thị trường Phú Quốc vẫn có nguồn cung mới (chủ yếu là giai đoạn tiếp theo của các dự án đã chào bán), biên độ tăng giá dần thu hẹp chỉ còn khoảng 7% theo năm (so với giai đoạn nóng năm 2016 - 2019 có thể đạt mức tăng từ 10 - 15% tùy năm).

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top