Aa

Một hành động đã giúp Hà Nội từng bước xây dựng thành phố thông minh mà không tốn một xu Ngân sách

Thứ Năm, 03/08/2017 - 07:37

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ những kinh nghiệm, nỗ lực xây dựng nền kinh tế số, hay là mang về văn minh cho cả thành phố...

Tại buổi Diễn đàn kinh tế tư nhân ngày 31/7, đáp lại lời đề nghị chia sẻ kinh nghiệm của Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung cất lời về công cuộc xây dựng một thành phố thông minh toàn diện mà Hà Nội đang đeo đuổi.

Phải nói rằng, sau gần 2 năm từ khi Chủ tịch Chung điều hành, bộ mặt hành chính Hà Nội, với những công nghệ được áp dụng để phục vụ người dân, đã có những thay đổi đáng kể. Điều cốt yếu ở đây là những thay đổi đó được tạo ra vì khao khát thực sự muốn trở thành một đô thị thông minh của Hà Nội, như con đường nhiều đại đô thị khác trên thế giới từng đi qua, chứ không chỉ đơn giản là thực hiện một nhiệm vụ nào đó trung ương gửi xuống.

Lời ngỏ ý "xin Hà Nội chia sẻ" và ước mơ về một đô thị phát triển chẳng vì một mệnh lệnh từ trung ương nào

Theo lời ông Chung, việc xây dựng Chính phủ, chính quyền điện tử là một nhiệm vụ trong Nghị quyết 36a/2015/NQ-CP mà Chính phủ đã yêu cầu từng địa phương triển khai.

Ông Nguyễn Đức Chung tại buổi Diễn đàn kinh tế tư nhân

Ông Nguyễn Đức Chung tại buổi Diễn đàn kinh tế tư nhân

Tuy nhiên, với riêng Hà Nội và viễn cảnh một đại đô thị thì những kỳ vọng phải lớn hơn thế. “Chúng tôi xác định xây dựng, phát triển kinh tế số là con đường đi bắt buộc của tất cả các đô thị lớn trên thế giới nói chung và đặc biệt đối với Hà Nội”, Ông Chung nói.

Theo lời vị Chủ tịch, Hà Nội đã nhìn ra được 2 lợi ích quan trọng mà một đô thị thông minh sẽ mang lại cho sự phát triển của thành phố.

Trước hết, đó là về chi phí. Ông Chung nhận định nền kinh tế số sẽ giúp giảm chi phí quản lý hệ thống bộ máy chính quyền, cũng như giúp doanh nghiệp giảm chi phí ở thủ tục hành chính. Lợi ích thứ hai được dành cho chính bộ máy chính quyền, khi mà công nghệ hứa hẹn sẽ giúp các vị lãnh đạo Hà Nội nâng cao hiệu quả trong việc điều hành.

Xa hơn, ông Chung cũng nói về tầm nhìn của Hà Nội sau khi nền kinh tế số được thiết lập: Một hệ sinh thái khởi nghiệp. Ông nói: “Xây dựng nền kinh tế số là nền tảng cốt yếu, cơ bản nhất để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố Hà Nội trong tương lai”.

Vậy, Hà Nội đã làm được gì trong công cuộc xây dựng thành phố thông minh của mình? 

Chủ tịch Chung nhắc tới 2 thành tựu thành phố đã có cho đến thời điểm này là một hệ thống mạng LAN thống nhất toàn thành phố  những tập hợp quy mô về cơ sở dữ liệu của toàn Hà Nội.

Mạng LAN toàn thành phố: 'Vứt bỏ rất nhiều cái cũ, chúng tôi làm chỉ 1 cái mới, tốt hơn, nhưng không tốn một xu Ngân sách'

Xây dựng thành công mạng LAN toàn thành phố là một hành động cương quyết 'đập bõ cái cũ, xây cái mới' của Hà Nội.

Trước đây, mỗi quận huyện, phường xã, đều sử dụng một hệ thống điều hành, quản lý thông tin riêng của mình, dẫn đến không có sự thống nhất trên toàn thành phố.

Vào lúc này, Hà Nội đã mạnh dạn vứt bỏ toàn bộ các hệ thống trên để toàn thành phố có thể sử dụng chung một hệ thống mạng. Đây là minh chứng đanh thép cho quyết tâm xây dựng một đô thị thông minh của Hà Nội.

“Khác tất cả các tỉnh thành khác, chúng tôi mạnh dạn vứt bỏ 170 chương trình phần mềm, server riêng lẻ của tất cả các quận huyện ở các sở ban ngành, của các doanh nghiệp công ích đã có từ năm 2015 để xây dựng thành một hệ thống mạng LAN cho toàn thành phố, từ cơ quan đứng đầu cho đến 584 phường xã, 30 quân huyện và tất cả các Sở”, ông Chung tiết lộ.

Một thành phố

Một thành phố "số hóa" sẽ là tương lai với Hà Nội

Cũng theo ông thì hệ thống mạng LAN này không ‘tiêu tốn một xu đồng Ngân sách Nhà nước’. Lý do vì “chúng tôi chuyển đổi cơ chế đầu tư sang sang cơ chế thuê dịch vụ. Server thuê từ các tập đoàn, đường truyền thuê, phần mềm cũng thuê từ các công ty tư nhân”, người đứng đầu Tp. Hà Nội cho biết.

Các công ty được tín nhiệm đặt hàng đều cảm thấy vinh dự khi làm ra sản phẩm phục vụ cả thành phố, và cũng chỉ đến khi sản phẩm đạt yêu cầu thì Hà Nội mới trả tiền. “Với cách làm như vậy thì chỉ trong hơn 1 năm vừa qua, Hà Nội đã xây dựng được mạng LAN dùng chung”, theo lời ông Chung.

Gửi xe "số hóa", đi học "số hóa", khám bệnh "số hóa"

Thành tựu thứ hai được ông Chung kể ra là Hà Nội đã và đang xây dựng thành công những bộ cơ sở dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, đất đai, sức khỏe… trên toàn địa bàn thành phố.

Đó là cơ sở dữ liệu về 7,5 triệu dân cư với 32 thông số đã được xây dựng xong. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về hơn 230.000 doanh nghiệp và 300.000 hộ kinh doanh cá thể. Với 2,7 triệu lô đất và thửa đất, thành phố phấn đấu để cơ sở dữ liệu đất đai sẽ ra đời vào tháng 10/2018.

Ở nhiều đô thị trên thế giới, chính nhờ những bộ dữ liệu đồ sộ như thế này mà cư dân thành phố đã có một cuộc sống rất tiện nghi. Lý do vì mọi thứ đều đã được số hóa, ví dụ, họ đặt lịch hẹn với luật sự, bác sĩ chỉ qua một tin nhắn, hay nộp đơn xin vay tiền mua nhà chỉ qua một cú click chuột...

Hệ thống I-Parking trên 2 con phố ở Hà Nội

Hệ thống I-Parking trên 2 con phố ở Hà Nội

Tuy nhiên, chưa cần đợi đến tương lai thì vào lúc này, người Hà Nội đã có những trải nghiệm đầu tiên với cuộc sống số hóa.

Ở cuối màn chia sẻ, ông Chung tự hào khi nhắc đến iParking - một ứng dụng của công nghệ vào lĩnh vực trông và giữ xe - đã được thử nghiệm từ ngày 1/5 trên hai con phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt.

Theo lời ông, iParking là một nền tảng giúp người đỗ xe có thể trả tiền gửi xe trực tuyến mà không cần dùng tiền mặt. Điều đáng nói, iParking được phát triển bởi chính một nhóm sinh viên người Việt. Khi nhóm sinh viên này trở về từ Mỹ, các vị lãnh đạo Hà Nội hiểu rằng để có một đô thị thông minh thì không thể không có những con người thông minh giúp sức.

Tỏ ra cởi mở với công nghệ, Hà Nội đã trưng dụng nhóm sinh viên này để thiết kế ra một ứng dụng hỗ trợ trả tiền gửi xe dành riêng cho thành phố. Kết quả, chỉ sau tháng 5 sử dụng, 248 khu đỗ xe của 2 tuyến phố đã mang về 2.965.000 đồng tiền gửi xe, tăng 270% so với trước đó. Trong số đó, 92% số tiền này được trả trực tuyến, chỉ 8% trả bằng tiền mặt.

Một ứng dụng công nghệ thành công trong đời sống khác cũng cần nhắc đến là hệ thống kết nối nhà trường - gia đình - học sinh trong tất cả 2700 trường học tại Hà Nội hiện nay. Với hệ thống này, phụ huynh và nhà trường có thể dễ dàng phố hợp để quản lý con em mình một cách tốt nhất.

Hệ thống kết nối nhà trường - gia đình - học sinh

Hệ thống kết nối nhà trường - gia đình - học sinh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top