Trong nhiều năm, khi nhắc đến kiến trúc và thiết kế tại TP.HCM, nhiều người thường nghĩ ngay đến cụm từ "nhập khẩu". Hầu hết các công trình lịch sử mang tính "định danh" cho thành phố này đều mang dấu ấn từ quá khứ thuộc địa Pháp. Còn với các công trình mới như khách sạn hạng sang thì lại phụ thuộc nhiều vào các xu hướng mới từ châu Âu hay Mỹ, kể cả đồ nội thất cũng được nhập khẩu từ những thị trường này.
Điều nay đến nay đang dần thay đổi, nhờ vào một đội ngũ nhỏ nhưng có tầm ảnh hưởng của các nhà sáng tạo trong nước. Đương nhiên, bên cạnh đó cũng có sự góp công của một số nhà thiết kế đến từ nước ngoài. Trong đó phải kể đến John Reeves và hãng nội thất Reeves Design của ông. Có thể nói, John là một trong những người tiên phong, có tầm nhìn trong lĩnh vực này và đã được chứng minh bằng các giải thưởng lớn nhỏ đạt được cho các thiết kế nội thất được sản xuất bởi Reeves Design.
Kể từ khi thành lập chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam năm 2004, Reeves đã trở thành một cái tên đáng gờm trong giới thiết kế nội thất quốc tế. Ông đã có những tác phẩm trưng bày tại New York, London và liên tục nhận được nhiều giải thưởng. Vừa có được những kiểu dáng đẹp, thanh lịch lại đảm bảo được chức năng nổi bật, các thiết kế của John Reeves kết hợp giữa sự khéo léo của người nghệ sỹ và đặc tính của các vật liệu một cách uyển chuyển, để vừa thể hiện được nét hiện đại lại vừa cổ điển.
"Tôi muốn tạo ra những tác phẩm vừa mang lại sự nhạy cảm, rung động lại vừa không lỗi mốt. Tôi muốn những thiết kế của mình phù hợp với tính đương đại nhưng cũng mang những nét hoài cổ để kể cả những người lớn tuổi cũng sẽ yêu thích chúng", John chia sẻ.
Dù hiện tại đã coi Việt Nam là ngôi nhà của mình, nhưng John Reeves từng cho biết ông không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng ông có thể gắn bó với mảnh đất này lâu đến vậy. Sau khi tốt nghiệp trường thiết kế, John và một vài người bạn cùng lớp đã quyết định theo đuổi đam mê tại cái nôi Châu Âu, dừng chân ở những nơi có ảnh hưởng như Milan và Stockholm. "Đó là quãng thời gian vui vẻ với chúng tôi, nhưng cuối cùng, chúng tôi vẫn phải tan rã và phải cố gắng tìm việc làm. Tôi đã trải qua quãng thời gian là một sinh viên mới tốt nghiệp rất điển hình, có một công việc vào ban ngày và ban đêm thì làm thêm ở các quán bar. Nhưng tôi vẫn luôn tranh thủ thời gian để tự tìm tòi với những sáng tạo, thiết kế của riêng tôi", Reeves nhớ lại.
Luôn khát khao có được cơ hội để khẳng định bản thân, Reeves đã chấp nhận lời đề nghị từ công ty Julian Chichester Design (Vương quốc Anh) để đến Việt Nam và giúp sức chuẩn hóa quy trình sản xuất tại các nhà máy của hãng thiết kế này. Ngay cả khi luôn bận bịu với công việc hằng ngày, Reeves vẫn tiếp tục thực hiện các ý tưởng của riêng mình trong thời gian rảnh rỗi. Trong vòng một năm, một công ty nội thất của Anh, Heal's, đã thể hiện sự quan tâm tới các tác phẩm của ông và yêu cầu nhà thiết kế gửi cho họ các bản mẫu.
Các tác phẩm của Reeves nổi tiếng đến mức cuối cùng chúng đã trở thành một phần của bộ sưu tập các mẫu nội thất bản sắc của thương hiệu thiết kế 200 năm tuổi này. Không lâu sau đó, mỗi ngày, Reeves đều thức dậy từ sáng sớm, trước vài tiếng đồng hồ khi công việc hằng ngày của ông bắt đầu, để sắp xếp chuỗi sản xuất cho những sáng tạo của riêng mình.
"Tôi đã phải đi khắp nơi bằng xe máy để gắng tìm một nhà xưởng có thể đạt được các yêu cầu về dây chuyền sản xuất sạch. Tôi quyết tâm không lãng phí cơ hội này. Cơ hội này là tất cả, và tôi phải quyết định xem tôi có muốn chịu trách nhiệm và đi đến cùng với nó không", Reeves chia sẻ.
Mười lăm năm sau, "canh bạc" mà Reeves đặt cược tại Việt Nam vẫn đang đền đáp lại cho ông những điều xứng đáng. "Bản lý lịch" của Reeves Design vẫn tiếp tục nối dài với những tác phẩm thành công, là thành quả của quá trình làm việc tỉ mỉ, nghiêm túc. Thay vì bị lãng quên theo thời gian, đến tận bây giờ, nhiều tác phẩm cũ của Reeves vẫn được khách hàng yêu cầu. Và thay vì tìm đến những mảnh đất "màu mỡ" hơn với thiết kế nội thất, Reeves đã ở lại Việt Nam, gắn bó với những người thợ thủ công và phát triển cùng thị trường nội thất trong nước.
"Tôi không muốn trở thành kiểu nhà thiết kế bắt đầu một điều gì đó tại một nhà máy và sau đó khi thành công lại rời bỏ nơi mình bắt đầu. Tôi luôn muốn cố gắng nuôi dưỡng những câu chuyện, những nét văn hóa xung quanh các thiết kế của mình. Và khi làm được điều đó, cả các tác phẩm của tôi và cả môi trường nơi chúng ra đời đều được tôn trọng và cùng phát triển", Reeves tâm sự.
Bằng cách dành thời gian để hiểu hơn về TP.HCM và xây dựng Reeves Design một cách chậm rãi nhưng chắc chắn, trong khuôn khổ, John Reeves đã làm nên thành công bằng sự kiên trì.
Cho đến hiện tại, Reeves vẫn khẳng định ông luôn làm việc theo nguyên tắc này, dù là ở bất cứ đâu trên thế giới, chỉ cần đó là nơi ông triển khai các công việc của mình.
"Tôi luôn muốn làm mọi thứ thông qua một mạng lưới mà ở đó các nghệ nhân người bản xứ được thể hiện tài năng của họ và các nguồn lực bản địa được tận dụng".
Thực tế đã chứng minh những điều John Reeves nói. Mạng lưới các nghệ nhân mà ông đã xây dựng lên cùng với tầm nhìn đầy tham vọng và một bộ sưu tập không ngừng phát triển đã trở thành điểm nhấn nổi bật trên thị trường thiết kế nội thất đang phát triển ở TP.HCM.
Hàng loạt những tác phẩm của John Reeves đã đạt được thành công và gây được tiếng vang như dưới đây.
Louis Four Poster Bed
Bộ sưu tập Louis từng giành giải thưởng là điểm thu hút đầu tiên của Reeves với giới hâm mộ thiết kế vào năm 2004. Thiết kế được lấy cảm hứng từ quá khứ. Với các đường viền đặc biệt và những nét uốn lượn đơn giản nhưng dễ nhớ, tác phẩm này đã thành công ngay lập tức và vẫn là một phần của bộ sưu tập bản sắc tại Heal's. Dù đã hơn một thập kỷ trôi qua, thiết kế của tác phẩm này vẫn còn nguyên vẻ tươi mới và dễ dàng phù hợp với nội thất phong cách đương đại kinh điển.
Pinlock Shelving
Đôi khi, Reeves có những nguồn cảm hứng bất ngờ khi chế tác các thiết kế của mình. Và điều này được chứng minh với bộ sưu tập Pinlock. Ý tưởng xuất hiện khi John nhìn thấy một đoạn đường sắt Pandrol với những chiếc ghim móc kim loại mà ông gọi là "sự xuất sắc của kỹ thuật". Những chiếc ghim móc này có ở tới hơn 50 quốc gia và hầu hết mọi người đều bỏ qua chúng thì John đã nhìn thấy tiềm năng, và sử dụng chính những chiếc ghim móc bằng đồng này để tạo ra một hệ thống giá đỡ linh hoạt, có chức năng tương tự như một vách ngăn phòng.
Bộ sưu tập Pinlock được lấy cảm hứng từ những chiếc móc kim loại trên đường sắt
Upcycled Marble Tables
Kết hợp giữa sự bền vững và thiết kế bắt mắt, những chiếc bàn Uncycled Marble là sự kết nối liền mạch giữa những mảnh đá granit và đá cẩm thạch được cắt ra thành những chiếc chân thanh mảnh nhưng chắc chắn. Hiệu ứng thiết kế gợi nhớ tới hình ảnh của quá trình hình thành địa chất. Dù là sản phẩm từ đá tái chế nhưng những chiếc bàn này vẫn có chất lượng rất tuyệt vời và được đánh giá cao. Bộ sưu tập này của Reeves là một ví dụ điển hình khẳng định rằng những thiết kế có ý thức với môi trường không nhất thiết phải buồn tẻ và quá thực dụng.
Talon Petite Lounge chairs and Talon Ottomans
Với "đôi chân" thon dài duyên dáng và hình dáng cong nhẹ nhàng, các thiết kế trong bộ sưu tập Talon thể hiện cách tiếp cận tối giản của nhà thiết kế. Để hoàn thiện hơn vẻ ngoài này, Reeves đã lựa chọn các vật liệu cổ điển như gỗ sồi. Màu nâu cognac cũng là yếu tố làm nổi bật sắc tự nhiên của gỗ.
CAST Collection
Bộ sưu tập CAST ra mắt tại Milan năm 2009 bao gồm một số thiết kế táo bạo nhất của Reeves. Đây là một trong những bộ sưu tập tồn tại lâu dài với thời gian và đến tận thời điểm hiện tại vẫn còn được đón nhận nồng nhiệt và nhận được sự yêu thích của khách hàng.