Aa

"Mong muốn nhân viên phải bước ra khỏi tư duy cũ"

Thứ Ba, 05/05/2020 - 14:39

Đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) năm 2014, ở thời điểm ngành ngân hàng đang gặp khó và SCB cũng không ngoại lệ, ông Đinh Văn Thành vẫn lạc quan với nhiều kế hoạch đặt ra và tự tin "làm được".

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Đinh Văn Thành

Đến nay, SCB đang nằm trong Top 5 ngân hàng TMCP có quy mô lớn nhất Việt Nam và bước đầu đạt được những kết quả kinh doanh khả quan.

PV: Tốc độ thay đổi của ngành ngân hàng và thị trường rất nhanh, ông đã có những thay đổi gì để có được thành tích cũng như đạt đích các kế hoạch "phải làm được", thưa ông?

Ông Đinh Văn Thành: Nếu như năm 2010 - 2011, sự thay đổi chỉ mang tính chất định hướng thì từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã có sự thay đổi quyết liệt về con người, quản trị, điều hành, quy chế, định hướng và cơ cấu tổ chức. Đặc biệt, vai trò của người dẫn đầu, vị trí Chủ tịch HĐQT cũng được giao nhiều trọng trách hơn để làm sao đưa ngân hàng đi đúng hướng, đúng kế hoạch đề ra, nhất là đáp ứng được mô hình mới.

Cũng trong năm 2011, dự báo của giới chuyên gia cho biết, nhu cầu sử dụng Internet Banking, Mobile Banking của người dân Việt Nam sẽ tăng trên 30% mỗi năm... Khi công nghệ thu hút người dùng, cũng sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp. Vì vậy, ngay thời điểm đó tôi đã quan tâm đến hệ thống công nghệ thông tin và nhận ra đó chính là yếu tố sống còn của ngân hàng. Và SCB đã đầu tư, nâng cấp hệ thống lõi (Core - Banking) và đã tạo được hiệu quả kinh doanh tốt.

PV: Gần 6 năm điều hành SCB, giai đoạn nào ông cho rằng khó khăn và nhiều thách thức nhất?

Ông Đinh Văn Thành: Có thể nói, 2011 - 2012 là giai đoạn nhiều khó khăn của ngành ngân hàng. Đây cũng là thời điểm SCB chính thức ra đời từ sự hợp nhất ba ngân hàng gồm SCB cũ, Đệ Nhất và Việt Nam Tín Nghĩa.

Khi đó, cả ba ngân hàng đều có bộ máy riêng, hoàn cảnh và văn hóa khác nhau, nên việc thống nhất chung bộ máy, chọn ai, sàng lọc ai để đảm bảo sự "bình yên" nội bộ là rất khó. Có thể nói, đây là giai đoạn thách thức nhất với ban quản trị của SCB.

PV: Trong rất nhiều vấn đề phải làm, điều gì ông quan tâm nhiều nhất và cho rằng quyết định sự thành công của SCB?

Ông Đinh Văn Thành: Đó là con người. Muốn ngân hàng thay đổi thì trước hết con người phải thay đổi cách làm cũ, tư duy cũ. Muốn vậy, họ phải được đào tạo, được cọ sát thực tế và hiểu thị trường thấu đáo mới hoàn thành tốt công việc.

Trong một tổ chức, khi mọi người cùng đi trên một con thuyền mà không được đào tạo để cùng chung chí hướng, tầm nhìn sẽ rất khó để cùng nhau đi đến mục tiêu chung.

Song, đào tạo chưa đủ mà phải làm sao để nhân viên yên tâm gắn bó và có động lực cống hiến hết mình. Muốn vậy, SCB phải là ngôi nhà chung. Trong đó, người lãnh đạo là anh cả, mọi ứng xử đến việc làm, thậm chí khi xử lý vấn đề liên quan đến nhân sự phải dựa trên sự thấu hiểu và đưa ra quyết định thấu tình đạt lý. Khi ở vị trí lãnh đạo, tôi tâm niệm: Chỉ có sự công tâm và thấu hiểu mới thu phục được nhân tâm.

PV: Nguồn nhân lực ngành ngân hàng, đặc biệt vị trí quản lý cấp trung còn đang thiếu. Vậy chiến lược giữ nhân lực và thu hút nhân tài của SCB như thế nào, thưa ông?

Ông Đinh Văn Thành: Cách đây nhiều năm, tôi đã hợp tác với rất nhiều trường đào tạo. Năm 2019 tôi cũng kết hợp với trường đào tạo cấp cao và đã đào tạo được ba khóa cho cán bộ cấp trung và dự kiến cuối năm nay, chúng tôi cũng hoàn thiện chương trình đào tạo cho lãnh đạo cấp cao.

Mặc dù chi phí đào tạo luôn chiếm một khoản không nhỏ trong doanh thu nhưng tôi vẫn quyết đầu tư để nhân viên có kiến thức mới, để họ thay đổi đột phá. Mong muốn của tôi là tất cả nhân viên phải bước ra khỏi cơ chế cũ, cách làm cũ, có tầm nhìn mới, kiến thức mới về mọi mặt, nhất là quản trị để đáp ứng nhu cầu hiện nay, đặc biệt là những tiêu chuẩn cao mà Ngân hàng Nhà nước đề ra.

Khi đưa ra chiến lược kinh doanh mới, tôi không ngồi trên giao việc mà luôn luôn đi đầu với tinh thần chúng ta cùng làm, anh em cứ yên tâm "xông vào trận mới", có tôi chịu trách nhiệm

PV: Và ông có... sẵn sàng trao quyền?

Ông Đinh Văn Thành: Sẵn sàng chứ (cười)! Cho đến bây giờ, điều tự hào nhất là tôi đã tập hợp được nhiều người giỏi đồng hành với mình. Theo tôi, muốn tập hợp được người giỏi thì phải cho họ nhìn thấy tương lai con đường mình đang đi, trong đó quan trọng nhất là sự phát triển của bản thân.

Đã là con người thì không ai hoàn thiện mà phải có thiếu sót. Quan trọng là biết tập hợp những cái giỏi của mỗi người, chỉ cho họ thiếu sót và tạo cơ hội, điều kiện để họ được phát huy và đóng góp.

PV: Và hiệu quả có như kỳ vọng của ông?

Ông Đinh Văn Thành: Mặc dù trong giai đoạn cơ cấu, SCB còn nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến nhiều thứ nhưng bước đầu chúng tôi cũng có rất nhiều thay đổi tích cực. Đầu tiên là bộ mặt của SCB đẹp hơn, rất nhiều khách hàng cảm nhận được sự thay đổi của SCB về thương hiệu, con người.

Đời sống, thu nhập và tinh thần của nhân viên cũng tốt hơn. Tuy nhiên, đây chưa phải là mục tiêu lớn nhất mà tôi hướng đến. Tâm huyết của tôi là làm sao SCB phát triển mạnh mẽ, trở thành một ngân hàng hiện đại và năng động, làm sao để người lao động tự tìm đến SCB.

Song, muốn như thế thì văn hóa doanh nghiệp là quan trọng. Trong đó, người lãnh đạo không phải giới chủ quyền lực để ra oai hay thể hiện uy quyền mà phải cùng xắn tay vào làm với mọi người, là cầu nối để gắn kết mỗi người cùng gánh vác trọng trách chung của SCB.

PV: Ông có thể tiết lộ "bí quyết" truyền cảm hứng cho nhân viên và tạo ra văn hóa doanh nghiệp hiệu quả?

Ông Đinh Văn Thành: Tôi là người luôn quan tâm đến cái mới nhưng cái mới cũng là vật cản tâm lý, bởi ai cũng ngại nhận trách nghiệm và thất bại. Vì vậy, khi đưa ra chiến lược kinh doanh mới, tôi không ngồi trên giao việc mà luôn luôn đi đầu với tinh thần chúng ta cùng làm, anh em cứ yên tâm "xông vào trận mới", có tôi chịu trách nhiệm.

Thực tế, cũng có không ít sai sót và không như ý muốn nhưng quan điểm của tôi, không làm thì không biết lỗi. Có làm mới biết mình sai chỗ nào để sửa. Song, điều quan trọng nhất là tinh thần tập thể cùng vào cuộc, mọi người cảm thấy được tin tưởng nên phát huy hết năng lực, cảm thấy sự đoàn kết chia sẻ giữa anh em khi làm cùng nhau nên không ai đứng ngoài cuộc.

PV: Theo ông, trong hai tố chất của người lãnh đạo cần có là chuyên môn giỏi và tạo được niềm tin, cái nào quan trọng hơn?

Ông Đinh Văn Thành: 

Một người lãnh đạo chuyên môn chưa giỏi thì có thể học, thậm chí có thể tìm được người giỏi chuyên môn để giúp mình. Nhưng nếu không tạo được sự kết nối và niềm tin với nhân viên thì sẽ không được ủng hộ, không tạo được đội ngũ mạnh.

Mà muốn nhân viên có niềm tin thì người lãnh đạo phải có tầm nhìn, phải được nhân viên tin tưởng. Nhớ ngày đầu nhận vị trí Chủ tịch HĐQT, thấy anh em động viên, tin tưởng ủng hộ, tôi cảm thấy trong lúc khó khăn mà mình quay đi thì chẳng khác nào phụ lòng tin của mọi người. Vì vậy, tôi đã quyết cống hiến hết sức. Có lẽ, điều đó cũng tạo thêm động lực để anh em cùng chia vai gánh vác với tôi trong thời kỳ đầu khó khăn.

PV: Một trong những thách thức trong quản lý, đó là chính sách luôn thay đổi, ông làm thế nào để tránh rủi ro?

Ông Đinh Văn Thành: Trong kinh doanh luôn có sự thay đổi nên nguyên tắc của tôi là phải có sẵn phương án dự phòng để chủ động trong mọi tình huống.

PV: Trong tình hình kinh tế khó khăn, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chiến lược của SCB sẽ làm gì để "về đích" hiệu quả?

Ông Đinh Văn Thành: Hiện SCB đang thực hiện đề án tái cơ cấu mới đa phương tiện nên hướng sắp tới, mục tiêu của SCB là giảm bất động sản và tăng khối dịch vụ, bán lẻ. Trong đó, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn là những ngành trước đây SCB không tập trung thì nay sẽ chuyển hướng để tạo đột phá mới. Song song đó, SCB cũng sẽ tăng vốn để có nền tảng chắc chắn và tăng tiêu chuẩn cao hơn để ngân hàng hoạt động an toàn nhất và giảm chi phí thấp nhất.

Bên cạnh việc xử lý và thu hồi nợ xấu, nợ tồn đọng trong quá trình tái cơ cấu, việc thúc đẩy phát triển kinh doanh ngân hàng bán lẻ và cung cấp các dịch vụ ngân hàng hiện đại là xu thế tất yếu. Do đó, giai đoạn 2019 - 2020 SCB sẽ tập trung nguồn lực để cơ cấu lại hoạt động tín dụng và nâng cao năng lực tài chính; đồng thời đầu tư nền tảng về công nghệ, nhân sự và phát triển hệ thống khách hàng, từ đó tích tụ nguồn lực phát triển ngân hàng bán lẻ và ngân hàng số trong tương lai.

Đầu tư cho nông nghiệp nhiều rủi ro nhưng không chỉ nông nghiệp mà tất cả lĩnh vực kinh doanh khác cũng đều có

PV: Nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư khá rủi ro và thu lợi cũng rất lâu, thưa ông?

Ông Đinh Văn Thành: Đầu tư cho nông nghiệp nhiều rủi ro nhưng không chỉ nông nghiệp mà tất cả lĩnh vực kinh doanh khác cũng đều có. Vì vậy, phải tính được chiến lược và biết kiểm soát, quản lý chặt và có kế hoạch dự phòng.

Cách đi của SCB là hỗ trợ, tư vấn tài chính cho các doanh nghiệp có năng lực để đầu tư vào nông nghiệp một cách an toàn và đảm bảo hiệu quả. Khai thác tối đa dòng tiền để tạo sự bứt phá.

Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện nhiều dự án đầu tư cho nông nghiệp và sẽ làm theo dạng tập trung với mục tiêu thay đổi cơ bản ngành nông nghiệp, quản lý trọn gói từ khâu sản xuất tiêu dùng đến đầu ra tiêu thụ.

Mới đây, chúng tôi cũng có một số chương trình hỗ trợ nông nghiệp tại các tỉnh miền Trung, miền Tây để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm thanh long. Sắp tới, sẽ tiếp tục phối hợp với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này để triển khai dự án quy mô lớn hơn, mang lại nguồn thu cho nông dân và tạo đầu ra ổn định.

PV: Mặc dù chính sách cho doanh nghiệp vay vốn đã rộng cửa nhưng vẫn nhiều doanh nghiệp than khó tiếp cận nguồn vốn vay, theo ông nút thắt nằm ở đâu?

Ông Đinh Văn Thành: Trong quy định cho vay thì ngoài vấn đề pháp lý doanh nghiệp phải đảm bảo, thì tài sản, sổ sách cũng phải minh bạch, rõ ràng, nhất là phương án kinh doanh phải thực tế và khả thi. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp không đáp ứng các tiêu chí. Chỉ khi doanh nghiệp minh bạch công khai thực lực và biết khả năng của mình đến đâu thì lúc đó nút thắt mới được tháo gỡ.

PV: Trong vai trò Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Quận 6, ông đã làm gì để giúp các hội viên?

Ông Đinh Văn Thành: Khi tôi về làm chủ tịch Hội Doanh nghiệp Quận 6, thấy hoạt động của Hội vẫn mang tính hình thức, hội viên kết nạp nhưng không có hoạt động kết nối, hỗ trợ hiệu quả, chưa phát huy hết các vai trò, tiếng nói chung của các hội viên.

Thậm chí, có những trường hợp doanh nghiệp bị vướng nhiều khúc mắc về thuế hay xuất nhập khẩu nhưng không dám đi hỏi. Tôi tự hỏi tại sao Hội không đứng ra để giải quyết những vấn đề vướng mắc cho hội viên hay tháo gỡ những khó khăn về vốn, hành chính cũng như đưa ra các chương trình liên kết cho vay vốn để doanh nghiệp trong Hội được hưởng lợi ích chung.

PV: Điều hành cùng lúc hai công ty và Chủ tịch hội, ông cân bằng thế nào giữa cuộc sống cá nhân và công việc?

Ông Đinh Văn Thành: Dù đảm nhiệm nhiều công việc nhưng tôi còn rất nhiều quỹ thời gian cho gia đình, bạn bè và bản thân. Sau một ngày làm việc, tôi trở về gia đình, được làm những điều rất bình thường và sống bình dị, được đi bộ, ngồi quán cóc bên đường quan sát cuộc sống xung quanh để tái tạo năng lượng mới cho ngày hôm sau. Nhất là được bình yên trong gia đình, người thân. Với tôi, thế là đủ đầy và hạnh phúc.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top