Aa

Cơn ác mộng lơ lửng mang tên “chuồng cọp“

Thứ Ba, 17/05/2022 - 06:15

Những “chuồng cọp” mọc ra từ những khu tập thể không còn là hình ảnh xa lạ ở Hà Nội. Chúng đã vô tình “khóa mạng sống” của người dân và trở thành mối nguy lớn khi hỏa hoạn xảy ra.

Nguy hiểm "rình rập" tại các khu tập thể xuống cấp

Những khung cửa gia cố thêm ở phần ban công của các căn hộ tại các khu tập thể, chung cư cũ của Hà Nội đã trở thành hình ảnh quen thuộc đến mức người ta đã đặt riêng cho chúng cái tên "chuồng cọp". Và đúng như tên gọi, những chiếc "chuồng cọp" này được làm rất kiên cố, chắc chắn, chỉ khác là thay vì giữ cọp, những khi không may có hỏa hoạn, sự cố thì những khung cửa ấy có thể sẽ giữ lại chính mạng sống của chủ nhân ngôi nhà phía sau song cửa sắt. 

Nguy hiểm như vậy, ai cũng biết, nhưng người dân vẫn làm, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu là vì phải cơi nới diện tích sinh hoạt ở những căn hộ vốn đã quá chật hẹp nên cần những rào sắt kiên cố ấy để làm "tường", hàng rào... cho các phần diện tích cơi nới thêm.

Thực tế này càng làm nghiêm trọng thêm tình trạng chật chội, chồng chéo không lối thoát ở các khu tập thể, chung cư cũ. Nếu xảy ra hỏa hoạn, người dân rất khó để thoát ra, lực lượng chức năng cũng sẽ đánh mất "khoảng thời gian vàng" để triển khai công tác cứu hộ vì các lối thoát như ban công, cửa sổ đều bị bịt kín bởi những song sắt kiên cố, tốn nhiều thời gian phá dỡ.

Hơn nữa, đa số nhà dân trong các khu tập thể cũ không được trang bị vật dụng cần thiết nếu có thiên tai, hỏa hoạn xảy ra. Ở đây luôn tồn tại “ba không” là không chuông báo động, không thiết bị phòng cháy chữa cháy, không lối thoát hiểm. Vì thế mà sinh mạng của những người dân nơi đây luôn trong trạng thái “ngàn cân treo sợi tóc” trước những nguy cơ họa hoạn có thể xảy bất cứ lúc nào.

Bài học từ rất nhiều sự việc thương tâm của các vụ hỏa hoạn tại các khu tập thể cũ thời gian vừa qua đã tiếp tục báo động, bật “đèn đỏ” cảnh báo thêm một lần nữa, đặc biệt là đối với những người dân tại nhiều khu tập thể đang ở cấp độ D (cấp độ nguy hiểm, cần di dời khẩn cấp). Ghi nhận của PV Reatimes, tại khu tập thể cũ G6B Thành Công, mặc dù nằm ở vị trí đắc địa nhưng lại trở nên nhếch nhác, mất an toàn phòng cháy chữa cháy bởi hệ thống “chuồng cọp” chằng chịt.

các khu tập thể cũ xuống cấp
Những "chuồng cọp" chồng chéo lên nhau, nhiều người đi qua cảm thấy rùng mình vì lo sợ nhà có thể sập xuống bất cứ lúc nào.

Chưa kể, cả một khối nhà tập thể có bao nhiêu căn hộ là bấy nhiêu phần diện tích cơi nới, các công trình cũ vốn đã xuống cấp sau hàng chục năm xây dựng nay lại phải "oằn mình" gồng gánh thêm phần diện tích mới lửng lơ này khiến nguy cơ lại càng hiện hữu.

“Nhà đè bẹp người” là khung cảnh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, song, người dân vẫn bám trụ lại bởi những thuận lợi về vị trí như: Gần trường học, các khu chợ, tuyến xe buýt,...

Bà Liên, người dân tại khu tập thể G6B Thành Công nơi đây chia sẻ: “Năm nay tôi đã gần 70 tuổi, ở cái tuổi này không còn muốn di chuyển nơi khác, đặc biệt là những nơi nhà không chạm đất, lơ lửng trên bầu trời. Còn con cháu muốn đi đâu thì đi, chứ tôi ở lại đây là được rồi. Nhà dù đã cũ những vẫn ở bình thường bao nhiêu năm nay đó thôi". 

“Ở lâu rồi cũng quen thôi. Chúng tôi cũng không muốn di dời sang chỗ khác vì ở đây đã hơn 20 năm. Biết là trước mắt đầy hiểm họa nhưng biết sao giờ, cứ sống được ngày nào hay ngày đó", bà Hiền, một người dân khác tại khu tập thể Thành Công bày tỏ.

các khu tập thể cũ xuống cấp
Nhà dân tại đây thường có diện tích dưới 20m2, do đó xuất hiện nhiều “chuồng cọp” được xây dựng để thêm diện tích sinh hoạt hơn. 
các khu tập thể cũ xuống cấp
Phần được cơi nới chỉ sử dụng vỏn vẹn 3 đến 4 thanh sắt làm trụ cắm gây nhiều nguy hiểm cho cuộc sống thường ngày của người dân nơi đây.

Theo nhiều người dân, tình trạng xuống cấp của chung cư, tập thể cũ ở Hà Nội đã trở thành nỗi ám ảnh, nỗi lo thường trực đối với các hộ dân sinh sống tại đây. Ở một số khu tập thể, khu chung cư cũ, nhiều hộ gia đình làm ăn khá giả, có điều kiện đã chuyển đi, để lại phòng trống mà không ai dám đến ở vì mức độ xuống cấp quá nghiêm trọng. Những hộ dân còn lại, dù muốn được chuyển đi nhưng điều kiện không cho phép nên họ đành chấp nhận sống trong sợ hãi, lo lắng và hoang mang trước những nguy hiểm luôn "rình rập".

Hỏa hoạn đến từ việc chủ quan, thiếu ý thức

Thực trạng chung tại các khu tập thể cũ hiện nay là hình ảnh các bức tường đã mọc rêu xanh và ẩm mốc. Do diện tích chật hẹp nên các hộ gia đình thường dùng mái hiên để sử dụng trong sinh hoạt, như nấu cơm và phơi quần áo. Song, kéo theo là nguy hiểm mất an toàn vì sự xuất hiện của các bình ga khi không được che chắn, phơi nắng phơi sương dễ hỏng hóc dẫn đến cháy nổ.

Một nguyên nhân nữa tạo nên những đám cháy ở khu “chuồng cọp” còn là do người dân thiếu ý thức trầm trọng. Nhiều gia đình hóa vàng ngay dưới đường điện của khu dân cư. Mặc dù đã được các cơ quan quản lý nhắc nhở nhiều lần nhưng trường hợp này vẫn đang tiếp diễn. Nhiều gia đình thậm chí còn không trang bị bình cứu hỏa, có suy nghĩ chủ quan rằng nếu có hỏa hoạn xảy ra thì đã có lực lượng chức năng. 

các khu tập thể cũ xuống cấp
Những vệt đen dài để lại trên tường sau những lần hóa vàng ngay dưới ổ điện của người dân
các khu tập thể cũ xuống cấp
Những hộp điện cũ kỹ "ẩn nấp" trong những hành lang chật hẹp, bí bách tại các khu tập thể
các khu tập thể cũ xuống cấp
Nhiều chùm dây điện nặng trĩu "bao vây" kín khắp mọi ngóc ngách của khu tập thể
các khu tập thể cũ xuống cấp
Hiện tượng cháy nổ do điện gây nên cứ diễn ra hàng loạt trong thời gian vừa qua
các khu tập thể cũ xuống cấp
Hàng lang tối tăm, ẩm thấp sâu hun hút không chỉ gây khó khăn trong việc thoát hiểm nếu cháy nổ xảy ra...
các khu tập thể cũ xuống cấp
... mà còn nhiều tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, trộm cắp hoành hành
các khu tập thể cũ xuống cấp
Cửa nhà xập xệ, tường bong tróc loang lổ mất thẩm mỹ, thậm chí ánh sáng mặt trời không thể len lỏi vào trong nhà, người dân luôn phải bật đèn trần dù là ban ngày
các khu tập thể cũ xuống cấp
 Kết cấu hạ tầng đã ọp ẹp, mục dần theo thời gian khiến khu tập thể xuống cấp, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn

TP. Hà Nội đã giao quận Ba Đình quyết định di dời 5 nhà chung cư nguy hiểm cấp D, bao gồm khu nhà Thành Công. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có biến đổi gì xảy ra. Nhiều người dân lớn tuổi còn e dè, không muốn tiếp xúc khi có phóng viên đến khảo sát, đưa tin. Liệu, trong thời gian sắp tới, những khu chung cư cũ có bị “xóa sổ” để đẩy nhanh công tác xây dựng lại Thành phố đổi mới hay không?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top