Aa

Một câu chuyện về... gạo

Thứ Ba, 10/04/2018 - 06:01

Chúng ta kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Chính xác! Nhưng nếu hàng Việt Nam không nâng cao chất lượng và có hình thức hấp dẫn thì chúng ta sẽ rơi vào nỗi “dày vò” về lòng yêu nước của mình mà không sao thực hiện được “lòng yêu nước” này.

Sáng qua, một người hàng xóm nói với vợ tôi là, chị về quê được đứa cháu ở quê biếu mấy chục cân gạo nhà trồng được, nhưng khi ra đến thành phố thì chị mang ra chợ bán đi để mua gạo Thái. Chị nói, nhà có mấy người, mỗi tháng gạo ăn chẳng hết bao nhiêu nên cứ mua gạo ngoại mà ăn.

Lâu nay chúng ta đang nói tới việc người Việt Nam sính hàng ngoại. Từ thịt, sữa, rượu, bia cho đến cả gạo, trong khi Việt Nam là một nước xuất khẩu gạo đứng trong top đầu của thế giới.

Có một câu chuyện về gạo, không chỉ những thành viên trong gia đình tôi, mà qua theo dõi tôi thấy, rất nhiều người Việt Nam đến Nhật hay quá cảnh Nhật về Việt Nam đều mua một số loại bánh làm từ gạo của Nhật. Quả thực, những loại bánh đó ngon và vô cùng hấp dẫn về hình thức. Một vài loại bánh làm từ gạo với nhân đậu xanh, đậu đỏ của Nhật đã được một số chuyên gia làm bánh Việt Nam bắt đầu chế biến ở Việt Nam. Và tôi thấy những người trẻ kháo nhau về các loại bánh đó. Đặc biệt đấy chứ.

Sẽ có người nói: “Chúng ta cũng đã làm rất nhiều loại bánh từ gạo rồi”. Nhưng hầu hết các loại bánh đó tuy ngon nhưng hầu như không sử dụng được ngày ngày và ở mọi nơi. Bạn không thể mang bánh đa, bánh đúc, bánh giò, bánh chưng, bánh dày... đến công sở ngày ngày hoặc đi du lịch nhiều ngày. Các loại bánh làm từ gạo của chúng ta hầu như chỉ sử dụng trong những dịp đặc biệt và cũng không để được lâu. Chúng ta không có các loại bánh làm từ gạo để có thể uống với trà xanh buổi sáng, để tiếp khách bất cứ lúc nào hay để chiêu đãi khách quốc tế hoặc bán cho khách du lịch nước ngoài mang về nhà.

Tất cả là do công nghệ chế biến. Cũng như một số hoa quả của chúng ta. Chúng ta mới chỉ bán hoa quả tươi ra thị trường thế giới mà chưa có những sản phẩm chế biến. Mà việc xuất khẩu hoa quả tươi của chúng ta luôn luôn phập phù. Quả chà là xuất sứ châu Phi được bán ở hầu hết các siêu thị ở các nước, hồng sấy khô của Nhật cũng quyến rũ người nước ngoài, mỳ gạo Hàn Quốc được sử dụng trong nhiều gia đình Việt Nam, bánh gạo của Nhật cũng tràn ngập... Tôi đã mua thử một loại kẹo giống kẹo lạc của Tây Ban Nha và tôi sửng sốt vì hương vị thơm ngon của nó. Ngay cả tương Hàn và tương Nhật cũng đã xuất hiện trong bữa ăn của nhiều gia đình Việt Nam. Đến gạo nấu cơm, nhiều gia đình ta đã dùng gạo Campuchia, gạo Thái Lan...

Việt Nam nhiều loại bánh từ gạo, nhưng chưa hấp dẫn và có giá trị thương mại cao.

Việt Nam nhiều loại bánh từ gạo, nhưng chưa hấp dẫn và có giá trị thương mại cao.

Chúng ta kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Chính xác! Nhưng nếu hàng Việt Nam không nâng cao chất lượng và có hình thức hấp dẫn thì chúng ta sẽ rơi vào nỗi  “dày vò” về lòng yêu nước của mình mà không sao thực hiện được “lòng yêu nước” này. Vì một lẽ thông thường, người tiêu dùng sẽ phải lựa chọn một cách tự do nhất những gì tốt nhất, đảm bảo vệ sinh nhất cho gia đình họ. Chúng ta cũng băn khoăn rất nhiều về giá nông sản do nông dân Việt Nam canh tác. Nhưng một trong những yếu tố làm cho giá nông sản của chúng ta được duy trì và nâng cao là công nghệ chế biến.

Lịch sử nền nông nghiệp thời chúng ta, đã diễn ra hai cuộc cách mạng quan trọng: Cuộc cách mạng lần thứ nhất là giành lại ruộng đất cho nông dân. Cuộc cách mạng lần thứ hai là trao quyền sử dụng đất cho cá nhân hộ nông dân. Và bây giờ, theo tôi, chúng ta cần một cuộc cách mạng khác: Cuộc cách mạng chế biến nông sản. Cuộc cách mạng này sẽ mang đến một giá trị mới cho... gạo.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top