Ngôi nhà xanh hiện nay đang là xu hướng phát triển của cả thế giới bởi bên cạnh việc tiết kiệm năng lượng còn đồng nghĩa với việc giảm sự tàn phá thiên nhiên ở đầu nguồn (do khai thác than, dầu mỏ…) và giảm việc thải khí độc hại vào môi trường. Ngoài ra, ngôi nhà xanh còn có vai trò lớn trong việc gìn giữ sức khỏe của chủ nhân ngôi nhà.
Theo cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, người Mỹ dành 90% thời gian của họ trong nhà, nơi không khí có thể bị ô nhiễm nhiều hơn 2-5 lần so với không khí ngoài trời. Mức ô nhiễm này có thể làm suy nhược cơ thể, kéo theo các căn bệnh liên quan đến hô hấp, tim phổi…
Bởi vậy, nghiên cứu xây dựng một ngôi nhà xanh cần chú ý lựa chọn các vật liệu xây dựng an toàn, lưu ý đến kiểm tra mức độ các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC). VOC là các hóa chất dễ dàng trở thành dạng khí và lẫn với oxy trong nhà. Theo báo cáo của Hiệp hội các bệnh về phổi ở Mỹ, hàm lượng VOC cao có thể gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tổn hư gan thận, đặc biệt nguy hiểm cho bà mẹ đang mang thai.
Riêng tại Việt Nam, môi trường ẩm ướt, mưa nhiều nên vi khuẩn, nấm mốc dễ phát triển, dẫn đến nhiều bệnh về đường hô hấp cho chủ ngôi nhà. Theo đó, vật liệu của ngôi nhà xanh cần phải có những công nghệ giúp ngăn ngừa và tiêu diệt các vi khuẩn gây hại.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, hiện nay, các sản phẩm xây dựng hàng đầu có chứa VOC bao gồm vật liệu cách nhiệt, thảm, sàn vinyl, keo dán, sơn, vecni. Sau khi kiểm tra chứng nhận Greenguard và Green Seal và xem xét tỷ lệ các sản phẩm dựa trên mức độ phát thải hóa chất cho thấy, sàn từ vật liệu sứ giả gỗ là một trong những sản phẩm có lượng VOC thấp, không chứa độc tố vật liệu này còn rất bền, không cần đánh bóng và không bị hỏng do nước. Bên cạnh đó, vật liệu tổng hợp xi măng sợi gỗ cũng là một lựa chọn tốt bởi có thể cân bằng độ ẩm tương đối bên trong nhà một cách tự nhiên không cần sự trợ giúp có các loại máy móc. Ngoài ra, vật liệu này còn ngăn ngừa nấm mốc, vi khuẩn.
Một số công trình nổi bật sử dụng vật liệu có khả năng làm sạch không khí
Một tòa nhà "hoành tráng" ở Milan gọi là Palazzo Italia đã sử dụng vật liệu mới là loại vữa (một hỗn hợp giữa xi măng và titanium dioxide) gọi là biodynamic có khả năng loại bỏ các chất gây ô nhiễm từ không khí. Loại vật liệu xây dựng mới này hấp thụ nitơ oxit, lưu huỳnh ô nhiễm trong không khí và chuyển nó thành muối vô hại. Loại muối này sẽ bám trên các bức tường và dễ dàng bị rửa trôi khi trời mưa. Tòa nhà này được hoàn thành nhân dịp tổ chức Hội chợ Thế giới ở thành phố Italia vào năm 2015.
Tại Mỹ, dự án The Jetsons của công ty khoa học vật liệu Arconic đã thiết kế ra mô hình tòa nhà chọc trời cao 4,8 km được làm từ vật liệu in 3D với khả năng tự làm sạch và loại bỏ bụi bẩn trong không khí. Theo các nhà nghiên cứu vật liệu, ngoài chức năng thẩm mỹ, các lớp phủ ngoài tòa nhà còn giúp giảm hàm lượng các chất ô nhiễm xung quanh nó. Cụ thể, 1.000m2 được phủ lớp EcoClean sẽ làm sạch không khí tương đương với 80 cây xanh.