Aa

Mối lo nợ xấu của ngân hàng vẫn còn nguyên

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 04/05/2023 - 15:12

Rủi ro nợ xấu của ngân hàng vẫn còn nguyên khi chất lượng tài sản thiếu ổn định, dự án bất động sản vẫn chưa triển khai mạnh, trái phiếu còn nút thắt…

Chưa thể lạc quan với nợ xấu

Mùa đại hội cổ đông vừa qua cho thấy, xu hướng nợ xấu vẫn đang diễn ra phổ biến ở khá nhiều ngân hàng. Tính đến ngày 31/3/2023, tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng OCB là 4.045 tỷ đồng, tăng 51,4% so với hồi đầu năm, kéo theo tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tăng từ 2,23% lên 3,32%.

Tương tự, nợ xấu nội bảng của ngân hàng MBBank tăng 68% so với hồi đầu năm lên mức 8.453,3 tỷ đồng (tương đương tăng gần 3.422 tỷ đồng.

Ngân hàng TPBank đang có 2.497 tỷ đồng nợ xấu, tăng mạnh tới 84% so với cuối năm 2022. Trong đó, nợ xấu chủ yếu gia tăng ở nhóm 3 (tăng gấp 3,1 lần) và nhóm 4 (tăng gần 64%). Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 0,84% hồi cuối năm 2022 lên 1,45% khi kết thúc quý I/2023.

Tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank chia sẻ, tình hình khó khăn của nền kinh tế và doanh nghiệp thời gian qua đã phản ánh vào kết quả kinh doanh của ngân hàng. Quý I/2023, nợ xấu của VPBank tăng lên mức 2,6% (cuối năm 2022 là 2,19%). Dự kiến, nợ xấu ngân hàng còn tăng tiếp trong quý II, trước khi giảm nửa cuối năm 2023. Con số nợ xấu tăng nhanh khiến lợi nhuận quý I/2023 của VPBank không đạt kỳ vọng, nguyên nhân là ngân hàng phải trích lập tới 2.600 tỷ đồng dự phòng rủi ro nợ xấu.

Theo giới phân tích, xu hướng nợ xấu này dự báo còn kéo dài đến hết nửa đầu năm 2023. Đặc biệt, những nút thắt chưa được tháo gỡ của thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán...) sẽ tác động đáng kể tới diễn biến của lãi suất và tình hình hoạt động ngân hàng trong năm 2023. Thách thức xử lý nợ còn đến từ hàng loạt resort, condotel, khách sạn 3 - 5 sao và hàng không kinh doanh thua lỗ từ đại dịch đến nay.

Đó còn chưa kể, các ngân hàng cũng là những người tham gia vào thị trường trái phiếu sôi động nhất. Chỉ cần chủ đầu tư không trả được một lô trái phiếu đến hạn sẽ kéo theo toàn bộ dư nợ của doanh nghiệp tại ngân hàng có thể chuyển sang nợ xấu. May mắn cho các chủ đầu tư là Nghị định 08 cho phép các tổ chức phát hành đàm phán với trái chủ để kéo dài thời gian đáo hạn thêm 2 năm. Dù vậy, mặt bằng lãi suất cơ bản vẫn ở mức cao khiến cho giá trái phiếu rớt thảm hại. 

Xu hướng nợ xấu dự báo còn kéo dài đến hết nửa đầu năm 2023.
Xu hướng nợ xấu dự báo còn kéo dài đến hết nửa đầu năm 2023. (Ảnh minh hoạ. Diễn đàn doanh nghiệp)

Giới phân tích dự báo, việc gia tăng đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp liên quan đến ngành bất động sản trong những năm trở lại đây và tình trạng thiếu thanh khoản có thể dẫn đến nợ xấu lập đỉnh mới. Giống như giai đoạn 2011 - 2012, bất động sản lại trở thành bóng ma ám ảnh ngân hàng. Lãi suất tăng đột ngột năm qua khiến các khoản vay mua bất động sản sẽ trở nên khó khăn hơn để trả nợ. Thanh khoản thị trường giảm sút nhanh chóng khiến cho sức khỏe tài chính của chủ đầu tư suy yếu. 

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Nghiên cứu CTCK Maybank Việt Nam cho hay: "Khó khăn của thị trường bất động sản có thể ảnh hưởng đến triển vọng chất lượng tài sản của ngành ngân hàng. Các câu hỏi chính mà chúng tôi đang tìm kiếm câu trả lời hiện nay bao gồm: lĩnh vực bất động sản sẽ trở lại như thế nào từ sự hỗn loạn này; liệu áp lực nợ xấu tiềm ẩn này có khiến ngành ngân hàng Việt Nam rơi vào khủng hoảng nợ xấu; và điều này sẽ tác động như thế nào đến các ngân hàng về triển vọng trích lập dự phòng? Thành thật mà nói, chúng tôi không có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi đầu tiên. Nhưng chúng tôi quan sát và tin rằng Chính phủ sẽ hành động để ngăn chặn sự sụp đổ trong lĩnh vực bất động sản. Đương nhiên vẫn còn lo ngại về nợ xấu từ lĩnh vực bất động sản".

Vị này cho biết thêm, các ngân hàng Việt Nam cũng sẽ không rơi vào khủng hoảng như năm 2011 -  2012. Bởi các yếu tố nền tảng vĩ mô, khung pháp lý và bộ đệm giảm rủi ro cho vay mạnh mẽ hơn hiện nay có thể giúp các ngân hàng tránh được cú sốc chi phí tín dụng. Uớc tính nếu kịch bản xấu xảy ra, các ngân hàng Việt Nam sẽ cần ít hơn 1,5 năm để xử lý nợ xấu, thông qua trích lập dự phòng.

Rủi ro khi ngân hàng gánh nợ xấu

Nợ xấu không chỉ có ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng thương mại mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế của cả quốc gia. Nợ xấu kéo theo những hệ luỵ làm suy giảm sự phát triển, nghiêm trọng hơn còn có thể dẫn đến sự đổ vỡ của toàn bộ hệ thống ngân hàng, đe dọa tới nền kinh tế và an ninh tài chính quốc gia.
Điều này càng nghiêm trọng hơn khi hiện nay phần lớn các doanh nghiệp đều có quy mô vừa và nhỏ. Nguồn vốn hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Nếu ngân hàng chịu ảnh hưởng từ nợ xấu, buộc phải siết chặt việc cho vay sẽ làm tắc nghẽn dòng vốn hoạt động, ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. 

Nếu nợ xấu của một ngân hàng phát triển theo chiều hướng xấu và không được giải quyết kịp thời, ngân hàng có thể đổ vỡ dẫn đến hiệu ứng dây chuyền đối với hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: Reatimes)

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, ngành ngân hàng của Việt Nam đang đối mặt với ba vấn đề lớn là thanh khoản, chất lượng tài sản và lãi suất.

Một vài ngân hàng đang trông cậy vào sự trợ giúp của NHNN để bảo toàn thanh khoản, có nghĩa là khả năng trả tiền gửi khách hàng và trả nợ. Sự thiếu hụt thanh khoản đến từ 2 nguyên nhân chính là nợ xấu và trái phiếu doanh nghiệp.

Nợ xấu làm dòng tiền cho vay không trở lại với ngân hàng và do đó buộc nhiều ngân hàng phải huy động vốn với lãi suất cao để bù đắp thanh khoản. Cùng với đó, các khoản đầu tư nhiều rủi ro, trong đó có việc nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, khi nhiều nhà phát hành trái phiếu phải hoãn nợ, đứng trước nguy cơ vỡ nợ sẽ khiến thanh khoản ngân hàng càng trở nên căng thẳng.

Vì thiếu thanh khoản, nhiều ngân hàng vẫn phải duy trì lãi suất cao để huy động tiền gửi. Lãi suất huy động tăng đẩy lãi suất cho vay lên cao làm tê liệt nền kinh tế và đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng ngưng hoạt động hay phá sản. Cứ như vậy, nền kinh tế và ngành ngân hàng rơi vào vòng xoáy, doanh nghiệp gặp khó khăn đưa đến nợ xấu và chậm trả nợ; nợ xấu và hoãn nợ dẫn đến tăng lãi suất để huy động vốn mới để trả vốn cũ và từ đó đẩy lãi suất lên cao; lãi suất cao tạo ra nguyên nhân nhiều doanh nghiệp bị đánh bật khỏi thương trường. Cuối cùng, khủng hoảng và suy thoái sẽ sớm xuất hiện.

TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia
TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia. (Ảnh: Reatimes)

TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia phân tích, tỉ lệ nợ xấu ngân hàng vẫn trong tầm kiểm soát (nợ xấu nội bảng 2%, nợ xấu gộp 3,5%). Tuy nhiên, trong bối cảnh tác động của thời kỳ hậu đại dịch, nền kinh tế có nguy cơ suy thoái nhẹ và mặt bằng tỉ giá cao, nghĩa vụ trả nợ tăng..., doanh nghiệp ở một số lĩnh vực sẽ gặp nhiều khó khăn, từ đó đẩy cao nợ xấu.

"Chất lượng tài sản của hệ thống tài chính đang tiềm ẩn rủi ro, khi nợ xấu có xu hướng tăng. Lượng trái phiếu doanh nghiệp, nhất là bất động sản đáo hạn khá lớn. Rủi ro liên thông giữa lĩnh vực tài chính - bộc lộ rõ nét hơn. Tuy nhiên, tất cả vẫn trong tầm kiểm soát", TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Để ổn định và phát triển thị trường tài chính, chuyện gia cho rằng cần nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp chính sách tiền tệ và tài khoá, tiếp tục đẩy nhanh giải ngân chương trình phục hồi 2022 - 2023, chương trình mục tiêu quốc gia và đầu tư công. Các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tài chính, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém cũng cần thực hiện đồng bộ. Ngoài ra, việc tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính tăng vốn chủ sở hữu, đáp ứng nhu cầu cung ứng và phân bổ vốn cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn vốn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top