Aa

“Mới hoá” những màu xanh đô thị

Thứ Sáu, 22/05/2020 - 05:55

Màu xanh đô thị nên dựa trên sự tăng cường chia sẻ và gắn kết cộng đồng, thử nghiệm các mô hình vườn ít phụ thuộc đất đai hoặc cho phép đất đai được sử dụng đa chức năng thay vì đơn chức năng “thuần xanh” như hiện tại.

Những màu xanh “tồn tại cho có”

Tốc độ và áp lực đô thị hóa đã khiến các không gian xanh truyền thống đang ngày càng mất dần, nhường chỗ cho việc xây dựng các công trình kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật, thường được xem như những “thành tựu” dễ dàng nhận thấy về sự phát triển đô thị. Nếu nhìn vào tỷ lệ tương quan giữa diện tích cây xanh trên diện tích sàn xây dựng, có thể thấy diện tích cây xanh, dưới nhiều hình thức khác nhau, luôn bị đe dọa... xóa sổ, chuyển đổi sang các chức năng khác bởi tư tưởng “tấc đất tấc vàng”, đặc biệt là tại các đô thị lớn khi đất đai được xem là một nguồn tài nguyên có thể đem lại lợi nhuận không hề nhỏ cho các nhà đầu tư.

Những tòa chung cư gắn liền với thương hiệu Văn Phú - Invest đang mang lại không gian sống xanh, trong lành cho người dân Hà Nội

Các không gian xanh “truyền thống” thường gắn liền với đất đai, nghĩa là có bao nhiêu diện tích đất thì có bấy nhiêu diện tích cây xanh. Tuy diện tích đất dành cho cây xanh vốn đã eo hẹp, nhưng việc khai thác và vận hành các không gian này lại rất có “vấn đề” do phải thiết lập theo các yêu cầu pháp lý, trong khi chúng lại còn tiêu tốn một lượng kinh phí duy trì, chăm sóc, bảo dưỡng mà đôi lúc không mang lại lợi nhuận trực tiếp cho nhà đầu tư, dẫn đến những không gian xanh trở nên “tồn tại cho có”, làm giảm giá trị thẩm mỹ lẫn vai trò là những lá phổi xanh cho thành phố, mất dần đi tính thân thiện vốn có, thậm chí biến thành những không gian nhếch nhác, chứa rác thải và tập trung các tệ nạn xã hội.

TS. KTS Trần Minh Tùng

Các cuộc cách mạng công nghiệp lẫn công nghệ đã tác động mạnh mẽ vào quá trình sản xuất các không gian mới lẫn tái thiết các không gian hiện hữu của các đô thị, và tất nhiên, có các không gian xanh khi chúng được “mới hóa” theo những điều kiện và trình độ phát triển của mỗi thành phố. Nhiều loại hình màu xanh “phi truyền thống” đang được nghiên cứu và thử nghiệm dựa trên sự phối hợp liên lĩnh vực. 

Hiện nay, các đô thị trên thế giới đã bắt đầu phát triển các hình thức trồng cây mới dựa trên các công nghệ mới, các nhu cầu xã hội mới nhằm vẫn đảm bảo tỷ trọng màu xanh trong đô thị vốn ngày càng ô nhiễm cả về môi trường vật lý và môi trường xã hội. Có thể thấy một số khái niệm vườn đô thị mới đang được đề cập nhiều và ngày càng phổ biến tại các thành phố trên thế giới như vườn chia sẻ, vườn thẳng đứng, vườn trên không, vườn thủy canh, vườn khí canh...

“Mới hóa” những cách thức xanh hóa đô thị

Nguyên tắc của việc “mới hóa” các không gian xanh trong đô thị là dựa trên việc cập nhật những nhu cầu và cách thức vận hành xã hội đô thị, tận dụng những không gian đô thị đang bị “bỏ phí”, cũng như cập nhật các công nghệ mới trong việc nuôi dưỡng các loại cây xanh với chi phí và công sức bỏ ra hợp lý hơn.

Vườn chia sẻ (shared garden), hay vườn cộng đồng (community garden) trở nên rất phổ biến tại các thành phố phát triển khi phong trào nông nghiệp đô thị đang được đẩy mạnh, nhằm tìm kiếm một giải pháp xanh hóa không gian đô thị lẫn "xanh hóa" tâm lý người dân đô thị. Vườn chia sẻ được thiết lập, vận hành và quản lý dựa trên nền kinh tế chia sẻ, kết nối những người có nhu cầu “tự xanh hóa” lại với nhau để cộng tác và trao đổi, không chỉ là nguồn tài nguyên hữu hình như không gian, tiền bạc... mà còn trên cả tài sản phi hữu hình của họ như thời gian, kỹ năng..., đang được khuyến khích để đẩy mạnh các mối quan hệ xã hội bị phai mờ dần do cuộc sống công nghiệp. Những không gian xanh chung của các công trình kiến trúc hay đô thị, trong tình trạng “vô chủ” bởi “cha chung không ai khóc” trước đây thì bây giờ được gắn trách nhiệm và quyền lợi thiết thực vào những cộng đồng.

Không gian xanh trong đô thị là nơi chia sẻ gắn kết cộng đồng dân cư

Vườn thẳng đứng (vertical garden) dựa trên nguyên tắc chuyển diện tích cây xanh vốn diễn ra theo chiều ngang thành các mảng tường xanh chiều đứng, điển hình nhất là biến mặt đứng các công trình trở thành những khu vườn cung cấp màu xanh cho chính công trình lẫn cho đô thị. Vườn thẳng đứng còn làm giảm và hạn chế phần nào những ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp của các kiến trúc lên môi trường đô thị xung quanh do việc sử dụng một lượng diện tích lớn các vật liệu “thời thượng” trên các mặt đứng công trình phổ biến tại đô thị như kính (phản quang), bê tông, tường xây..., lẫn thúc đẩy những đóng góp gián tiếp về lâu dài vào quá trình phát triển kiến trúc và đô thị bền vững.

Vườn trên không (sky garden), được thiết lập dựa trên việc tận dụng không gian công trình như không gian trống trên các tầng, trên mái nhằm tạo ra các loại “đất cây xanh” trên cao ngay chính trong lòng một loại đất mang công năng khác. Thực ra, loại vườn này vẫn thường xuyên xuất hiện trong các công trình kiến trúc đô thị. Tuy nhiên vẫn mang tính “tạm thời” do các chủ công trình thường không tính toán đến việc tích hợp yếu tố kỹ thuật vào các không gian trên không này, như cấp, thoát nước, che chắn những yếu tố bất lợi của thời tiết để thuận lợi cho việc sinh trưởng của cây xanh khi chúng phải rời xa môi trường sống “truyền thống” là mặt đất.

Vườn trên không dự kiến được triển khai tại Sky Oasis - tòa tháp đôi cao cấp nhất tại Ecopark

Vườn thủy canh (hydroponics garden) với các cây trồng trong dung dịch hoặc giá thể mà không phải là đất, được định nghĩa như là “trồng cây trong nước” hoặc “trồng cây không cần đất”. Công nghệ trồng cây thủy canh vốn được con người phát triển từ lâu, được sử dụng nhiều trong nông nghiệp hiện đại, gắn với xu hướng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, được kiểm soát chất lượng an toan thực phẩm. Tuy nhiên nếu muốn áp dụng đại trà tại các thành phố (để góp phần vào việc phát triển nông nghiệp đô thị chẳng hạn) thì cần có thêm những nghiên cứu chuyên sâu để phù hợp với các hình thái không gian khác nhau trong đô thị.

Vườn khí canh (aeroponics garden), cũng với phương châm trồng cây không cần đất như vườn thủy canh, là một phương thức canh tác mới phát triển gần đây trong nông nghiệp. Vườn khí canh sẽ trồng cây trong môi trường không khí có chứa các thể bụi dinh dưỡng cung cấp cho rễ để cây sinh trưởng và phát triển. Tuy cách thiết lập vườn khí canh phức tạp hơn so với vườn thủy canh nhưng lại giúp tiết kiệm phân bón, giảm tiêu thụ nước, không cần thuốc bảo vệ thực vật, chiếm ít không gian..., vốn là những yêu cầu và mong muốn về không gian xanh của người dân đô thị trong tương lai.

Ngoài ra, các loại vườn được đề cập trên đây hoàn toàn có thể kết hợp với nhau để tạo ra những cách thức phát triển phức hợp cao hơn và phù hợp hơn với các điều kiện kiến trúc và đô thị khác nhau, chẳng hạn như một khu vườn thủy canh, chia sẻ và trên không hoàn toàn khả thi đối với những chung cư cao tầng, hay những vườn thủy canh thẳng đứng có thể trở thành những điểm nhấn quan trọng trên các mặt đứng công trình hoặc trong trang trí nội thất.

Nghĩ về tương lai bền vững xanh hóa đô thị Việt Nam

Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay các loại vườn nói trên phần nhiều được đưa vào đô thị vẫn mang tính tự phát, thử nghiệm trên quy mô nhỏ, lẻ tẻ, chủ yếu bởi các sáng kiến cá nhân, thậm chí còn phản tác dụng và bị phản đối do ảnh hưởng đến các chủ thể khác. Đã đến lúc các đô thị Việt Nam cần có những phong trào xanh hóa được tổ chức bài bản dựa trên sự đánh giá và phân tích tình hình thực tế để có cách thực hiện phù hợp nhất, không gây hiệu quả tiêu cực và vẫn đảm bảo diện tích màu xanh đô thị tăng lên ngay cả trong chính những khu vực có mật độ xây dựng cao. 

Rõ ràng, với các cách thức “mới hóa” như vậy, các chủ dự án hoàn toàn có thể chủ động hơn trong việc kiến tạo màu xanh cho dự án của mình. Ngoài ra những giải pháp này hoàn toàn có thể ứng dụng cho nhiều kiểu loại dự án xây dựng khác nhau, ở nhiều cấp độ khác nhau, từ quy hoạch xây dựng đô thị hay các khu vực đô thị đến những dự án công trình kiến trúc đơn lẻ, từ việc xây dựng mới đến sửa chữa, cải tạo hay tái thiết các công trình cũ có diện tích hạn chế, từ những kiến trúc cao tầng đến thấp tầng...

Các khu cây xanh, vườn hoa tạo không gian mở, nghỉ ngơi, thư giãn, đồng thời kết hợp với kiến trúc tiểu cảnh và các tiện ích để người dân có thể luyện tập thể thao, đi dạo...

Để làm được điều này, các nhà quản lý lẫn các nhà đầu tư phải thay đổi những quan điểm trong cách thức kiến tạo và vai trò của các không gian xanh trong đô thị, chẳng hạn như màu xanh đô thị nên dựa trên sự tăng cường sự chia sẻ và gắn kết cộng đồng, thử nghiệm các mô hình vườn ít phụ thuộc đất đai hoặc cho phép đất đai được sử dụng đa chức năng thay vì đơn chức năng “thuần xanh” như hiện tại, đồng thời cân bằng giữa các nguồn lực bỏ ra và thu về trong việc kiến tạo, vận hành và khai thác các không gian xanh đô thị. 

Từ đó các nguyên tắc tận dụng không gian để phát triển màu xanh đô thị theo cả chiều ngang lẫn chiều đứng cũng nên được pháp lý hóa, đi kèm với những hướng dẫn mang tính chuyên môn cao, kết hợp giữa các chuyên ngành đô thị, kiến trúc, cảnh quan, cây xanh và nông nghiệp để có thể tạo ra những mảng màu xanh trang trí cho kiến trúc cảnh quan đô thị nhưng vẫn có thể trở thành màu xanh sản xuất, mang lại tính kinh tế, giúp người dân có các sản phẩm nông nghiệp đô thị tại chỗ, yên tâm về nguồn gốc thực phẩm xanh.

Như vậy, để có được những màu xanh đô thị bền vững, các thành phố cần thông qua những thỏa thuận và quy chế về việc sử dụng và khai thác dựa trên sự đối thoại về nhu cầu giữa các chủ thể như chính quyền, nhà quản lý, chủ dự án, cộng đồng dân cư..., sẽ giúp các không gian xanh được duy trì tốt hơn bởi các bên đều có lợi - đô thị thì có màu xanh, những dự án xây dựng thì có hình ảnh thân thiện, còn người dân thì có những không gian trong lành, giải tỏa căng thẳng về tâm lý.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top