Một cơ duyên viết cho Reatimes
Viết theo lời mời nhân kỷ niệm Reatimes 5 tuổi của Thư ký trẻ măng mà luôn bị đứt quãng vì loa phường, vì tin giãn cách ở Hà Nội lần thứ 2, vì những cái chết ăn theo dịch; viết trong những ám ảnh đoàn người Quảng Ngãi đi làm thuê từ Sài Gòn đi bộ về quê, lầm lụi đói khát dù được cứu trợ, nhưng dù có được cứu trợ thì những ám ảnh về bóng người xiêu vẹo trong bóng chiều cũng ám vào chữ.
Trái tim chưa quá đát của tôi, không phải cứ nhấn Delete là xóa được. Chưa khi nào tôi bị cảm xúc chen ngang vào chữ như lúc này, tích tắc này. Nên lại bỏ viết, đi lại mãi trong nhà mới ngồi xuống bàn phím, lại có điện thoại bạn văn vừa mất. Bạn mà mấy hôm trước còn mặc váy hoa hàng hiệu còn đòi tôi chụp ảnh, dặn “chụp đẹp vào đấy” hôm nay đã về với đất đai nằm mãi ở quê bạn. Tích tắc bị nhiều cảm xúc thế sự xen vào mạch viết như vậy.
Lại chợt tính tuổi Tạp chí Reatimes non trẻ mới 5 tuổi, mà có tới 2 năm mắc dịch Cô Vy, một kỷ niệm 5 năm mà có tới 2 lần Hà Nội giãn cách. Đường vắng, nhà cửa đóng kín. Mọi thứ khó chồng khó, mới biết Reatimes, người lãnh đạo phải vượt dốc ra sao, làm sao để can đảm đi tiếp vững vàng trong cuộc chiến với dịch bệnh tràn khắp hành tinh.
Có thể trái tim tôi chưa quá đát còn chất đầy những u uẩn về cõi người mưu sinh, trong nghề viết. Giãn cách ở phía ngoài cánh cửa, nhưng trong cánh cửa nhà mình không hề giãn cách. Những đối thoại ríu rít của Ban Thư ký Reatimes, có lần nhà báo trẻ Nguyễn Thành Công hẹn hò: “Con sẽ ngồi uống cà phê với u, thời gian N và M lần”; Đỗ Hồng Vân ríu rít: “Nếu con qua hồ Gươm con gọi u, cà phê”; Hà Thư chẳng nói chẳng rằng, đi xe ôm xuống phỏng vấn u về Hà Nội cũ.
Để sống có những tích tắc ấm áp, chân thành trong đời là có thật, tích tắc không có khoảng cách tuổi tác...
Hàng tháng bạn Lê Thủy gửi nhuận bút vẫn hỏi lại cẩn thận: “U nhận được nhuận bút chưa, u đừng có ra chợ vào lúc này, u nhớ”. Chuyện vụn của ngày thường mà “bọn trẻ” thân thương, hay dành tích tắc vui vẻ cho tôi.
Ngoảnh lại, tôi tình cờ biết đến Reatimes cách đây 2 năm, do cuộc thi viết về “Nơi tôi sống”. Đến khi nào đứng tuổi, bạn cũng như tôi, chẳng thích thi thố gì, cứ viết về những điều bình dị khi thời gian lướt qua, lướt qua. Không ngờ, năm 2019 tôi được giải thưởng báo chí, nghe thông báo lại ngớ ra lần nữa, được giải Nhất.
Thử ngoảnh lại nghề cầm bút thấy mình cũng may mắn, nhiều lần được giải báo chí và giải văn chương. Nhưng cảm xúc khi ta còn trẻ đến khi đứng tuổi, cảm nhận thật khác biệt.
Hôm trao giải của tờ Tạp chí mới đầy 3 tuổi, tôi vẫn nhớ giây phút còn nguyên sự cảm động. Mấy bạn Biên tập, Thư ký gọi tôi là u xưng con, ríu rít mà có biết mặt biết tên ai với ai đâu. Giải thưởng ấy cho tôi có dịp đi lại vệt đảo Phú Quốc, sau gần 40 năm, hòn ngọc Viễn đông ở phía trời nam thay đổi đến ngỡ ngàng. Và tôi đã viết như một cơ duyên, khi Tổng Biên tập Phạm Nguyễn Toan đặt bài: “Mong được chị viết cho Tạp chí cho đều đặn 1 tháng 4 bài, chị viết cho bọn em 1 năm, chị nhé”. Nhận lời mà lo. Thời làm hợp đồng cho tờ báo Du lịch, được khoán, 1 tháng 4 bài 8 tin.
Khi bạn còn trẻ đi nhiều viết dễ. Không nhớ hết bao lần bài đổ, thời viết bút bi, bút mực trên giấy A4, đến khi phải học đánh máy vi tính để gửi bài là một thời mà bạn trẻ hôm nay rất khó chia sẻ. Thời chỉ viết bút máy, đánh máy, chuyển fax ở bưu điện miền núi, viết bài khổ sở ra sao? Có lẽ vậy mà người viết của thời bao cấp bước đến thời 4.0, mới thấy nhờ có intenet quả là nhàn hạ. Chạnh nhớ thời tôi làm cho một tờ báo nọ kỷ niệm 10 năm, viết trong những chuyến đi bão táp, dù bài có chất lượng đến mấy cũng không bao giờ được nửa lời khen hay một đối thoại động viên của “sếp”, 10 năm dù viết hay cũng cào bằng như viết dở. Nhưng ơn giời, bù lại thời gian làm báo hợp đồng đã cho tôi kinh nghiệm viết.
Sau này tôi nghĩ lại, mới thấy đời phóng viên, nhà báo được làm việc với một minh quân, một tướng tài, thật diễm phúc! Khi viết cho Reatimes, tôi luôn được Biên tập quan tâm, khích lệ, bài viết hay được Thư ký đưa lên quảng bá, “bọn trẻ" lại động viên “u u, con con" ríu rít, tuổi già thấy rưng rưng. Cái tuổi chẳng phải để thích được khen mà tuổi đã biết mình viết ở ngưỡng nào. Nhưng thái độ ứng xử của Ban thư ký, Biên tập của Tạp chí - đội ngũ Thư ký chịu học hỏi, khiêm nhường là lý do chính. Họ trẻ, họ nhanh nhạy.
Tôi đã đọc hàng loạt bài về doanh nhân nước Việt. Ví dụ bài của Nguyễn Thành Công (Tổng Thư ký Tòa soạn) viết rất hay về chân dung doanh nghiệp. Rồi bất chợt có lần đọc được ở đâu đó, Tổng Biên tập Phạm Nguyễn Toan có một so sánh giản dị về cây bút viết sung sức của Tạp chí, ví dụ “như mình bằng tuổi bạn ấy không viết được như vậy?” - Một lời khen đủ thấm, một biểu dương, một khích lệ!
Bạn, nếu được làm phóng viên có một Tổng Biên tập như vậy, ủng hộ cách viết sáng tạo như vậy thì còn gì bằng? Như cánh chim mà sải cánh viết. Với người chọn nghề cầm bút, nhất là phóng viên, họ rất cần có sự thấu cảm, cách “dùng” người đúng chỗ đúng lúc thì họ luôn tỏa sáng.
Tôi thích đọc các chân dung doanh nghiệp với những phản biện của các chuyên gia kinh tế. Tạp chí điện tử Reatimes cho tôi hiểu biết hơn về phận đời phụ nữ tài hoa nước Việt, họ làm giàu mạnh cho đất nước như chị Thái Hương, Nguyễn Thị Phương Thảo..., những doanh nhân như Vũ Văn Tiền, Ngô Chí Dũng, Bùi Thành Nhơn… hiện ra với rất nhiều độ khó và cái chính đội ngũ doanh nhân họ đang thật sự vì đất nước, đem lại đời sống cho nhân dân lao động, cơm ăn áo ấm cho người nghèo.
Dự án "Doanh nhân đồng hành cùng dân tộc" là một dấu ấn lớn của Reatimes nhân kỷ niệm 5 năm thành lập. Các bài viết đã để lại những tiếng vang lớn trong cộng đồng doanh nghiệp và bạn đọc.
Tôi đọc thường xuyên hơn Tạp chí điện tử này, mới đầu tôi thú thật mình không chú ý lắm về chuyên mục bất động sản. Tôi biết mình ngờ nghệch với những con số tiền tỷ, tôi đọc ở tai này lại trôi sang tai khác. Vốn tiền tỷ những 9 số không, ù cả tai hoa cả mắt. Tôi biết mình kém về con số, thì cứ tránh xa vấn đề 9 số không. Tôi chỉ chú ý đến những thứ bình dị, nhỏ như góc bếp nhà ta, nhỏ như góc nội trợ nhà ta là đủ. Từ góc nhà mà nhìn ra nề nếp văn hóa gia phong, nhìn ra cõi người mà viết. Sức mình có hạn chỉ mong viết về Hà Nội cũ, viết về thời bao cấp, thời đạn bom, mình thuộc, viết về những gì vụn của đàn bà, mà ai đó đi qua chẳng ai nghĩ tới, thì mình viết.
Đời sống nó vẫn xảy ra như thế và nó vốn thế. Tôi cầu cạnh bút chỉ viết về những điều nhỏ bé, nghiêng về phận người thua thiệt, bé mọn như mình. Và Tạp chí Reatimes rộng đường cho tôi viết tản mạn về các ngõ nghèo Hà Nội, về những phận người chẳng biết tính đến 6 số không chứ nói gì đến 8 hay 9 số không...
Và tôi viết, như người chạy marathon một năm với những chuyện nhỏ nhặt của cuộc sống quanh ta, vẫn là chủ đề khai thác từ nơi tôi sống. Cơ duyên từ chủ đề "Nơi tôi sống" đã cho tôi một phát hiện khác là mình còn viết được về Hà Nội. Nhưng khi biết mình đuối sức thì dừng, nhà văn nào cũng đều rất sợ viết nhạt, viết dễ dãi.
Tích tắc thời gian vẫn vậy. Thời gian cho ta những giây phút thăng hoa được viết, viết bay bổng, lãng mạn hay viết buồn bã thế sự, tùy ở thế mạnh mỗi người, tùy ở sự sáng tạo trong trang bản thảo, khi đem đến cho mỗi người viết một hạnh phúc riêng.
Tôi thấy mình hạnh phúc, có giây phút hoài niệm khi được viết, được cộng sự với Reatimes, vẫn thích những chuyến đi xa khi ngớt dịch để viết bài cho Reatimes như trở về ngôi nhà đầy ấm áp, nghĩa tình trong nghề viết nhọc nhằn này./.