Aa

Môi trường tiền rẻ được duy trì nhưng khó có thể nới lỏng thêm

Thứ Ba, 20/04/2021 - 13:36

Việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đang được diễn ra trên thế giới đã tạo ra kỳ vọng về khả năng hồi phục của nền kinh thế thế giới, đây là yếu tố rủi ro về khả năng lạm phát có thể sẽ tăng cao.

Theo Báo cáo chiến lược vĩ mô và thị trường quý 1/2021 của CTCK Bảo Việt (BVSC), có thể thấy trong thời gian gần đây, kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2021 đã dẫn tới dự báo về nhu cầu nguyên vật liệu sẽ tăng cao - đặc biệt là giá dầu. Thêm vào đó, việc nhu cầu tăng mạnh trong khi sản xuất chưa có sự hồi phục được cho là có thể sẽ dẫn tới hiện tượng thắt cung (supply bottleneck), tạo ra áp lực áp lực lạm phát từ cầu kéo (demand-pull inflation).

Rủi ro lạm phát đã dấy lên lo ngại về việc ngân hàng trung ương các nước có thể sẽ thu hồi nới lỏng định lượng (Quantitative Easing - QE) và tăng lãi suất điều hành.

Dòng tiền rẻ không được duy trì, lạm phát có thể xảy ra sẽ tác động đến TTCK ra sao?
Dòng tiền rẻ không được duy trì, lạm phát có thể xảy ra sẽ tác động đến TTCK ra sao?

Tuy vậy, theo quan điểm của các chuyên gia phân tích BVSC, nhà đầu tư không nên quá lo sợ lạm phát và rủi ro các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới chấm dứt QE và tăng lãi suất điều hành trong năm nay bởi những nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, mặc dù giá dầu trên thế giới đã có sự hồi phục và tăng mạnh mẽ trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, sau khi so sánh tương quan giữa cung và cầu hiện tại và trong tương lại, giá dầu không còn nhiều dư địa để có thể tiếp tục duy trì đà tăng giá trong năm 2021 và được dự báo sẽ dao động quanh mức trung bình 65 - 70 USD/thùng. Do đó, rủi ro lực lạm phát chi phí đẩy (cost-push inflation) đến từ việc giá dầu duy trì đà tăng sẽ không phải là điều đáng lo ngại.

Thứ hai, kể cả khi điều trên không xảy ra, theo quan sát của các chuyên gia phân tích về hành động của Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED) trong 2 cuộc khủng hoảng 2001 và 2007 cho thấy chỉ báo CPI YoY của Mỹ thường vượt lên trên mức 2% trong khoảng thời gian trước khi FED thực hiện việc thắt chặt tiền tệ.

Nguyên nhân của việc này đến từ việc FED ngoài nhiệm vụ duy trì ổn định giá còn có nhiệm vụ hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc giúp nền kinh tế đạt mức toàn dụng lao động.

Thêm vào đó, trong năm 2020, FED cũng đã thay đổi tiêu chuẩn lạm phát từ mức mục tiêu cứng 2% sang mục tiêu trung bình 2%. Điều đó cho phép FED có thể để cho lạm phát vượt lên trên 2% trong 1 thời gian dài hơn nhằm hỗ trợ nền kinh tế mà không mất đi sự đáng tin cậy của mình.

Do đó trong bối cảnh CPI của Mỹ trong tháng 2 đã tăng lên đến mức 1,7%, nhưng với mức thất nghiệp vẫn ở mức 6,77%, còn cách khá xa mức thất nghiệp tự nhiên của nền kinh tế Mỹ (4,47%) thì nhiều khả năng FED vẫn sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ mang tính chất hỗ trợ (accommodative) như hiện tại.

Thứ ba, đối với trường hợp của các ngân hàng trung ương các quốc gia khác như ECB của EU và BoJ của Nhật Bản, kết quả các cuộc họp gần đây của 2 ngân hàng trung ương này cho thấy, 2 tổ chức này vẫn quyết định duy trì chính sách tiền tệ mang tính nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh hồi phục hậu dịch.

Thêm vào đó, thực tế trong thời gian gần đây, chúng ta có thể thấy ECB và BoJ phải đối mặt với rủi ro thiểu phát nhiều hơn lạm phát, do cơ cấu dân số gài và nhu cầu yếu. Do đó, nhiều khả năng 2 ngân hàng trung ương này vẫn sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ mang tính nới lỏng và hỗ trợ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đó là những dự kiến trong năm 2021, còn năm 2022, khi kinh tế bắt đầu phục hồi, hay lạm phát thực sự trở thành rủi ro, bối cảnh chính sách tiền tệ sẽ không còn hỗ trợ thị trường chứng khoán như vừa qua.

Điều này, có thể thấy tại Trung Quốc. Đối với ngân hàng trung ương Trung Quốc, mặc dù đây một trong những tổ chức tiền tệ của nền kinh tế lớn thực hiện việc dừng nới lỏng tiền tệ, tổ chức này được dự báo sẽ tiến hành việc này một cách từ tốn và chia thành các đợt nhỏ.

Trong các văn bản về diễn biến cuộc họp gần đây của ngân hàng trung ương quốc gia này, có thể thấy, tổ chức này dù chưa có ý định đảo ngược chính sách tiền tệ hiện hành mà chỉ có những động thái hạn chế để tránh hệ quả tiêu cực đến từ việc kích thích quá mức (stimulus overshoot).

Nhưng những động thái này đã ngay lập tức ảnh hưởng tới diễn biến các chỉ số chứng khoán trên thị trường. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm từ mức 3.696,16 điểm vào ngày 19/02/2021 xuống mức 3.357,73 điểm vào ngày 10/03/202 - giảm -338,43 điểm, tương đương -9,16%. Chỉ số CSI 300 cũng của nước này thậm chí còn giảm từ mức 7.348,26 điểm vào ngày 19/02/2021 xuống 6.321,12 điểm vào ngày 10/03/2021 - giảm -1.027,14 điểm đương đương mức giảm -13,98%.

Nếu có thể tìm điểm tích cực từ các động thái của Ngân hàng Trung ương (NHTW) Trung Quốc thì đó là việc giảm bớt kích thích kinh tế của quốc gia này cũng giảm bớt áp lực lạm phát đến từ sự tăng giá của các nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới, do nước này chiếm tới 50 - 60% nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới.

BVSC đánh giá, dù có đối diện với đợt tăng lãi suất vào năm 2022, thông thường thị trường cổ phiếu vẫn có thể hồi phục và sau đó tăng điểm trở lại sau những lần thắt chặt tiền tệ đầu tiên. Lý do của việc này là do NHTW các nước thường thực hiện việc thắt chặt tiền tệ từ từ khi nền kinh tế vẫn đang ở trong pha tăng trưởng, khi đó các doanh nghiệp vẫn có được kết quả kinh doanh khả quan và làm giảm bớt tác động của việc tăng lãi suất điều hành.

"Do đó, chúng tôi cho rằng cũng không phải quá lo ngại khi NHTW các nước thực hiện việc tăng lãi suất hay thắt chặt tiền tệ ở những lần đầu tiên. Trong quá khứ, thị trường thường đảo chiều và rơi vào giai đoạn giá xuống ở lần tăng lãi suất thứ ba của các NHTW" - BVSC cho biết./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top