Trao đổi với các hội viên Hội Môi giới BĐS trong cuộc gặp gỡ đầu năm 2017, ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS cho biết, tình hình thị trường BĐS trong 2 tháng đầu năm 2017 tiếp tục ổn định so với những tháng cuối năm 2016. Tuy vậy, lượng giao dịch trong tháng 2 đã giảm so với tháng trước do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết và tâm lý khách hàng chưa muốn trả khoản tiền lớn ngay những ngày đầu năm.
Ông Hà cũng hi vọng, thị trường BĐS 2017 sẽ phát triển tích cực hơn, cân đối hơn, không chỉ tập trung vào các sản phẩm cao cấp, mà sẽ có nhiều hơn sản phẩm nhà ở thương mại bình dân, nhà ở xã hội được cung cấp ra thị trường. Nhưng thực tế thị trường cho thấy, sự bùng phát các tranh chấp tại hàng loạt dự án căn hộ chung cư, nhà cao tầng mang đến những rủi ro tiềm ẩn và giao dịch có thể bị ảnh hưởng không đơn thuần từ mối quan hệ cung - cầu.
Treo biển bán nhà
Chủ nhân nhiều căn biệt thự, liền kề tại một dự án BĐS quy mô lớn tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã nhiều lần bức xúc treo biển bán nhà trong tháng 2/2017, dù thực tế đang sinh sống ổn định. Nguyên nhân sự việc do chủ đầu tư vi phạm các cam kết về quy hoạch giao thông, cũng như không đảm bảo các điều kiện an ninh, an toàn cho người ở. Nhiều vụ trộm cắp diễn ra trong khuôn viên khu đô thị được quảng cáo là “tiện ích khép kín, tiện nghi hoàn hảo”, đã khiến nhiều người thất vọng và bức xúc treo biển bán nhà nhằm gây áp lực cho chủ đầu tư.
Câu chuyện còn phức tạp và gây ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự xã hội, an ninh đô thị khi ngày 5/3 vừa qua, hàng trăm người dân sinh sống tại khu chung cư Home City Trung Kính (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã giăng biểu ngữ phản đối chủ đầu tư gây ách tắc giao thông. Theo các cư dân tại Dự án do Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Văn Phú - Trung Kính làm chủ đầu tư, doanh nghiệp này đã lừa người mua nhà về lối đi vào khu chung cư. Bởi trước khi bán nhà, chủ đầu tư giới thiệu Dự án có địa chỉ 177 - Trung Kính, nhưng khi về ở ổn định thì lại yêu cầu người dân đi theo con ngõ nhỏ bên đường Nguyễn Chánh.
Hàng loạt vụ tranh chấp khác giữa người mua và người bán nhà xảy ra những tháng đầu năm 2017 tại khu chung cư Park View Residence (khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội), Dream Home Place (quận 2, TP.HCM), Petro Vietnam Landmark (quận 2, TP.HCM)… đang làm xói mòn lòng tin của thị trường.
Ai là người hưởng lợi?
Trên bình diện chung, thị trường nhà ở Hà Nội trước và sau Tết Nguyên đán đang có dấu hiệu chững lại. Theo Savills Việt Nam, trong quý IV/2016, tổng nguồn cung sơ cấp đạt 21.670 căn, trong đó, 6.730 căn đã bán đến tay khách hàng, giảm 2% so với quý III/2016 và giảm 9% so với năm 2015. Có nhiều nguyên nhân gẫn đến sự sụt giảm này, trong đó có việc bùng phát tranh chấp giữa các chủ đầu tư và người mua nhà. Câu hỏi được giới đầu tư đặt ra, ai sẽ là người hưởng lợi từ các vụ tranh chấp này?
Theo ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Kinh doanh CTCP ACC Thăng Long, chủ đầu tư Dự án Artemis (số 3 - Lê Trọng Tấn, Hà Nội), những vụ việc này sẽ ảnh hưởng đến thị trường chung trong ngắn hạn. Người mua sẽ dừng lại để nghe ngóng, đặc biệt là người mua chung cư có thể sẽ lựa chọn sản phẩm nhà đất nếu có cơ hội. Về lâu dài, người mua sẽ lựa chọn những dự án, những chủ đầu tư có uy tín. “Đây lại là cơ hội bán hàng cho những doanh nghiệp, những nhà đầu tư giữ chữ tín với khách hàng”, ông Trần Tuấn Anh phân tích.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam thì cho rằng, việc tranh chấp giữa khách hàng và các chủ đầu tư dự án BĐS gây thiệt hại trước hết cho người mua nhà khi cuộc sống của bản thân và gia đình bị xáo trộn. Chủ đầu tư cũng ảnh hưởng lớn đến uy tín, việc mời gọi hợp tác đầu tư, kinh doanh cũng sẽ khó khăn hơn.
“Những nhà đầu tư BĐS chuyên nghiệp cần hạn chế tối đa những tranh chấp với khách hàng, những người đã mua sản phẩm BĐS của mình”, ông Hà nhấn mạnh.