Hỏa hoạn luôn rình rập người dân tại các khu tập thể
Bên cạnh những tòa nhà cao tầng lung linh ánh đèn mỗi tối và phố phường luôn náo nhiệt, phồn hoa, Hà Nội vẫn còn những khu nhà tập thể như những "người cao tuổi” sức đã yếu, không còn khả năng lao động nhưng vẫn đang phải cố gắng làm việc quá sức.
Số lượng những dãy nhà tập thể bị liệt kê vào danh sách cần được sửa chữa và xây dựng mới tại Hà Nội đang có xu hướng gia tăng. Mặc dù câu chuyện về những khu tập thể cũ đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong suốt nhiều năm qua nhưng tình hình thực tế căng thẳng vẫn chưa được cải thiện nhiều, những “điều đáng tiếc” cứ thế xảy ra.
Những vụ hỏa hoạn liên tiếp tại các khu tập thể cũ trên địa bàn TP. Hà Nội trong thời gian gần đây đã gây thiệt hại lớn về người và của, một lần nữa là hồi chuông cảnh báo nguy cơ mất an toàn phòng chữa cháy tại các nhà tập thể cũ luôn tồn tại giữa lòng Thủ đô.
Phần lớn các công trình này đều được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980, tập trung tại các quận nội thành cũ (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng). Sau hàng chục năm đưa vào sử dụng, do áp lực về diện tích ở và sự quản lý yếu kém, 100% các khu chung cư cũ đều diễn ra tình trạng cơi nới, ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của kết cấu công trình, không đáp ứng được các yếu tố về xử lý cháy nổ tại chỗ…
Điển hình là một số khu tập thể cũ ở khu vực Thành Công, Giảng Võ (quận Ba Đình), Kim Liên, Trung Tự (quận Đống Đa), Nguyễn Công Trứ, Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng)…
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Reatimes, đặc điểm chung dễ nhận thấy tại các khu tập thể cũ ở Hà Nội là không có hệ thống đảm bảo an toàn PCCC theo đúng quy định. Hoặc nếu có thì các thiết bị PCCC đều đã xuống cấp hoặc hư hỏng không sử dụng hiệu quả khi có hỏa hoạn xảy ra. Thậm chí, nhiều vị trí không có nguồn nước cứu hỏa, hộp cứu hỏa không có dây dẫn nước chữa cháy…
Tại một nhà tập thể trên phố Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng), với tuổi đời gần nửa thế kỷ, không khó để thấy được dấu vết thời gian của công trình này. Anh Nguyễn Mạnh Hải, người dân sống tại đây cho biết, khu tập thể này cũng từng xảy ra không ít lần cháy nổ khiến người dân luôn sống trong lo lắng.
“Chỉ mới cách đây một tháng, do có người đốt giấy tiền ngay tại hàng lang đi lại, khiến lửa bùng cháy lên cao trạm gần tới dây điện. May mắn là cháy ban ngày nên chúng tôi đã phát hiện kịp để dập lửa cháy, chứ nếu mà cháy ban đêm thì cũng chịu chết. Hơn nữa là dù đám cháy cũng khá to, cách đó chưa đến 2m là hộp báo cháy nhưng chuông không hề kêu”, anh Hải nói.
Theo tìm hiểu, hệ thống phòng cháy, báo cháy đã được lắp đặt ở nhiều khu tập thể từ nhiều năm trước, tuy nhiên việc lắp đặt cũng mới chỉ mang tính chất “hình thức", chưa đạt tiêu chuẩn hay có tác dụng thực tế.
Hàng loạt những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ như hệ thống mạng điện chằng chịt, những “chuồng cọp” cơi nới treo kín quần áo, chăn màn… đã vô tình ngăn lối thoát nạn duy nhất của các căn hộ, khiến công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra hỏa hoạn gặp rất nhiều khó khăn.
Mặt khác, do xây dựng từ nhiều chục năm trước nên phần lớn các khu tập thể cũ đều thiết kế thoát nạn nhỏ hẹp, không có cửa thông gió. Thậm chí, nhiều vị trí không có nước cứu hỏa, hộp cứu hỏa không có dây dẫn nước chữa cháy.
Bà Linh (65 tuổi), người gắn bó lâu với khu tập thể Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Bấy lâu nay, chúng tôi cũng chỉ nghe loa phường thông báo về việc phòng cháy chữa cháy, chứ chưa được hướng dẫn thực tế, bình chữa cháy chưa sử dụng bao giờ, chưa biết dùng mà cũng chưa mua".
Mọi người tại khu tập thể cũng chỉ biết tự dặn nhau cẩn thận trong sử dụng các thiết bị điện, dùng bếp nấu nướng để phòng, chống chập, cháy và tự bảo vệ lấy thân mình chứ không may chỉ cần một ngon lửa bén lên là “mất hết” tất cả.
Muôn vàn những bất cập khác
Song hành cùng nỗi lo từ hiểm họa cháy nổ, các khu tập thể cũ còn có nỗi trăn trở về việc không đảm bảo vệ sinh môi trường, bất cập trong sinh hoạt đời sống, thiếu ánh sáng, an ninh kém.
Hầu hết hệ thống xử lý nước thải của những khu tập thể cũ đều không đáp ứng được tiêu chuẩn, nước thải cứ thế xả thẳng ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm nghiêm trọng. Hàng quán bán đồ ăn “mọc lên như nấm” lấn chiếm khu vực vỉa hè và không gian tầng 1. Rác thải tập kết bừa bãi ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Ghi nhận thực tế của phóng viên, ngay tại sân để xe của một số khu tập thể cũ, người dân dùng bếp ga, than củi ngay trong không gian chật hẹp để nấu nướng phục vụ hàng ăn. Thậm chí, trước khu tập thể là những đống rác, đồ đạc cũ, vật liệu linh tinh,… tạo nên khung cảnh ngổn ngang, bẩn thỉu và mất vệ sinh.
Các khu tập thể thường khá ẩm thấp và tăm tối không chỉ khiến không gian sinh sôi nhiều mầm bệnh mà an ninh trật tự ở đây cũng không được đảm bảo.
Chị Lưu Hà, người dân tại khu tập thể Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Mỗi lần đi làm về đều nơm nớp lo sợ vì hành lang dẫn vào nhà hun hút quá tối, không có đèn điện. Người ra kẻ vào khu tập thể này khá nhiều, chẳng biết ai với ai, thậm chí nhiều khách ăn uống ở các hàng quán tầng 1 xong còn lên hành lang của khu tập thể để ‘tiểu bậy’.
Cũng có những lần chính quyền cùng với người dân khu tập thể tính toán tự góp tiền sửa sang lại hành lang đi lại, tuy nhiên cũng chỉ mới nộp tiền và để đó, đã hơn hai năm rồi mọi thứ vẫn như thế, không có sửa sang gì hết."
Cùng lúc đó, những khu tập thể cũ ở các khu vực như Nghĩa Tân, Ba Đình, Giảng Võ... đã có tuổi đời lên đến mấy chục năm dù có được tu sửa đến mấy, những nơi này cũng không thể chiến thắng được sự “tấn công” của thời gian, không tránh được sự xuống cấp... Có lẽ vì vậy mà việc sinh sống tại đây của người dân luôn trong tình trạng lo lắng, thấp thỏm về sự cố hỏa hoạn.
Cũng theo chị Hà, tình trạng xuống cấp đã trở thành nỗi “ám ảnh” của những người dân sinh sống tại đây. Một số hộ gia đình làm ăn khá giả, có điều kiện đã chuyển đi, để lại nhiều phòng trống mà không có ai dám mua để ở vì mức độ xuống cấp đã quá nghiêm trọng. Còn lại mọi người dù muốn chuyển đi nhưng điều kiện không cho phép hay do một số lý do khác như: Khu vực trung tâm, thuận tiện đi lại,… nên chọn cách “sống chung với lũ”.
Trông ngóng cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể cũ
Bất cập lớn nhất hiện nay là dù các khu tập thể này không đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy nhưng cũng không thể cải tạo, khắc phục để cho cuộc sống sinh hoạt của người dân được an toàn hơn. Bởi lẽ, đây là tập thể cũ, kinh phí cải tạo, nâng cấp hệ thống phòng cháy, chữa cháy tốn kém nhưng chưa biết lấy từ nguồn nào, người dân đóng góp là điều rất khó vì kinh tế đa số còn khó khăn, còn chủ đầu tư, Ban quản lý nhà đã không còn tồn tại... Chính những lý do này đã làm cho các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy tại đây chỉ dừng lại ở tuyên truyền, nhắc nhở, nâng cao ý thức của người dân.
Theo KTS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, các khu chung cư cũ đều được xây dựng, sử dụng trên 50 năm nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhà cũ lại cơi nới chằng chịt "chuồng cọp" thì không thể đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ. Thiết kế ban đầu của nhà tập thể đều đã tính toán đến yếu tố an toàn thoát hiểm. Song, trong quá trình sử dụng của người dân thì vấn đề an toàn, thoát hiểm không được quan tâm đúng mức.
Người dân tại các khu tập thể đều cho hay, họ đã kiến nghị cả chục năm nay, nhiều đoàn khảo sát, chủ đầu tư cũng đã đến thăm dò nhưng đến nay vẫn gần như chưa có chuyển biến gì. Sự chậm trễ này đã khiến những căn nhà có tuổi đời cao từ năm này qua năm khác càng trở nên nguy hiểm với người dân.
Từ hơn 20 năm trước, vấn đề cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhà tập thể cũ đã được Hà Nội đặt ra nhiều lần, mục tiêu đến năm 2015 sẽ “xóa sổ” toàn bộ. Thế nhưng, đến nay mới chỉ có 19 chung cư cũ được cải tạo và đưa vào sử dụng, 14 dự án đang triển khai. Vấn đề thiếu nguồn lực, cơ chế thỏa thuận hỗ trợ đền bù di dời, quy hoạch, khiến việc cải tạo các khu tập thể cũ nát ở Hà Nội trở nên khó khăn hơn.
Mới đây, Thành phố tiếp tục ban hành kế hoạch cải tạo chung cư cũ đợt I. Theo đó, thành phố sẽ phá dỡ để xây dựng lại 4 khu chung cư nguy hiểm cấp D trên địa bàn quận Ba Đình, gồm nhà C8 (khu tập thể Giảng Võ), G6A (tập thể Thành Công), nhà A (tập thể Ngọc Khánh), khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi).TP. Hà Nội yêu cầu quận Ba Đình hoàn tất di dời các hộ dân trong quý I/2022.
Với chung cư đơn lẻ ở 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa), thành phố yêu cầu hoàn thành di dời các hộ dân trước quý I/2022 và phá dỡ trong quý II/2023.
Còn với nhà tập thể cũ 148 - 150 Sơn Tây, việc di dời cũng hoàn thành trong quý I/2022 và phá dỡ dự kiến trong quý III/2022.
Đã đến lúc, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng liên quan của TP. Hà Nội phải nghiêm túc vào cuộc, tuy nhiên việc thực hiện giải quyết các khu nhà tập thể xuống cấp trên địa bàn vẫn là "bài toán" nan giải./.